Hủy
Thế giới

Kỷ nguyên “vàng” của Thung lũng Silicon đang khép lại?

Nguyên Hồ Chủ Nhật | 25/09/2022 14:18

Khu vực công nghệ, phần lớn tập trung ở vùng Vịnh của California trong nhiều thập kỷ, đang mở rộng ra xa hơn nữa. Ảnh: Getty Images.

Lãi suất nhảy bước, tăng trưởng bị kìm hãm và quan điểm của công chúng về các công ty Công nghệ lớn đã thay đổi đang khiến các chuyên gia trầm mặc.
 

Những đợt sa thải hàng loạt của  Snapchat, vốn hóa Meta và Apple giảm sâu, cũng như công cuộc tuyển dụng bị đóng băng tại các công ty công nghệ lớn đã tạo ra một câu hỏi ngày càng phổ biến: Kỷ nguyên vàng của Thung lũng Silicon sắp kết thúc?

Các chuyên gia cho rằng tình hình trước mắt còn quá phức tạp để có thể trả lời. Ngành công nghệ nói riêng đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, bởi đại dịch buộc hầu hết thế giới phải trực tuyến và khiến nhu cầu về các dịch vụ công nghệ bùng nổ.  Tuy nhiên, sự bùng nổ đó cùng với mức lương cao và đặc quyền làm việc tại nhà dường như đang chậm lại.

Bà Margaret O’Mara, giáo sư tại Đại học Washington cho biết: “Bữa tiệc tại Thung lũng Silicon Valley không thể kéo dài mãi.”

 

Thế giới công nghệ không thể tránh khỏi những ảnh hưởng trầm trọng đến từ cuộc suy thoái toàn cầu cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất ba lần liên tiếp kể từ đầu năm, và dự kiến ​​sẽ có nhiều lần tăng hơn nữa trong năm nay.

Môi trường lãi suất thấp trước đây đã thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ, giúp tạo ra một “cuộc diễu hành của các kỳ lân” - những công ty được định giá vượt 1 tỉ USD. Có thể kể đến nhưu Airbnb và Uber - được định giá lần lượt là 47 tỉ USD và 82 tỉ USD vào thời điểm chào bán. Nhưng khi lãi suất thay đổi, bà O'Mara nói, "sẽ có ít tiền hơn" và các nhà đầu tư sẽ sử dụng tiền mặt "theo cách thận trọng nhất có thể".
“Một số nhà đầu tư vẫn có tiền mặt, nhưng trong thời kỳ dễ phá sản như thế này, dòng vốn sẽ nguội dần,” bà nói.

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ cũng bị kìm hãm bởi một loạt các bê bối mang tính cảnh tỉnh, từ sự suy thoái của một trong những công ty dẫn đầu mảng không gian làm việc chung, WeWork, hay đến sự sụp đổ của Theranos, công ty xét nghiệm máu được hàng loạt tên tuổi lớn hậu thuẫn, với mức định giá hơn 1 tỉ USD trước khi bị “phanh phui" các cáo buộc gian lận.

Những câu chuyện như vậy, cùng với sự giám sát chặt chẽ hơn trong ngành công nghệ nói chung trong thập kỷ qua đang làm lung lay hình ảnh thịnh vượng của Thung lũng Silicon. 

Nhận thức của công chúng về công nghệ nói chung cũng đã thay đổi, với 68% người Mỹ tin rằng các công ty công nghệ có quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng trong nền kinh tế - tăng từ 51% vào năm 2018. 

“Người Mỹ thường không thích những thứ quá to tát và họ thường cảm thấy lo lắng khi cán cân quyền lực nghiêng hẳn về một bên,” bà O’Mara nói. "Họ không muốn công ty nào trở thành "đứa con cưng" rồi được định giá, chẳng hạn là, 2 nghìn tỉ USD."

Thung lũng Silicon mở rộng ra khỏi California

Giờ đây người tài không chỉ tập trung ở Thung lũng Silicon nữa.
Giờ đây người tài không chỉ tập trung ở Thung lũng Silicon nữa.

Theo các chuyên gia, quy mô địa lý của Thung lũng Silicon cũng đang thay đổi. Thung lũng Silicon vốn là một thuật ngữ chung cho khu vực phía nam San Francisco, địa điểm này, trong gần một thế kỷ qua, đã trở thành hình ảnh đại diện cho trung tâm của sự đổi mới.

Nhưng ngành công nghiệp công nghệ đã và đang mở rộng ra ngoài khu vực Vùng Vịnh của California - một xu hướng được thúc đẩy bởi đại dịch. Năm 2021, công ty sản xuất ô tô điện Tesla chuyển trụ sở đến Austin, Texas, sau những động thái tương tự từ các công ty công nghệ khác như Oracle và Hewlett-Packard.

Điều này cũng đã được phản ánh trong việc tuyển dụng, ông Brent Williams, người làm việc tại cơ quan tuyển dụng Michael Page, cho biết “Covid đã thay đổi toàn bộ cục diện. Việc các công ty có được nhân tài trở nên vô cùng cạnh tranh vì giờ đây người tài không chỉ tập trung ở Thung lũng Silicon nữa.”

Xu hướng này, cùng với độ phủ của chính sách làm việc tại nhà, sẽ gây sốc cho các công ty công nghệ đầu tư hàng tỉ USD vào khuôn viên rộng lớn của họ, hay cung cấp cho nhân viên các đặc quyền như đưa đón đến nơi làm việc và các bữa ăn đầy chỉn chu tại chỗ làm, trong thời kỳ trước đại dịch.

Bản “cáo phó”
Bất chấp danh sách rào cản ngày càng tăng, "Thung lũng Silicon vẫn vô cùng mạnh mẽ. Nó đã đi qua nhiều chu kỳ, bao gồm cả suy thoái vào năm 2001 và 2008, và đều phục hồi rất tốt", Giáo sư kinh tế Nicholas A Bloom, nói.

Ông nói thêm: “Trong khi một số công ty có thể di cư ra nước ngoài vì chính sách làm việc tại nhà và toàn cầu hóa, thì tại Thung lũng Silicon mọi công ty trong ngành vẫn chôn chân tại chỗ”.

Tuy đã có không ít lần giới đầu tư và thị trường viết trước “Bản cáo phó” cho Thung lũng Silicon thì việc nơi này lụi tàn chắc chắn sẽ không xảy ra trong thời gian gần, các chuyên gia nhận định.

Có thể bạn quan tâm: Nhiều người chuyển sang ăn chay "bán thời gian" vì thịt quá mắc

Nguồn The Guardian


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới