© Copyright 2009-2016 Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư
All rights reserved
Đ áng chú ý, không chỉ thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực này còn trở thành tâm điểm của xu hướng xanh hóa sản xuất, đi đầu về phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghiệp.
Trong bối cảnh đầu tư thế giới đều suy giảm, Việt Nam lại ngược dòng trong thu hút vốn đầu tư FDI khi tính đến cuối tháng 7/2024, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt hơn 10,7 tỉ USD. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam tăng 12% về số dự án và tăng 36% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024. Tổng cục Thống kê nhận định những con số trên cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong số các địa phương thu hút FDI hàng đầu Việt Nam, các tỉnh thành phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội… luôn dẫn đầu khi dòng vốn rót vào lớn bậc nhất cả nước bởi các chính sách ưu đãi hấp dẫn và cơ sở hạ tầng hiện đại. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư FDI chảy vào khu vực phía Bắc.
Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc của Cushman & Wakefield cho thấy 4 dự án khu công nghiệp mới được triển khai (Khu công nghiệp Gia Lộc, Sơn Lôi, Sông Lô II và Khu công nghiệp phi thuế quan Xuân Cầu) tại Vùng Kinh tế trọng điểm miền Bắc sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 ha diện tích cho thuê. Đồng thời, 4 dự án nhà xưởng xây sẵn mới được triển khai cũng sẽ tăng nguồn cung thêm gần 200.000 m². Cushman & Wakefield cho hay sau loạt sự kiện công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và các hoạt động xúc tiến đầu tư, các tỉnh phía Bắc tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư lớn, thể hiện qua tổng diện tích hấp thụ thuần trong quý II/2024 là 184 ha.
Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc Cấp cao JLL Việt Nam, nhận định thị trường đất công nghiệp miền Bắc khá sôi động, trong vòng 12 tháng qua thị trường đã chào đón gần 1.600 ha nguồn cung mới, cùng với đó là hấp thụ thị trường tốt và sức tăng giá ổn định. Trong khi đó, các chỉ số này tại khu vực miền Nam không cao do chưa có thêm quỹ đất để cho thuê. Theo bà Trang, thị trường nhà xưởng xây sẵn dần phục hồi sau thời gian khó khăn và ổn định nhờ vào các tín hiệu tích cực từ lĩnh vực sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và đón đầu dòng vốn FDI thế hệ mới, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng và triển khai nhiều hệ thống nhà xưởng, kho bãi hiện đại với quy mô lớn. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư đang xây dựng các khu công nghiệp, kho xưởng không chỉ đạt chất lượng cao mà còn tiên phong áp dụng các tiêu chí công trình xanh quốc tế để hướng đến phát triển bền vững.
Mới đây, Tập đoàn KCN Việt Nam đã khởi động xây dựng giai đoạn 2 dự án nhà kho, kho xưởng hỗn hợp xây sẵn tại Khu công nghiệp DEEP C - Hải Phòng, dự kiến đưa vào sử dụng ngay trong quý I/2025. Phân khu này sẽ bổ sung hơn 80.000 m² kho xưởng hỗn hợp và nhà kho chất lượng cao, nâng tổng diện tích sàn cho thuê của cả dự án lên hơn 150.000 m². Với tổng diện tích 23,2 ha cùng vị trí chiến lược tại thành phố biển Hải Phòng, dự án KCN DEEP C được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu thuê và sử dụng kho bãi của các doanh nghiệp, đồng thời góp phần giúp Hải Phòng tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI đa ngành, đa lĩnh vực với logistics là mũi nhọn. Đáng chú ý, đây là dự án tiên phong của Tập đoàn KCN Việt Nam trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về công trình xanh và hướng tới đạt chứng chỉ LEED Bạc (Silver).
Ông Hardy Diec, Giám đốc Điều hành Tập đoàn KCN Việt Nam, cho biết dự án tại Khu công nghiệp DEEP C là hoạt động trọng điểm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp này. “Chúng tôi tin rằng với việc phát triển dựa trên những quy chuẩn chặt chẽ về phát triển bền vững, dự án này đang mang lại những giá trị thiết thực cho địa phương, giúp Hải Phòng tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt từ các doanh nghiệp logistics. Đồng thời, chúng tôi cũng đang đồng hành cùng các doanh nghiệp khách hàng trên hành trình phát triển bền vững”, ông Hardy Diec nói.
Tập đoàn KCN Việt Nam cho hay doanh nghiệp này đã thiết lập các tiêu chuẩn xây dựng bền vững, nỗ lực đạt chứng nhận công trình xanh cho các dự án tương lai. Thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh cho các dự án của mình, KCN Việt Nam hướng đến tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và giảm phát thải cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh của bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, nhận định các doanh nghiệp FDI đang chú trọng nhiều hơn đến các khu công nghiệp xanh nên việc phát triển khu công nghiệp xanh không chỉ là yêu cầu để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh. Do đó, nếu không nhanh chóng chuyển đổi xanh hóa, các khu công nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Bà Lê Thị Huyền Trang cũng cho hay thị trường công nghiệp đang dẫn đầu trong việc đạt được các chứng nhận công trình xanh từ phát triển đến vận hành tại Việt Nam. “Cam kết và những ràng buộc mà các công ty đa quốc gia phải thực hiện về sự bền vững là động lực to lớn thúc đẩy các chủ đầu tư khu công nghiệp phát triển những dự án bền vững để đáp ứng nhóm khách hàng cao cấp”, bà Trang chia sẻ.
Theo các chuyên gia, xu hướng xanh hóa sản xuất đang tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc. Xu hướng này không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển xanh mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.