Hủy
Công Nghệ

Năng lượng xanh “hút” tư nhân

Đàm Hoa Thứ Tư | 19/12/2018 07:30

Ảnh: nationalgeographic.org

Các nhà đầu tư tư nhân đang ồ ạt đổ vốn vào các dự án năng lượng xanh và các công cụ tài chính liên quan.
 

Lấp đầy khoảng trống 2.300 tỉ USD

Ngành năng lượng cần đến hơn 2.300 tỉ USD vốn đầu tư hằng năm để đạt các điều kiện “phát triển bền vững” mới có thể chống đỡ thảm họa biến đổi khí hậu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Số vốn cam kết hằng năm này phải được nâng lên mức trung bình hơn 3.200 tỉ USD trong giai đoạn 2025-2040, phần lớn trong số đó sẽ rót vào các nguồn năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng, để có thể vươn tới kịch bản tốt nhất như trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng gần đây của IEA.

Fatih Birol, Giám đốc Điều hành IEA, nhận xét: “70% khoản đầu tư năng lượng thế giới sẽ trông chờ vào chính phủ. Thông điệp rất rõ ràng: số phận của ngành năng lượng thế giới nằm ở quyết định của chính phủ các nước”. Tuy nhiên, hầu hết các khoản đầu tư này sẽ là tiền tư nhân, vốn bị hấp dẫn bởi các khoản đảm bảo doanh thu toàn phần hoặc một phần từ chính phủ. Hơn 25% tổng mức đầu tư năng lượng trong các thập niên tới được dự báo sẽ vẫn đến từ khối doanh nghiệp tư nhân.

Năm ngoái, tổng mức chi tiêu năng lượng toàn cầu (cả tư nhân lẫn nhà nước) là 1.800 tỉ USD, nhưng con số này vẫn chưa đạt tới mục tiêu chi tiêu hằng năm mà IEA đặt ra để có thể đảm bảo nguồn cung năng lượng và hoàn thành các tham vọng về biến đổi khí hậu.

Nhiều nhà đầu tư tư nhân đã nhanh chóng nhận ra cơ hội vàng này bằng cách lấp vào khoảng trống nói trên thông qua đầu tư trực tiếp vào các dự án năng lượng xanh và các công cụ tài chính có liên quan. “Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến biến đổi khí hậu, không phải vì họ tha thiết muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn mà vì họ xem biến đổi khí hậu là một rủi ro”, Maximillian Horster, đứng đầu ISS-Climate, một tổ chức tư vấn cho các nhà đầu tư hiểu được tác động của biến đổi khí hậu đối với các khoản đầu tư của họ, nhận định.

Nang luong xanh “hut” tu nhan
 

Chỉ riêng tại Anh, hơn 120 dự án năng lượng xanh được tài trợ thông qua hình thức gọi vốn cộng đồng, theo một báo cáo được công bố năm 2017 bởi TheCityUK và Trung tâm Đầu tư và Tài chính Khí hậu thuộc Trường kinh doanh Imperial College. Trong nhóm các nhà đầu tư tổ chức, phát hành trái phiếu xanh toàn cầu đã tăng từ mức 3 tỉ USD năm 2011 lên 95 tỉ USD năm 2016.

Trái phiếu xanh, với mục đích cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo và các dự án thân thiện môi trường khác, đặc biệt đang được các nhà đầu tư tổ chức lớn ưa chuộng. Calstrs, một quỹ lương hưu lớn của Mỹ, đã phân bổ 300 triệu USD vào trái phiếu xanh. Theo Vikram Widge, đứng đầu toàn cầu về tài chính khí hậu và chính sách thuộc IFC (thành viên World Bank), các nhà đầu tư như Calstrs thích đầu tư vào trái phiếu xanh vì chúng tương tự như đầu tư vào các tài sản thu nhập cố định. “Các nhà đầu tư thích nó. Đơn giản là vậy”, ông nói.

Theo Widge, bản thân IFC đã rót hàng tỉ USD vào trái phiếu xanh, nhưng ông cũng lưu ý rằng trái phiếu xanh đến nay chưa thể cất cánh tại các thị trường mới nổi. “Tôi nghĩ đó là thách thức lớn nhất mà thị trường trái phiếu xanh hiện đang đối mặt. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy khách hàng, đặc biệt là các tổ chức tài chính ở các thị trường mới nổi, phát triển loại tài sản này”, Widge nói.

Nang luong xanh “hut” tu nhan
 

Nhằm khuyến khích phát hành trái phiếu xanh, các nhà đầu tư trong đó có World Bank và công ty quản lý tài sản Amundi đã tung ra sáng kiến Global Green Bond Partnership vào năm nay. Những “biến thể” của trái phiếu xanh cũng ra đời. Đầu năm 2018, Partners Group, nhà đầu tư tư nhân Thụy Sĩ, đã tung ra quỹ tác động xã hội 1 tỉ USD đầu tiên của mình, để đầu tư vào năng lượng sạch.

Tham vọng kép

Quỹ sẽ nắm giữ cổ phần trong các công ty từ 4-7 năm và nhắm đến đạt tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) lên tới 12%. Con số này cũng cho thấy tham vọng kép của các cỗ máy đầu tư này: vừa giúp đạt được mục tiêu về môi trường trong khi vẫn kiếm khoản lời kha khá. TPG (Mỹ) cũng đang huy động 3 tỉ USD cho quỹ Rise Fund thứ hai, một phần đầu tư vào các dự án tạo tác động tích cực về môi trường.

Nang luong xanh “hut” tu nhan
 

David Rubenstein, đồng sáng lập Carlyle, cho biết: “Ngày càng nhiều tiền đang rót vào các dự án đối phó với tình trạng trái đất nóng lên”. Runa Alam, nhà đầu tư kỳ cựu tại châu Phi và CEO của tập đoàn đầu tư tư nhân Development Partners International, cho rằng: “Rót vốn vào một dự án năng mặt trời có tác động rất lớn. Bất cứ đồng tiền nào chảy vào vì sự phát triển của châu Phi và biến đổi khí hậu đều tác động lên cả thế giới bởi chúng ta đều thở cùng một bầu không khí... Bất cứ nhà đầu tư nào tôi nói chuyện đều quan tâm đến biến đổi khí hậu”.

Tuy nhiên, những ai đang tìm kiếm vốn cho các dự án năng lượng xanh cần phải lưu ý vì cơ chế của họ không phải lúc nào cũng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là những người đang tìm cơ hội mở rộng quy mô, theo Johanna Köb, đứng đầu bộ phận đầu tư có trách nhiệm tại Zurich Insurance Group. “Chúng tôi cần nhìn vào quy mô để sử dụng vốn có hiệu quả. Chúng tôi không thể xem xét các khoản đầu tư nhỏ… Chúng tôi không được phép đầu tư mạo hiểm vì chúng quá rủi ro, quá nhỏ và ở giai đoạn quá sơ khai”, bà giải thích.  

Chính phủ và các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc vượt qua những rào cản để giải phóng dòng vốn tư nhân nhằm đạt đến quy mô vốn cần để chống biến đổi khí hậu, theo Birol của IEA. “Đưa ra các chính sách đúng và các sáng kiến đúng sẽ rất quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu chung của chúng ta về đảm bảo nguồn cung năng lượng, giảm khí thải carbon và nâng cao chất lượng không khí tại các trung tâm đô thị”, ông nói

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới