Hủy
Công Nghệ

Nhật Bản chi 20 tỷ USD thâu tóm nhà mạng lớn của Mỹ

Thứ Hai | 15/10/2012 12:11

Nhà mạng Nhật Bản Softbank chính thức mua lại 70% lượng cổ phiếu của tập đoàn Sprint Nextel - nhà mạng lớn thứ 3 tại Mỹ với giá hơn 20 tỷ USD.
 

Đây là thương vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất của một doanh nghiệp Nhật Bản từ trước đến nay.

Giao dịch với Softbank, Sprint sẽ phá vỡ tình thế ngành công nghiệp không dây đang bị Verizon và AT&T lũng đoạn gây lo ngại cho chính phủ. Theo thống kê của hãng tài chính Goldman Sachs, Verizon và AT&T kiểm soát 75% thị phần thuê bao hợp đồng Mỹ, giúp họ là người đầu tiên được phân phối những smartphone mới nhất cho khách hàng. Sprint chiếm 15% thị phần và T-Mobile USA chiếm 10%.

Sprint nếu được hỗ trợ tài chính có thể đẩy nhanh tốc độ nâng cấp mạng lưới trị giá 7 tỷ USD nhằm bắt kịp với hai đối thủ lớn hơn trong phủ sóng 4G. Sprint cần nâng cấp công nghệ để lôi kéo thêm khách hàng xem video trên di động và tăng tốc độ tải dữ liệu, tấm vé thông hành trong bối cảnh thị trường gọi thoại không dây đang trở nên bão hòa.

Ngoài ra, Softbank còn có thể giúp Sprint mua đứt quyền kiểm soát Clearwire - một nhà cung cấp dịch vụ không dây của Mỹ. Sprint hiện sở hữu 48% cổ phần Clearwire, công ty có chung tần số sóng vô tuyến như Softbank và cùng biến thể công nghệ mạng TDD LTE.

Thương vụ rủi ro nhất của Sobank

Sofbank - hãng "chiếu dưới" một thời của viễn thông Nhật Bản - lại chứng kiến vận may tới liên tiếp sau khi bắt đầu bán iPhone vào năm 2008. Ban đầu, đây là công ty Nhật duy nhất cung cấp smartphone của Apple. Đối thủ KDDI theo chân Sofbank bán iPhone một năm sau đó.

Theo nguồn tin của hãng tin Reuters, Softbank đang đàm phán với ba ngân hàng lớn của Nhật Bản để vay 23 tỷ USD cho thương vụ mua lại Sprint. Tuy nhiên, bản thân Sprint đang có nợ ròng 15 tỷ USD, còn Softbank cũng nợ ròng 10 tỷ USD. Nếu tính thêm 2 tỷ nợ ròng của eAcess - công ty Softbank vừa mua lại gần đây, "tỉ suất mắc nợ hậu giao dịch sẽ lên tới mức không thể chấp nhận được", đại diện hãng tài chính Societe Generale nhận định.

Masayoshi Son - người giàu thứ hai Nhật Bản theo xếp hạng của tạp chí Forbes - đã gây dựng Softbank từ một công ty đóng gói phần mềm nhỏ đầu những năm 1980 thành một tập đoàn viễn thông phát triển nhanh nhất quốc gia có giá trị hơn 40 tỷ USD thông qua một loạt vụ sáp nhập nguy hiểm. Mua lại 70% Sprint có thể trở thành thương vụ rủi ro nhất của ông. Các chuyên gia cho rằng Son đã nghĩ về lợi thế của đồng yên mạnh và sự xáo trộn trong thị trường viễn thông Mỹ để ra quyết định.

Nếu mua cả Sprint và MetroPCS, Softbank sẽ phải bỏ ra khoảng 25,6 tỷ USD. Đây cũng sẽ là thương vụ thâu tóm xuyên biến giới lớn nhất mà một công ty Nhật Bản từng thực hiện và biến Softbank một bước lên tốp các nhà mạng không dây hàng đầu thế giới. Giao dịch này cũng sẽ đẩy mức chi phí M&A (mua lại và sát nhập) của Nhật lên mức kỉ lục 80 tỉ USD/năm, đánh bại 69 tỷ USD của năm 2011.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư là Softbank xoay xở thế nào để có tiền cho giao dịch lớn thế này. Một số nhà phân tích cũng nghi ngờ về mức độ logic trong kinh doanh khi kết hợp nhà mạng không dây lớn thứ 2 Nhật Bản với nhà mạng lớn thứ 3 nước Mỹ.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor đánh giá Softbank ở mức BBB (có thể tạm hài lòng ở thời điểm hiện tại) cho rằng thương vụ "có khả năng hủy hoại thành tích của Softbank".

Yasuo Sakuma - Giám đốc danh mục đầu tư của hãng tài chính Bayview Asset Management nhận định: "Đồng yên mạnh có thể là một trong những lí do khiến Softbank mua lại tài sản nước ngoài, song tôi không nghĩ nó sẽ tốt cho Softbank. Còn với Sprint, đây dường như là giao dịch phải thực hiện. Thị trường viễn thông Mỹ đã đến thời điểm rất khó để Sprint thay đổi tình thế".

Nguồn ICTNews


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới