Hủy
Chứng khoán

Đòn bẩy cổ phiếu quỹ

Bá Ước Thứ Ba | 23/10/2018 14:00

Cuối năm, nhiều công ty mạnh tay mua vào cổ phiếu quỹ vì nhiều mục đích khác nhau.
 

Sau bão, thuyền trưởng Masan giương cờ “dấn bước”

SK Group tính lớn trong thương vụ Masan


Vừa qua, Masan (MSN) đã bán ra hơn 109 triệu cổ phiếu quỹ cho Tập đoàn SK của Hàn Quốc với trị giá gần 11.000 tỉ đồng. Thương vụ này tạo ra một khoản thặng dư lớn cho vốn của Masan, vì giá trị gốc của khoản cổ phiếu quỹ này là 6.500 tỉ đồng. Đó là một trong những thương vụ thể hiện những ưu điểm của việc mua cổ phiếu quỹ.

Theo nguyên tắc đầu tư, việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, và qua đó làm tăng lợi nhuận trên vốn cổ phần (EPS) và làm lợi cho cổ đông hiện hữu. Một số doanh nghiệp trên sàn hiện nay có nguồn tiền mặt tương đối dồi dào, vì vậy thường hay sử dụng cách mua bán cổ phiếu quỹ như một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cho công ty. Đây là một hình thức đầu tư cho chính mình.

Don bay co phieu quy
 


Có nhiều động lực để doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ. Thứ nhất, doanh nghiệp hiểu rõ nhất về tình hình hoạt động của mình. Vì vậy, khi giá cổ phiếu trên sàn không phản ánh đúng tình hình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ mua vào cổ phiếu quỹ với niềm tin khi thị trường tăng trưởng trở lại thì giá cổ phiếu sẽ về đúng giá trị thật.

Do đó, việc mua cổ phiếu quỹ gần như là một cách đầu tư mang tính an toàn cao trong trường hợp này. Thứ hai, doanh nghiệp có giá cổ phiếu đang giao dịch ở vùng giá thấp nhưng biết trong tương lai giá sẽ tăng mạnh nhờ tin tức khả quan mà chỉ có chủ doanh nghiệp nắm được. Việc mua trước cổ phiếu quỹ cũng là một cách đầu tư hiệu quả.

Don bay co phieu quy
 


Trên thế giới, huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng nói rằng: “Khi doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của mình với mức dưới giá trị tiềm năng của nó, thì đó là lúc tiền của doanh nghiệp được sử dụng đúng đắn nhất”. Với ông, việc này nếu được thực hiện với một mức giá đúng và thời điểm chín muồi sẽ là cách hiệu quả để các CEO tái đầu tư vào doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, Công ty Chứng Khoán Quốc tế Việt Nam, nhận định: “Hầu hết các trường hợp mua lại cổ phiếu quỹ là do mua lại cổ phần sở hữu nhân viên ESOP. Dĩ nhiên khi thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ với số lượng lớn, thì khi đó chứng tỏ giá cổ phiếu đang dưới giá trị thật khá xa”. 

Một trường hợp đặc biệt khác là mua cổ phiếu quỹ để ngăn chặn nguy cơ bị thâu tóm. Đơn cử như trường hợp của cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank thời ông Đặng Văn Thành còn nắm quyền lãnh đạo. Khi đó, STB đã đăng ký mua vào khoảng 81 triệu cổ phiếu. Giới đầu tư cho rằng, đó có thể là động thái của Ban lãnh đạo STB khi đó để giảm bớt lượng cung cổ phiếu trên thị trường, ngăn chặn việc cổ phiếu rơi vào tay bên thâu tóm.

Trường hợp khác doanh nghiệp đang muốn bán cổ phiếu hay thoái vốn nhưng giá cổ phiếu ngày càng đi xuống mang lại hình ảnh không đẹp mắt, vì vậy doanh nghiệp muốn đưa thông tin mua cổ phiếu quỹ cũng là một cách để “đỡ giá” cổ phiếu. Cách thứ ba thì rủi ro cao hơn và khi hoạt động kinh doanh không khả quan, tiền mặt đang thiếu hụt lại đi mua cổ phiếu quỹ đôi khi có tác dụng ngược. Giá cổ phiếu không lên như kỳ vọng mà còn tiếp tục đà rơi thì doanh nghiệp càng lâm vào cảnh khó khăn hơn.

Don bay co phieu quy
 


Với một đợt mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp phải cân nhắc, một là đầu tư cổ phiếu và tin rằng nó sẽ lên giá, hai là dùng tiền đó để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông Khanh ví dụ, trên sàn chứng khoán, có những doanh nghiệp rất nhiều tiền mặt, nhưng lại không chọn cách mua lại cổ phiếu quỹ, vì giá cổ phiếu chưa phải hấp dẫn để mua lại, ví dụ như Vinamilk.

Một ví dụ khác, gần đây, Công ty Cổ phần Vicostone (VCS) cũng đã đăng ký mua lại tối đa 2% cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 3,2 triệu cổ phiếu. Nếu điều này được hiện thực hóa sẽ tiêu tốn của VCS một khoản tiền mặt gần 260 tỉ đồng. Nhưng có lẽ điều đó cũng không phải là vấn đề quá lớn với VCS khi doanh nghiệp này có tài khoản tiền và tương đương tiền lên đến 570 tỉ đồng vào thời điểm kết thúc quý II. 

Sau thời gian tăng giá mãnh liệt từ năm 2016, từ mức dưới 20.000 đồng lên mức 140.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 1.2018, cổ phiếu VCS đã giảm hơn 42% xuống mức quanh 80.000 đồng như hiện tại. Cần nhớ rằng, vào năm 2014, khi giá cổ phiếu của VCS còn đang ở mức đáy, Ban lãnh đạo của Công ty cũng đăng ký mua vào 10,5 triệu cổ phiếu quỹ và sau đó đã dùng lượng cổ phiếu trên để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu vào giữa năm 2016. Sau thời gian đó, giá cổ phiếu VCS vẫn tiếp tục đi lên, phá hết đỉnh này đến đỉnh khác, cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội, từ mức 212 tỉ đồng lên thành 1.121 tỉ đồng lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ. Hay từ ngày 28.6 đến nay ông Đặng Thành Tâm cũng bắt đầu mua vào 10 triệu cổ phiếu ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo giúp cổ phiếu này hãm bớt đà rơi và từ mức thấp 2.310 đồng nhích lên 2.610 đồng...

Nhưng trên thị trường không thiếu những trường hợp doanh nghiệp dù tiền mặt không dư dả, thậm chí đang gánh nợ lớn, tình hình kinh doanh cũng không khả quan, vẫn cố mua cổ phiếu quỹ. Dù vậy, giá cổ phiếu của công ty vẫn đi xuống và tình hình tài chính lại còn căng thẳng hơn. Kết quả là doanh nghiệp vẫn phải “ôm cục nợ”, thậm chí như Công ty Cổ phần Thủy sản Mê Kông (AAM) phải hủy cổ phiếu quỹ vì bán ra cũng lỗ so với giá mua vào.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới