Hủy
Bất động sản

Vingroup, Xuân Thành đề xuất tham gia xây metro tại Hà Nội

Thứ Bảy | 18/02/2017 10:38

Hà Nội đang nỗ lực huy động nguồn vốn xã hội hoá mạnh mẽ để thực hiện các dự án quan trọng này.
 

Thành phố Hà Nội hiện đang tập trung xây dựng hoàn thành tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội và tiếp tục triển khai các tuyến gồm Dự án tuyến đường sắt đô thị (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình; tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến 3) đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai; tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long-Nội Bài, báo Chính phủ cho biết.

Khẳng định đầu tư kết cấu hạ tầng là một trong ba khâu đột phá, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết Hà Nội đã và đang nỗ lực lựa chọn các các dự án trọng điểm để đầu tư cũng như huy động nguồn vốn xã hội hoá mạnh mẽ để thực hiện các dự án quan trọng này.

“Tuy nhiên, nếu không có cơ chế đặc thù thì các dự án này khó thực hiện bởi vốn đầu tư rất lớn... Thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước tham gia xây dựng tuyến metro, cụ thể là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành...”, Báo Chính phủ dẫn lời ông Chung cho biết.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng chia sẻ, vấn đề mấu chốt hiện nay là cơ chế, “nếu Chính phủ cho phép cơ chế đặc thù, Hà Nội sẽ bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, nếu thi công nhanh và quản lý tốt thì sẽ không có tình trạng tăng vốn, hiệu quả dự án sẽ cao hơn”.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh rằng “Hà Nội chủ động tìm nguồn vốn để thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại là cách làm chủ động, đáng biểu dương. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nội tham gia thì phải bảo đảm được an toàn khi thi công theo đúng tiêu chí nhanh, rẻ và an toàn”.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, kế hoạch đầu tư giai đoạn 2017-2020 của Thành phố là khoảng 126.386 tỷ đồng (bao gồm các nguồn vốn ngân sách, ODA, PPP). Trong đó, chi tiết xây dựng các đường vành đai gồm: Đường Vành đai 1 có chiều dài 6,57 km đến năm 2015 đã hoàn thiện đoạn Nguyễn Khoái-Hoàng Cầu (4,3 km) và tiếp tục đầu tư đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục (2,27 km) khép kín Vành đai 1. Vành đai 2 đang xây dựng đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở (ghép với đoạn dưới thấp Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng) khép kín Vành đai 2 từ Vĩnh Tuy-Bưởi.

Vành đai 2,5 (từ đô thị Ciputra đến Vành đai 3) chiều dài 20,212 km, Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư 8 đoạn chưa triển khai với kinh phí khoảng 8.300 tỷ đồng.

Vành đai 3 (Nam sông Hồng) dài khoảng 25 km đến nay đã hoàn thành cơ bản. Đoạn từ Mai Dịch-Cầu Thăng Long dự kiến hoàn thành trong năm 2018 và tiếp tục xây dựng đoạn Vành đai 3 đi bằng cầu qua hồ Linh Đàm để khép kín.

Vành đai 3,5 (Nam sông Hồng) chiều dài khoảng 44 km đến nay đã cơ bản hoàn thiện. Năm 2017 tiếp tục thực hiện đoạn nối từ Đại lộ Thăng Long-Quốc lộ 32 và đoạn từ Phúc La-Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ; đoạn từ Quốc lộ 32-cầu Thượng Cát-Đường 5 kéo dài đầu tư theo hình thức PPP.

“Như vậy, đến năm 2020 sẽ đầu từ đồng bộ đoạn đường từ Đường 5 kéo dài đến Quốc lộ 6”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.

Vành đai 4 triển khai đầu tư đoạn từ Phúc La-Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và từ cao tốc Hà Nội-Lào Cai (Km3+650) đến Quốc lộ 32 (Km19+500).

Trường Văn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới