Hủy
Xe Thông Minh

Các tập đoàn ô tô Nhật Bản có điểm thấp nhất trong chuyển đổi xe điện

Cẩm Tú Thứ Năm | 08/06/2023 17:10

Lĩnh vực xe điện của Nhật đi lùi do thiếu chính sách hiệu quả. Ảnh: Nissan.

Dù đạt được thành công ban đầu ấn tượng với Nissan Leaf, nhưng đến nay các thương hiệu Nhật đã thực sự thất bại về doanh số bán xe điện.
 

Trong báo cáo Xếp hạng nhà sản xuất ô tô toàn cầu 2022 từ Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT) thì Toyota Motor, Honda Motor, Nissan Motor, Mazda Motor và Suzuki Motor đều thuộc nhóm thứ hạng thấp nhất bảng.

Báo cáo mới được công bố của của ICCT đánh giá 20 nhà sản xuất xe hạng nhẹ lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán hàng toàn cầu. Điểm tổng thể của 20 tập đoàn này được chia thành 10 chỉ số, thuộc ba lĩnh vực: sự thống trị thị trường, hiệu suất công nghệ và tầm nhìn chiến lược.

Các chỉ số cho thấy ngành ô tô Nhật Bản đã thất bại trong việc giành thị phần, hay nói chính xác là thất bại nặng nề về doanh số bán xe điện, mặc dù ban đầu Nhật khá thành công với Nissan Leaf.

Tata Motors của Ấn Độ cũng nằm cuối danh sách xếp hạng. Ảnh: Tata Motors
Tata Motors của Ấn Độ cũng nằm cuối danh sách xếp hạng. Ảnh: Tata Motors

Thứ hạng của các thương hiệu ô tô Nhật đứng ở khoảng cách khá xa so với 2 tập đoàn đang dẫn dắt thị trường là Tesla của Mỹ và BYD của Trung Quốc. Tesla và BYD đã dẫn đầu một phần nhờ sự phát triển của thị trường xe điện Mỹ và Trung Quốc.

Xếp thứ 15 chung cuộc, Toyota được đánh giá là "nhóm trong giai đoạn chuyển đổi", hạng trung bình về hiệu suất công nghệ. Nhưng tập đoàn vẫn xếp sau nhiều nhà sản xuất ô tô khác về thị phần bán hàng, đầu tư...

Honda và Nissan vượt qua Toyota về tầm nhìn chiến lược nhưng xếp hạng thấp hơn về hiệu suất công nghệ. Hai hãng này đứng ở vị trí thứ 16 và 17 chung cuộc. Suzuki xếp cuối cùng, với tổng điểm bằng 0, vì hãng cung cấp sản phẩm xe thể thao đa dụng dạng lai (dùng cả điện và xăng), không có mẫu xe không phát thải.

Các chuyên gia của ICCT nhận định rằng thị trường xe điện nội địa của Nhật Bản đang "thiếu máu", do chính phủ không có các chính sách hiệu quả. Đây là điều đáng tiếc vì 5 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản đã có thể được xếp hạng cao hơn, nếu họ công bố các mục tiêu và kế hoạch đầu tư mạnh mẽ hơn.

Nằm trong nhóm gần chót bảng còn có Tata Motors của Ấn Độ, mặc dù hãng này nhận được điểm hiệu suất công nghệ tương đối cao. Xếp hạng đầu và thứ hai chung cuộc là Tesla và đối thủ Trung Quốc BYD. Tesla đạt điểm cao về khả năng chiếm lĩnh thị trường, hiệu suất công nghệ và tầm nhìn chiến lược, nhưng lại mất điểm trong phân khúc sản phẩm.

BMW của Đức xếp thứ ba chung cuộc. Tập đoàn ghi điểm với hiệu suất công nghệ cao, sử dụng 100% điện tái tạo tại tất cả các địa điểm sản xuất và yêu cầu các nhà cung cấp pin cũng làm như vậy.

Volkswagen chiếm vị trí thứ tư, chủ yếu nhờ mẫu xe ID.5 nổi tiếng với phạm vi di chuyển 503 km. Cả hai công ty của Đức đều thuộc nhóm “trong giai đoạn chuyển đổi".

ICCT là Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ. Tổ chức này có nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong vụ bê bối năm 2015 của Volkswagen liên quan đến giả mạo các bài kiểm tra khí thải động cơ diesel.

Có thể bạn quan tâm:

Quốc gia nào là "vua" sản xuất ô tô điện khu vực Đông Nam Á?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới