Mỹ và EU cân nhắc áp thuế môi trường lên sắt và nhôm nhập từ Trung Quốc
Công nhân chuẩn bị nâng một bó thanh sắt ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.
Theo Bloomberg, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiện đang cân nhắc các mức thuế mới đối với thép và nhôm của Trung Quốc, đây là một động thái nằm trong nỗ lực ứng phó với tình trạng phát thải carbon cũng như tình trạng dư thừa công suất và sản lượng của ngành nhôm thép toàn cầu.
Động thái này cũng đánh dấu cách tiếp cận mới của Mỹ và EU trong việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu của mình, bởi việc áp dụng thuế quan thường chỉ được sử dụng trong các tranh chấp thương mại. Thông tin này lập tức giúp giá cổ phiếu của các nhà sản xuất nhôm, thép Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 5/12.
Ý tưởng do chính quyền Tổng thống Biden khởi xướng vẫn đang ở giai đoạn hình thành và chưa được đề xuất chính thức, theo những nguồn tin thân cận. Sớm nhất phải tới cuối năm sau, thỏa thuận về việc này với EU, bao gồm cụ thể về ngưỡng thuế, mới có thể được thực hiện.
Khuôn khổ mới đang được xây dựng dựa trên thỏa thuận giữa Mỹ và EU vào năm ngoái, chủ yếu nhắm đến các nước phát thải lớn, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia phát thải carbon kiêm sản xuất sắt, nhôm nhiều nhất thế giới.
Kế hoạch thuế quan có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ thương mại “nguội lạnh” giữa Mỹ và Trung, đặc biệt là vào thời điểm hai nước cam kết hợp tác để chống biến đổi khí hậu. Nhưng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là một dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ đôi bên giữa lúc căng thẳng leo thang liên quan tới các vấn đề như Luật Giảm Lạm phát. Phía EU cho rằng đạo luật vừa được ký ban hành ở Mỹ vi phạm luật cạnh tranh quốc tế và phân biệt đối xử với các ngành công nghiệp của họ.
Không rõ chính quyền ông Biden sẽ sử dụng cơ sở pháp lý nào để thực hiện các mức thuế mới. Được biết vấn đề này vẫn đang được giải quyết nội bộ và trong các cuộc đàm phán với EU, cũng như với các đại diện của ngành và Quốc hội. Nhà Trắng cũng đang thảo luận với các nhà lập pháp về việc thành lập một số cơ quan chức năng mới.
Bà Kinda Tai, đại diện thương mại Mỹ, phát biểu trong Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg tại Singapore trong tháng này. Ảnh: Bloomberg. |
Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai và đội ngũ của bà đã trình bày ý tưởng này với Ủy viên Châu Âu Valdis Dombrovskis, cũng như các quan chức liên quan ở Praha vào cuối tháng 10. Vào thời điểm đó, các quan chức EU đã đưa ra một số câu hỏi liên quan đến tính hợp pháp và khả năng tương thích với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), cũng như cơ chế định giá carbon nội bộ của khối.
Nỗ lực thương mại tập trung vào khí hậu của Mỹ và EU được nêu ra lần đầu tiên vào tháng 10/2021, khi hai bên cùng giải quyết tranh chấp về thuế thép và nhôm do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt vì lý do an ninh quốc gia.
Các quan chức Mỹ vẫn đang cân nhắc mức thuế suất hoặc dải thuế suất sẽ được áp dụng cho các quốc gia khác và Mỹ đã nói với các quan chức EU rằng họ muốn thỏa thuận này có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Các quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia các cuộc đàm phán, nhưng khuôn khổ thuế quan mới sẽ không mở rộng thành viên vào thời gian đầu. Đồng nghĩa với việc thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước khác có nguy cơ bị áp thuế mới. Tuy nhiên, mục tiêu là mở thỏa thuận cho các quốc gia khác càng nhanh càng tốt, miễn là họ có thể đáp ứng các điều kiện.
Đối với chính quyền ông Biden, thỏa thuận này được cho là lấy người lao động làm trọng tâm, vì nó tập trung vào việc bảo vệ các ngành công nghiệp then chốt và người lao động trong ngành ở cả Mỹ và châu Âu.
Có thể bạn quan tâm:
"Thiên đường" bảo lưu tài sản của các tỉ phú bất động sản Trung Quốc
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Quốc Cường (Nguồn: TTX)