Hủy
Thế giới

Financial Times: Kinh doanh hàng không ở Việt Nam không đơn giản

Thứ Tư | 03/04/2013 10:07

Theo Financial Times, mặc dù Việt Nam sở hữu ngành công nghiệp du lịch đầy tiềm năng, song các hãng hàng không lại đang phải vật lộn để sống sót.
 

Bài viết đăng tải trên Financial Times cho biết, thời gian qua, sự yếu kém của các ngân hàng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, còn một ngành nữa cũng đang phải vật lộn để tồn tại, đó chính là ngành hàng không.

Mặc dù ở Việt Nam không thiếu những khu thăm quan du lịch cực kỳ thu hút khách nước ngoài, bản thân ngành du lịch Việt Nam cũng được đánh giá là tiềm năng không thua kém các quốc gia khác, nhưng ngành hàng không trong nước đang phải vật lộn để tồn tại và tìm kiếm lợi nhuận.

Kể từ năm 2007, có 5 hãng hàng không tư nhân ra mắt ở Việt Nam, song đến nay chỉ còn 1 hãng đang hoạt động.

Tháng 2 năm nay, Air Mekong - hãng hàng không được tài trợ bởi tập đoàn BIM Group - đã rơi vào trạng thái tê liệt do không trả nổi các khoản nợ nhiên liệu và buộc phải ngừng các dịch vụ. Trong khi đó, Air Cargo buộc phải ngừng hoạt động do chi phí leo thang. Còn Indochina Airlines cũng dừng mọi chuyến bay vì lý do tương tự.

Trước đó, các phương tiện truyền thông Việt Nam cũng cho biết hãng hàng không quy mô nhỏ Blue Sky Air cũng không thể cất cánh do kế hoạch kinh doanh không được thành công.

Theo nhận định của Financial Times, sự cạnh tranh khốc liệt với hãng hàng không Vietnam Airlines, cùng chi phí nhiên liệu tăng cao, thiếu hụt phi công địa phương và lợi nhuận thấp đã khiến không ít doanh nghiệp hàng không tư nhân phải bỏ cuộc.

Cho đến nay, chỉ có duy nhất VietJet Air còn sống sót. Mặc dù chỉ mới bắt đầu vào cuối năm 2011, song VietJet Air lại trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Việt Nam với 15% thị phần.

Financial Times cho rằng trong bối cảnh như hiện nay, rõ ràng các hãng hàng không Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt để bước ra cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Theo kế hoạch, vào cuối năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập khối Hiệp hội Cộng đồng kinh tế các nước Đông Nam Á - có thể coi là một khu vực mậu dịch thương mại tư do của riêng Đông Nam Á. Khi đó, các hãng hàng không nước bạn sẽ tìm cách tiếp cận thị trường Việt Nam và áp lực cạnh tranh sẽ còn lớn hơn nữa.

"Ngành hàng không Việt Nam có thể ở trong cuộc chơi, song rõ ràng các doanh nghiệp chưa thực sự chuẩn bị để hội nhập khu vực", tờ Financial Times viết.

Theo báo cáo, lợi nhuận của ngành hàng không Việt Nam trong năm 2012 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng ký năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận đạt được là 3,3 triệu USD, tăng 239% trong năm 2011, song chỉ đạt 20% mục tiêu ban đầu đã đề ra cho năm 2012.

Mặc dù vậy, Financial Times cho rằng các hãng hàng không Việt Nam đang sở hữu một lợi thế cực tốt, đó chính là nền tảng du lịch mạnh mẽ và đang phát triển. Năm 2012, có 6,8 triệu lượt khách du lịch tới Việt Nam, trong đó 5,5 triệu đến bằng được hàng không. Theo số liệu chính thức, tổng số khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2011 tăng tới 14%.

Do đó, vấn đề nằm ở chỗ liệu các hãng hàng không Việt Nam có tận dụng được lợi thế đó hay không để tồn tại trong nước và có thể vươn ra ngoài cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.

Nguồn FT/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới