Hủy
Thế giới

Dow Jones xuống thấp nhất 4 tháng

Thứ Sáu | 08/08/2014 06:10

Căng thẳng tại Ukraine dấy lên làn sóng bán tháo mới trên thị trường chứng khoán Mỹ bất chấp dấu hiệu tích cực trên thị trường việc làm.
 

Chỉ số S&P 500 giảm 0,6% xuống 1.909,57 điểm vào lúc 16h00 tại New York, ghi nhận lần đầu tiên xuống thấp hơn mức trung bình của 100 ngày.


Chỉ số S&P 500 (Nguồn: Bloomberg)

Cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong 8/10 lĩnh vực chính S&P 500 theo dõi đều giảm giá, trong đó, lĩnh vực sản xuất điện thoại, y tế và vật liệu thô giảm mạnh nhất. Bloomberg dự đoán, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng 9,4% với doanh số bán hàng tăng 4,2% trong quý II.

Chỉ số Dow Jones giảm 0,5% xuống 16.368,27 điểm, sát mức điểm trung bình của 200 ngày.


Chỉ số Dow Jones (Nguồn: Bloomberg)

Có khoảng 6,2 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, cao hơn 6,8% so với mức trung bình 3 tháng. Chỉ số VIX, theo dõi biến động chứng khoán Mỹ tăng 1,8% lên 16,66 điểm.

Tình hình chiến sự dai dẳng tại Ukraine gần đây đã khiến giới đầu tư quay lưng với chứng khoán, xóa mờ tín hiệu tích cực từ thị trường lao động.

Hôm qua ngày 7/8, hãng tin Reuters cho biết, Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen và Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã có cuộc thảo luận về khả năng NATO sẽ giúp Ukraine cải thiện khả năng phòng thủ. Đồng thời, NATO cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới và ngừng hỗ trợ cho phiến quân nhằm xoa dịu căng thẳng.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên giảm 14.000 đơn xuống 289.000 đơn trong tuần bắt đầu từ ngày 27/7 và kết thúc vào ngày 2/8.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã giảm dần trong những tháng qua xuống ngang với mức trước Đại suy thoái 2007-2009. Trung bình 4 tháng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 4.000 đơn xuống 293.500 đơn, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 2/2006.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên các lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục và nhận định rằng, quá trình phục hồi của nền kinh tế khu vực rất dễ bị tổn thương trước những căng thẳng tại Ukraine. Điển hình, kinh tế Italia vừa phát tín hiệu cho thấy, nước này lại trở về thời kỳ suy thoái sau khi GDP giảm mạnh trong quý II. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phần Lan cũng nhận định, Phần Lan có nguy cơ rơi vào khủng hoảng kinh tế do những hậu quả gián tiếp từ các lệnh trừng phạt Nga.

Chủ tịch ECB cho biết, nới lỏng định lượng cũng là một trong những lựa chọn giúp kinh tế khu vực phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách tiền tệ hiện tại sẽ được giữ nguyên cho tận đến cuối năm nay do ECB cần có thời gian để đánh giá tác động từ gói chính sách vừa công bố hồi tháng 6.

Nguồn Theo DVO/ Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới