Hủy
Doanh Nhân

CEO 33 tuổi của startup giao hàng tạp hóa thành tỉ phú sau 20 ý tưởng khởi nghiệp không thành công

Minh Anh Thứ Hai | 22/06/2020 08:15

Nhà sáng lập và CEO Apoorva Mehta vừa gia nhập câu lạc bộ tỉ phú. Ảnh: Instacart

Nhà sáng lập 33 tuổi kiêm CEO của Instacart là gương mặt mới toanh vừa lọt vào danh sách tỉ phú thế giới của Forbes.
 

Ông Apoorva Mehta, người thành lập nên công ty vận chuyển hàng tạp hóa này vào năm 2012, đã chứng kiến nhu cầu sử dụng dịch vụ của công ty mình tăng “phi mã” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Startup kỳ lân có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) phát đi thông báo hôm 11.6 rằng họ đã huy động được 225 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất, qua đó nâng giá trị của Công ty từ 7,9 tỉ USD lên 13,7 tỉ USD.

Forbes ước tính với việc nắm trong tay 10% cổ phần của Công ty, Mehta sở hữu tài sản khoảng 1,2 tỉ USD. Người phát ngôn của Instacart không đưa ra bất cứ bình luận nào về con số Forbes đưa ra.

Instacart, hoạt động trong lĩnh vực giao nhận hàng tạp hóa cho phép khách hàng lựa chọn trực tuyến những món đồ cần thiết. Bộ phận quản lý đơn hàng của Công ty sẽ cho đóng gói và vận chuyển đến tận nhà khách hàng.

Nhu cầu cho dịch vụ này, ước tính có thể phục vụ tới 85% tổng số hộ gia đình tại Mỹ và 70% tại Canada, đã tăng vọt khi bắt đầu có hàng triệu người dân phải ở nhà nhằm thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Số lượng đơn hàng đã tăng tới 500% trong vòng 12 tháng qua và trung bình mỗi khách hàng sử dụng nhiều hơn 35% tiền chi tiêu cho các đơn hàng này so với trước đó, theo dữ liệu của Instacart.

Ảnh:
Ông Mehta miệt mài với 20 lần startup để có thành công như hôm nay. Ảnh: Instacart

Công ty phải tuyển dụng thêm 300.000 nhân viên mới kể từ tháng 3 và sẽ tiếp tục tuyển thêm 250.000 lao động nữa để có thể triển khai rộng rãi hơn dịch vụ giao hàng trong một giờ và trong cùng một ngày.

“Chúng tôi có những kế hoạch tham vọng cho tương lai và khoản đầu tư mới này sẽ giúp công ty có nhiều chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với nhân viên cũng như đối tác của mình, đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng”, ông Mehta chia sẻ trong thông cáo báo chí về kết quả vòng gọi vốn.

Sinh ra tại Ấn Độ nhưng lớn lên tại Canada, Mehta theo học ngành kỹ sư tại Đại học Waterloo và từng đảm nhận vị trí kỹ sư thiết kế tại Blackberry và Qualcomm. Sau đó, ông chuyển tới làm việc tại Amazon với vai trò kỹ sư chuỗi cung ứng, trợ giúp công ty này phát triển hệ thống tiếp nhận và xử lý đơn hàng. Nhưng sau vài năm, ông Mehta tìm kiếm cho mình một thử thách mới. Năm 2010, ông xin thôi việc, chuyển từ Seattle tới San Franciso và bắt đầu con đường kinh doanh của riêng mình.

12 tháng tiếp theo, ông Mehta lên ý tưởng cho khoảng 20 sản phẩm, trong đó bao gồm cả một mạng xã hội dành cho các luật sư, nhưng không có ai để ý tới. “Lý do thành lập một công ty không chỉ đơn thuần là bạn muốn thế. Mục đích mà bạn thành lập công ty là để giải quyết những vấn đề mà bạn thực sự quan tâm”, ông Mehta chia sẻ tại diễn đàn Y Cobinator vào năm 2014.

Ảnh: Happy Live
Instacart đã kêu gọi được tổng cộng 2,2 tỉ USD tiền đầu tư từ một loạt quỹ tên tuổi. Ảnh: Happy Live.

Nhược điểm của quá trình mua sắm hàng tạp phẩm là vấn đề mà Mehta thực sự chú ý. Tính tới năm 2012, dù phần lớn các sản phẩm hàng hóa đều có thể đặt mua ở trên mạng, nhưng phân khúc hàng tạp hóa lại không đi theo trào lưu đó mà vẫn “dậm chân tại chỗ” trong hàng thập kỷ vừa qua. Mehta bắt đầu lập trình một ứng dụng (tiền thân của Instacart).

“Tôi đã hứa với bản thân mình rằng tôi sẽ không đi đến bất cứ một cửa hàng tạp phẩm nào nếu như sản phẩm của tôi chưa sẵn sàng”, Mehta chia sẻ tại diễn đàn Y Combinator.

Ông trở thành khách hàng cũng như nhân viên đầu tiên của Instacart. Mehta chọn hàng hóa trên ứng dụng, rồi sau đó đi mua hàng và vận chuyển đến địa chỉ nhà của mình. Ông đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ diễn đàn Y Combinator vào năm 2012, sau khi sử dụng ứng dụng để gửi 6 kiện bia đến một đối tác của mình.

Mehta cũng có mặt trong danh sách Top 30 under 30 (30 nhân vật tiêu biểu dưới 30 tuổi) do Forbes bình chọn chỉ một năm sau đó. Trong những ngày đầu, các đơn hàng đến với Công ty nhưng Instacart lại không có đủ nhân lực để đáp ứng, do đó, chính Mehta, lúc đó chưa có ô tô, đã phải tự mình đi giao hàng thông qua xe công nghệ Uber.

Instacart đã phát triển ra ngoài phạm vi thành phố San Franciso tới hơn 5.500 thành phố và 30.000 cửa hàng trên khắp Bắc Mỹ, với các đối tác lớn như Albertsons, Publix, Kroger và Sam’s Club. Công ty đã bổ sung thêm dịch vụ tự nhận hàng hóa, qua đó cho phép người mua đến các cửa hàng và mang hàng hóa đã đặt trước của mình về.

Công ty cũng cho ra mắt dịch vụ vận chuyển đơn thuốc trong tháng 4, qua đó giúp vận chuyển các đơn hàng từ hơn 200 nhà thuốc của Costco, với tham vọng mở rộng ra tất cả 500 hiệu thuốc của tập đoàn này. Tính cả vòng gọi vốn mới nhất, Instacart đã kêu gọi được tổng cộng 2,2 tỉ USD tiền đầu tư từ một loạt quỹ tên tuổi trong đó có các công ty đầu tư mạo hiểm như Andreessen Horowitz, Sequoia Capital và Kleiner Perkins.

► Ông chủ xưởng găng tay Malaysia thành tỉ phú USD nhờ dịch COVID-19

►Những tỉ phú có tài sản ròng tăng hơn 50% từ khi bùng phát COVID-19


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới