Nga có nguy cơ mất các dự án dầu khí hàng tỷ USD
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU sẽ cấm các doanh nghiệp của Mỹ và EU hợp tác thăm dò dầu khí ở Bắc Cực và các vùng biển nước sâu của Nga hay các vùng địa chất có đá phiến sét, Bloomberg dẫn nguồn tin từ 3 quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Nếu được thực hiện, lệnh này sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn dầu khí từ Dallas đến London, trong đó có những “gã khổng lồ” trong ngành năng lượng như Exxon Mobil, BP, Shell.
Ngoài Mỹ và EU, không doanh nghiệp ở đâu có thể công nghệ chuyên sâu về chiết xuất dầu thô từ các giếng dầu nước sâu và đá phiến sét.
Các quan chức EU sẽ tiếp tục nhóm họp hôm nay để quyết định sẽ triển khai lệnh trừng phạt bổ sung hay chờ thêm tình hình ở Ukraine và động thái của Nga.
EU hôm 8/9 thông qua lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng và quốc phòng của Nga song vẫn hoãn thi hành. Lệnh trừng phạt tuy không ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò và sản xuất ở các mỏ dầu lục địa song nhằm vào các giếng dầu tiềm năng đang trong giai đoạn thăm dò và chỉ có thể cung cấp dầu cho thị trường sau ít nhất 5-10 năm tới.
Động thái này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dầu khí trị giá 425 tỷ USD của Nga. Các dự án thăm dò được cho là phức tạp và đắt đỏ nhất ở Nga có nguy cơ bị ngừng trong đó có dự án thăm dò giếng dầu trị giá ước tính 700 triệu USD mà của Exxon và Rosneft bắt đầu thăm dò vào tháng trước ở biển Kara.
Exxon có quyền khoan thăm dò trong thềm lục địa và trên đất liền với diện tích lên tới 4,6 triệu hecta, hay gấp đôi diện tích Massachusetts. Năm 2011, Exxon ký thỏa thuận hợp tác trị giá 3,2 tỷ USD với Rosneft. Tháng trước, Exxon bắt đầu khoan dầu ở giếng Universitetskaya với trữ lượng ước tính 9 tỷ thùng dầu ở Bắc Cực.
Cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi lệnh trừng phạt sẽ có Royal Dutch Shell, tập đoàn năng lượng lớn thứ 2 thế giới theo giá trị thị trường, và tập đoàn năng lượng BP của Anh – hãng đang nắm gần 20% cổ phần trong Rosneft và cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Nga.
Ngoài BP và Shell, Nga cũng hợp tác với các hãng năng lượng lớn khác của châu Âu như Total, Statoil. Riêng Total, 10% lượng dầu cung cấp cho thị trường toàn cầu của hãng phụ thuộc nguồn khai thác từ Nga.
Nguồn Theo DVO/Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư