Hủy
Kinh Doanh

Đã có phương án tính thuế với Uber

Thứ Bảy | 27/12/2014 16:14

Cơ quan thuế đã “chốt” phương án tính thuế đối với dịch vụ taxi Uber để trình Bộ Tài chính xem xét.
 

Hiện hoạt động của Uber đang gây tranh cãi ở Việt Nam, đặc biệt các hãng taxi truyền thống có phản ứng khá mạnh với loại hình kinh doanh mới này.

Cơ quan thuế hoàn toàn có thể kiểm chứng

Vụ trưởng, Phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến cho biết cơ quan Thuế sẽ tính thuế GTGT trên doanh thu với Uber theo hình thức kinh doanh vận tải và ở mức là 3%. Thuế thu nhập DN trên doanh thu với ngành tương ứng là 2%.

Tổng cục Thuế đã tính toán thận trọng với các vấn đề liên để đảm bảo quyền lợi các bên, như ai sẽ khấu trừ thuế (người sử dụng dịch vụ, người cung cấp dịch vụ hay trung gian Uber). Tổng cục Thuế cũng đã làm việc cụ thể với đại diện Cty Uber International Holding B.V và xác định các khoản thu nhập phát sinh của đơn vị này tại Việt Nam.

Hiện phía Uber đang có 3 khoản thu nhập gồm: Phí đăng ký mở tài khoản, phí hủy chuyến và cước phí thanh toán thực tế từ khách hàng qua các thẻ thanh toán Visa Card, MasterCard, AMEX. Theo đó, phía Uber sẽ chuyển 80% cước cho DN vận tải và hưởng phí dịch vụ 20%. Mọi hoạt động liên quan đến việc ký kết hợp đồng, thu tiền khách hàng đến chi tiền cho DN vận tải đều do Cty Uber International Holding B.V thực hiện.

Cty TNHH Uber Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký từ ngày 14/10/2014 chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo và chưa đến kỳ khai nộp thuế. Tuy nhiên, các dữ liệu, chứng từ thanh toán được lưu trữ đồng thời ở máy chủ nước ngoài và ở cả phía Việt Nam. Do vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để đối chiếu, kiểm chứng khi cần thiết.

Trước đó, trả lời với báo giới, ông Micheal Brown - Tổng giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á khẳng định Cty này đã đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Ông cũng khẳng định do hoàn toàn chi trả bằng tài khoản ngân hàng nên các cơ quan Thuế dễ dàng theo dõi doanh thu của Uber.

Cơ quan quản lý tính phương án hợp pháp hóa

Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu để có giải pháp quản lý loại hình DN này, trong đó có việc xem xét vi phạm (nếu có) của Uber. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhận định đây là một dịch vụ có lợi cho người tiêu dùng và cần nghiên cứu, rà soát chính sách để hợp pháp hóa nếu loại hình dịch vụ này chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Mới nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng có cuộc làm việc chính thức với Cty Uber. Tại cuộc làm việc này, người đứng đầu Bộ GTVT đã khẳng định sẽ ủng hộ hoàn toàn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hình thành các sàn giao dịch điện tử cho dịch vụ vận tải, trong đó có trường hợp của Uber.

Đổi lại, Uber và các DN cung cấp các phần mềm quản lý, kết nối vận tải khác phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tức là chỉ cung ứng dịch vụ cho các DN, hợp tác xã của giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng như thực hiện đúng các quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, việc tiến hành kiểm tra, rà soát lại các quy định, thực tế hoạt động của Uber không phải để cấm DN nước ngoài này hoạt động, mà hướng tới mục tiêu trao đổi để DN có định hướng thực hiện đúng các quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam. Với quan điểm như vậy, có thể hiểu, Bộ Giao thông - Vận tải trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đã bật đèn xanh cho loại hình dịch vụ công nghệ thông tin này được phép xuất có mặt trong thị trường kinh doanh vận tải đường bộ Việt Nam.

Đây thực sự là bước chuyển rất lớn trong tư duy quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải so với hồi đầu tháng 12/2014, khi chính lãnh đạo Bộ này đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị có biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của Uber tại Việt Nam.

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới