Hủy
Doanh Nhân

Nhà thiết kế Phương My: Tìm kiếm sự hoàn hảo

Hoàng Linh Lan Thứ Tư | 21/02/2018 09:00

Năm 2013, Phương My ra mắt thương hiệu thời trang mang tên cô tại TP.HCM. Hai năm sau đó, MYMY by PHUONGMY - thương hiệu thứ 2 ra đời.
 

Năm 2013, Phương My ra mắt thương hiệu thời trang mang tên cô tại TP.HCM. Hai năm sau đó, MYMY by PHUONGMY - thương hiệu thứ 2 ra đời.

2017 đánh dấu cột mốc 5 năm Phương My gắn bó với thời trang. Thành quả của cô là 30 cửa hàng đặt tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó Trung Đông chiếm 70% thị phần. Phương My vẫn đang kiên trì, nỗ lực từng ngày cho giấc mơ chinh phục ngành công nghiệp thời trang thế giới. Phía sau hành trình của cô gái 8x nhỏ nhắn, tài năng và bản lĩnh này là câu chuyện đầy cảm hứng và dĩ nhiên, cũng lắm chông gai.

Bài học quý cho thương hiệu riêng
Sau khi tốt nghiệp đại học danh tiếng Academy of Art, San Francisco, Phương My thử sức tại thị trường thời trang Mỹ và bước đầu ghi dấu ấn cá nhân tại New York, một trong những kinh đô thời trang của thế giới. Nhưng My không trói buộc bản thân tại đó. Cô sang Anh làm quảng cáo thương hiệu, làm đạo diễn phong cách và phụ trách những dự án chụp ảnh cho tạp chí thời trang quốc tế hàng đầu như Harper’s Bazaar, Elle, Vogue trong thời gian tại Anh và tại Việt Nam.

Phương My luôn được giới chuyên môn đánh giá cao không chỉ bởi những sáng tạo mang tính nghệ thuật mà còn ở tác phong làm việc chuyên nghiệp. Chính sự lăn xả này giúp Phương My tích lũy được nhiều trải nghiệm và bài học quý giá trước khi mở thương hiệu riêng.

Nha thiet ke Phuong My:  Tim kiem su hoan hao
 

“Phần lớn những bạn trẻ ở Việt Nam sau khi học về thời trang đều hy vọng làm thiết kế. Tôi thì nghĩ những thứ mình chưa biết sẽ trở thành điểm yếu khi ra đời, vì thế nên học thêm ở những nơi khác. Vừa được kiến thức, vừa được trải nghiệm, tích lũy những mối quan hệ, vừa được trả tiền để được mắc sai lầm thì tại sao không thử? Những mối quan hệ đó sẽ hỗ trợ mình rất nhiều lúc ra thương hiệu riêng. Lựa chọn đầu tiên của tôi bao giờ cũng là học trước”.

Như đa phần các nhà thiết kế trẻ trưởng thành trong giai đoạn năm 2010-2015, giấc mơ của Phương My là đưa sản phẩm của thương hiệu mang tên cô ra thế giới, hòa vào dòng chảy của ngành công nghiệp này. Từng học tập, sinh sống và làm việc tại môi trường thời trang thế giới, Phương My hiểu rõ quy luật vận hành của nó. Con đường mà My chọn do đó cũng có nhiều khác biệt so với các nhà thiết kế trưởng thành trong nước. Cân nhắc và chuẩn bị kỹ càng mới trình làng thương hiệu riêng. Và một khi cỗ máy đã vận hành thì My bền bỉ quay theo guồng của nó, mời gọi những người có cùng đam mê nhảy vào tiếp sức.

Nha thiet ke Phuong My:  Tim kiem su hoan hao
 

“Làm thời trang và ra thương hiệu riêng không đơn giản là bạn đến bảo với ai đó rằng: “Đấy tôi ra thương hiệu rồi đấy!” và mời hết người này đến người kia về làm, tiền bao nhiêu cũng không đủ. Càng không đủ để mời người giỏi. Người giỏi chỉ làm với mình khi thấy mình giỏi, tiền thôi thì không đủ.

Việc bạn có giỏi hay không thể hiện ở sự khắt khe, chỉn chu mỗi ngày, có khắc phục được điểm yếu hay không. Bởi nếu mình yếu ở một lĩnh vực nào đó và mời người giỏi về thì làm ngày một ngày hai người ta cũng sẽ chán. Và vì giỏi hơn mình thì bước qua ngày thứ 3 người ta sẽ bắt đầu có những ước mơ khác của riêng họ chứ”, Phương My chia sẻ.

Bí quyết thành công của Phương My là khát vọng tìm kiếm sự hoàn hảo. Cô luôn chăm chút trong mọi khâu sản xuất từ thiết kế đến tuyển chọn chất liệu, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Tư duy này cũng thể hiện qua việc tìm kiếm những đối tác hàng đầu thế giới để giải quyết bài toán khan hiếm chất liệu tại Việt Nam.

Toàn bộ quy trình sản xuất vải được gia công bởi nhiều đối tác uy tín tại Paris, Milan và Hồng Kông nhằm bảo đảm tính độc nhất cũng như chất lượng sản phẩm - hai yếu tố then chốt tạo nên thành công của thương hiệu Phương My. “Giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu Phương My là con người và sản phẩm. Đằng sau một sản phẩm đẹp, chất lượng là những con người ngày đêm làm việc và cống hiến”.

Những điều tốt nhất
*Tại sao chị nhập 100% từ nước ngoài mà không chọn chất liệu từ thị trường dệt may trong nước?
Thật ra có nhiều người khi nhắc đến thương hiệu Phương My, họ sẽ nói chúng tôi sính ngoại, không tự hào về Việt Nam. Vì không chỉ có chất liệu, tôi còn làm rất nhiều thứ từ nước ngoài, chẳng hạn như thợ chụp hình nước ngoài, dệt ở nước ngoài. Tôi nghĩ sính ngoại hay không không quan trọng, tự hào hay không là do bản thân mình. Nếu không tự hào tại sao đến hôm nay tôi vẫn chọn Việt Nam, vẫn đặt cửa hàng chính ở Việt Nam?

Nha thiet ke Phuong My:  Tim kiem su hoan hao
 

Tuy nhiên, khi làm kinh doanh cái tôi của mình không được lớn hơn khách hàng. Khách hàng của tôi không cần tôi lên báo tự hào quảng bá tôi là người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Điều họ quan tâm là số tiền họ bỏ ra có xứng đáng hay không. Vì thế, thương hiệu Phương My và MYMY muốn đưa hết những gì tốt nhất trong ngành thời trang không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới vào sản phẩm của mình. 

Nếu vải tơ tằm được đánh giá cao nhất ở Nhật, Ý, Pháp, Phương My sẽ dùng ở những nước đó. Nếu đính kết ở Bangladesh, Ấn Độ nổi tiếng tinh xảo, có những xưởng thiết kế cho Elie Saab, Phương My sẽ phải được đính kết từ những xưởng đó. Tôi không phủ nhận tay nghề của người thợ Việt nhưng tôi muốn những gì khách hàng nhận được xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Đó là điều tạo nên thành công của Phương My khi bước ra thị trường nước ngoài.

*Còn giá trị thật của chất liệu thì sao?
Chất liệu Phương My đòi hỏi rất cao, máy dệt bình thường sẽ không dệt được. Nhắc đến thời trang của Phương My, khách hàng sẽ nghĩ ngay đến đồ tơ tằm nhưng tơ tằm Việt Nam là phải bóng, mềm, rũ. Nếu tôi muốn mất đi những yếu tố đó thì sao? Vải phải mỏng mà vẫn đơ, một đường gấp vào thì phải đứng dáng và che được khuyết điểm.

Chúng tôi không thể đợi trong 6 tháng, xưởng dệt chỉ có 2 tuần để khắc phục. Thời trang là một guồng quay, mỗi ngày MYMY đều phải cho ra một sản phẩm mới, không lặp lại đường cắt, không lặp lại mẫu vải... Một tháng chúng tôi có 30 sản phẩm mới và 6 tháng thì Phương My có một bộ sưu tập mới. Xưởng Việt Nam không đáp ứng được, bắt buộc chúng tôi phải dùng đến xưởng của nước ngoài.

*Thiết kế cần sáng tạo nhưng kinh doanh cần tỉnh táo. Sự tỉnh táo có lấn át khiến chị mất đi cảm hứng?
Tôi nghĩ mình giỏi nhất cũng chỉ bằng trung bình cộng 5 người giỏi đi cạnh mình. Không ai đi xa có thể đi một mình. Phương My cũng vậy. Kể cả những ngày chán nhất, không ra ý tưởng nào tôi vẫn hy vọng 5 người bạn đi cùng cho mình ý tưởng. Thử tưởng tượng, chỉ riêng bộ sưu tập gởi đi tuần lễ Thời trang tại Dubai cuối năm 2017, chỉ một bộ sưu tập của Phương My mà cần đến 70 người thợ kết và 500 tiếng cho một cái đầm. Sau đấy, mới chuyển vải về Việt Nam, lên mẫu, cắt và thành hình, rồi các khâu chụp hình, quảng bá, làm show diễn... Nếu không có các bạn, tôi chẳng thể làm được gì.

*Năm năm nữa, chị hình dung mình sẽ thế nào?
Tôi hy vọng sẽ đi được những bước xa và dài hơn. Thú thật, tôi chưa nghĩ xa như vậy mà thường đặt mục tiêu mỗi ngày, mỗi năm. Mỗi ngày dậm chân thì mỗi năm làm sao tiến được? Trong năm sau, tôi hướng đến mở rộng thị trường, đẩy mạnh mảng sự kiện thương hiệu, làm sao cải thiện và nâng cao hơn nữa cuộc sống của những người đứng sau Phương My.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới