Hủy
Bất động sản

Cơn sốt đất nền mới tại Bà Rịa Vũng Tàu: Giá đất được thổi lên gấp 4 lần

Duyên Hà Thứ Năm | 13/02/2020 09:08

Ảnh: Baobariavungtau.com.vn

Theo người dân địa phương, nếu một mét ngang mặt tiền Quốc lộ 56 trước đây 200 triệu đồng thì giờ dao động 450 – 480 triệu đồng.
 

Giá đất được thổi lên gấp 3 - 4 lần

Những ngày gần đây, hàng trăm phương tiện từ các vùng lân cận như TP.HCM, Đồng Nai đổ về khu vực quốc lộ 56, đoạn qua xã Bình Ba, huyện Châu Đức để hỏi các thông tin về đất đai, khiến thị trường bất động sản khu vực này trở nên sôi động. Giá đất cũng vì thế mà tăng gấp ba, bốn lần so với một tuần trước đó.

Theo người dân địa phương, giá mỗi lô đất thay đổi theo từng ngày. Cụ thể lúc đất chưa "nóng", giá mỗi mét ngang đất cách Quốc lộ 56 khoảng 100m có giá chừng 40 triệu đồng, nay đã được "thổi" lên thành 160 - 170 triệu đồng. Còn đất ở sát mặt tiền Quốc lộ 56, mỗi mét ngang trước đây chỉ khoảng 200-300 triệu đồng, thì nay được rao bán tới 450 - 480 triệu đồng. 

Theo ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Châu Đức, tình Bà Rịa Vũng Tàu, sở dĩ có tình trạng này là do, thông tin UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới đây đã có văn bản chấp thuận trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng đồng ý để Tập đoàn Vingroup khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư hai dự án quy mô 800 ha tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức và 2,2 ha tại thị trấn Ngãi Giao.

Trên thực tế, thời gian qua trước các thông tin về dự án, quy hoạch hàng loạt cơn sốt đất đã diễn ra. Cụ thể, sốt đất cục bộ bắt đầu từ Đà Nẵng vào tháng 1/2019, đến Vân Đồn vào tháng 2/2019 sau khi khánh thành nhiều công trình lớn, và tiếp sau là Bình Thuận với thông tin dự kiến thành lập sân bay tại Phan Thiết hay tại Phú Quốc xin chủ trương thành lập thành phố.

Nhiều nhà đầu tư đổ về tạo nên cơn sốt đất mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Plo.vn
Nhiều nhà đầu tư đổ về tạo nên cơn sốt đất mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Plo.vn

Tháng 8/2019, cơn sốt đất xảy ra tại tỉnh Đồng Nai, đặc biệt ở địa bàn Long Thành sau khi có thông tin chốt thời hạn khởi công sân bay Long Thành và Nhơn Trạch chốt phương án xây dựng cầu Cát Lái.  Các tháng cuối năm, Bình Dương có thông tin 2 thị xã lên thành phố…

Sau cơn sốt, các vùng này đã thiết lập mặt bằng giá nhà đất mới, cùng với việc tăng giá đột biến ở ba khu vực dự kiến trở thành đặc khu, nhiều ý kiến còn cho rằng thị trường đang rơi vào cảnh “bong bóng”.

Theo ông Quốc Anh Phó Giám đốc Batdongsan.com.vn, lượt truy cập tại các địa phương có sốt đất trên Batdongsan.com.vn luôn tăng cao đột biến. Đơn cử, tại Phú Quốc, sau một thời gian dài chững lại do hoãn thông qua luật Đặc khu, khi có thông tin về chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc, lượt truy cập từ mức 10.000 lượt tìm kiếm tháng 1/2019, tăng vọt lên mức 30.000 lượt tháng 4/2019.

Tại Đông Anh, Hà Nội, khi có thông tin chuyển từ huyện lên quận khiến đất Đông Anh từ 90.000 lượt tìm kiếm trong tháng 1/2019, tăng mạnh lên mức khoảng 150.000 lượt tìm kiếm tháng 4/2019…

Có tình trạng “đầu cơ thổi giá”

Theo ông Dương Thanh Vân, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Đức, mặc dù lượng người đổ xô về mua đất và giao dịch với mức giá tăng nhanh, tuy nhiên, theo văn phòng đăng kí đất đai huyện Châu Đức và tại các văn phòng công chứng trên địa bàn huyện, lượng hồ sơ giao dịch vẫn bình thường, thậm chí còn giảm so với thời điểm thị trường nóng sốt vào hồi năm 2018. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ đất đai giải quyết chỉ có 504 hồ sơ, giảm so với cùng kỳ năm trước 21 hồ sơ. “Vì vậy, có nhiều khả năng giá đất tại xã Bình Ba liên tục tăng không loại trừ một số đối tượng đầu cơ, tự tăng “giá ảo” lên để tìm lợi nhuận”, ông Vân nhận định.

Ông Dương Thanh Vân cho biết, khả năng giá đất tại xã Bình Ba liên tục tăng không loại trừ một số đối tượng đầu cơ, tự tăng “giá ảo”  để tìm lợi nhuận. Ảnh: nguoiduatin.vn
Ông Dương Thanh Vân cho biết, khả năng giá đất tại xã Bình Ba liên tục tăng không loại trừ một số đối tượng đầu cơ, tự tăng “giá ảo” để tìm lợi nhuận. Ảnh: nguoiduatin.vn

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giao dịch, sang tay sôi động này đặt ra nhiều nghi vấn về kịch bản giới đầu cơ đang đẩy giá để ra hàng. Có thể những nhà đầu tư lớn đã gom hàng từ trước đó và đợi thời điểm giá sốt để bán ra. Điều này khiến những nhà đầu tư đến sau sẽ gặp nhiều rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của khu đất, về quy hoạch sử dụng đất để giao dịch, tránh thiệt hại tài sản.

Đồng quan điểm, ông Luận cũng cho biết, hiện dự án mới dừng ở việc chấp thuận khảo sát. Do đó, UBND huyện Châu Đức cảnh báo người dân cần cẩn thận việc cò đất lợi dụng thông tin dự án để thổi giá đất.

"Pháp lý dự án chưa được Chính phủ chấp thuận đầu tư. Chúng tôi muốn khẳng định nhà đầu tư bình tĩnh xem xét các nội dung dự án. Dự án còn rất dài các thủ tục. Những văn bản không chính thống, xuất hiện trên mạng thì bà con lưu ý trong quá trình xem xét đầu tư, chuyển nhượng đất đai hoặc có sự lường trước rủi ro cho chính mình", ông Luận khuyến cáo.

►Khó lướt sóng “ăn chênh”, căn hộ chung cư hết hấp dẫn với giới đầu tư?

Quy hoạch huyện lên quận: Cơn sốt đất vẫn chưa hạ nhiệt

Cơn sốt đất nền mới tại 4 huyện TP.HCM chuẩn bị lên quận: Nhà đầu tư có nên đi tắt đón đầu?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới