Hủy
Kinh Doanh

ĐHCĐ Petrolimex: Chưa niêm yết trong năm nay do chưa hoàn thành tăng vốn

Thứ Bảy | 24/05/2014 09:36

Dự kiến, trong năm 2015 Petrolimex sẽ niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Petrolimex tìm cổ đông chiến lược.
 

Sáng nay (24/5), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) họp đại hội cổ đông thường niên 2014.

11h45 Đại hội nghe đọc và thông qua Biên bản và dự thảo nghị quyết đại hội.

11h34 Đại hội thông qua tất cả các nội dung trình đại hội.

Đại diện Bộ Công thương phát biểu.

10h15 Đại hội bước vào phần thảo luận

Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo trả lời câu hỏi của cổ đông

Về hai công ty của Petrolimex tại Singapore và Lào
Ông Bảo cho biết, Petrolimex là tập đoàn hoạt động đa ngành do yếu tố lịch sử chứ không theo cách tiếp cận của các tập đoàn trong thời gian gần đây. Có 5, 6 cụm kinh doanh ngành nghề tương đối tách biệt.

Xăng dầu là hoạt động nòng cốt, cơ cấu vốn của Petrolimex của tập đoàn hiện tại là 60% đầu tư cho lĩnh vực khác, xăng dầu giờ chỉ còn 40% trên tổng số vốn. 6.300 tỷ đầu tư cho hóa dầu, gang, xây lắp, vận tải bộ, tài chính... Các doanh nghiệp này đều có tuổi trên 20 năm và lâu hơn nữa.

Petrolimex đã thành lập và đưa vào hoạt động hai công ty tại Lào và Singapore. Tại Singapore, từ văn phòng đại diện, lên chi nhánh, khi thấy có cơ hội kinh doanh mới thành lập công ty. Hiện là công ty VN lớn nhất tại Singapore và cũng có hiệu quả nhất.

Về cơ cấu vốn, tập đoàn vẫn theo dõi chỉ đạo gần như tuyệt đối, tồn tiền ở Singapore rất thấp, để đảm bảo cho hoạt động, còn lại tập đoàn bảo lãnh qua ngân hàng để cty tại Singapore hoạt động. Cơ cấu cán bộ đan xen, một số từ trong nước gửi sang, một số cán bộ là địa phương.

Sau 5 năm hoạt động, vốn là 15 triệu đô, công ty Singapore đầu tư ngược trở lại với kho ngoại quan Vân Phong là 9 tỷ. Sau 7 năm, công ty Singapore đã chuyển về lợi nhuận cho tập đoàn 16,3 triệu đô, hoàn lại số vốn đầu tư.

Năm 2013, lợi nhuận của công ty Singapore trong báo cáo bằng 0, do trong thời gian 2012 - 2013 kho Vân Phong có lỗ nên các nhà đầu tư vào kho này đều phải trích dự phòng. Vì thế lợi nhuận 3,2 triệu USD của công ty Singapore được tập đoàn cho phép trích lập dự phòng.

Tại Lào, Petrolimex đã mua lại toàn bộ cổ phần của cty Mỹ. Một phần với định hướng là một nhà cung cấp truyền thống, chiếm 20 - 30% nhu cầu của Lào, vừa là kinh doanh, vừa là nhiệm vụ chính trị vì vậy xem xét rất kỹ sự hiện diện của Petrolimex tại Lào có ảnh hưởng ntn tới thị trường.

Trước khi mua, công ty tại Lào hoạt động bài bản theo chuẩn mực nhưng không có hiệu quả. Sau khi Petrolimex mua đã thực hiện theo đúng định hướng, năm đầu tiên đã có lợi nhuận, và lợi nhuận gia tăng theo tỷ lệ chấp nhận được. Đầu tư 3,4 triệu USD, doanh thu là 1.730 tỷ đồng, tăng 31% so với 2012. Từ 2011, công ty tại Lào đã chuyển về tập đoàn 670.000 USD bằng 20% giá trị đầu tư. Quý I có lãi khoảng 2 tỷ đồng.

Đây là định hướng phát triển mở rộng của tập đoàn từ nhiều năm nay và cũng đã tích cực tham gia vào quá trình hội nhập.

Công ty Singapore đã tham gia đấu thầu các hợp đồng lớn của Srilanka, Bangladesh, Myanmar

Hoạt động của hai doanh nghiệp này đều được kiểm soát thông qua kiểm toán nội bộ...

Về kế hoạch lợi nhuận 2014

Năm 2013, Petrolimex có lợi nhuận là hơn 2.021 tỷ đồng. Lợi nhuận kinh doanh xăng dầu có chịu tác động điều chỉnh của nghị định 84. Kết quả của 2013 vượt mức kế hoạch đại hội cổ đông lần trước thông qua.

Năm 2014, HĐQT trình mức lợi nhuận 2000 tỷ đồng. Đối với kinh doanh xăng dầu, định hướng dài hạn là bền vững, tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh, phát triển bền vững dài hạn.

Trong 2013 và tiếp tục 2014, Nhà nước sẽ tiếp tục cho phép nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thực tế là hầu hết đều là các tổng đại lý của Petrolimex, đây là chính sách đúng của CP. Khi có nhiều đầu mối, tính cạnh tranh cao hơn. Trong 2013 và trước đây, kinh doanh xăng dầu mới tập trung vào tiết giảm phí... một số chi liên quan tổ chức khuyến mãi, hỗ trợ đại lý... thì Petrolimex ko có chi ra.

Năm 2014, cạnh tranh cao hơn nên đã tính toán tiết giảm chi phí trong các đơn vị thành viên nhưng cũng có chi phí để phát triển thị trường nên lợi nhuận dự kiến tương đương 2013.
Lợi nhuận chênh lệch 20 tỷ cũng là không đáng kể.

Ông Bảo cho biết, quý I năm nay thì cố gắng co kéo mãi mới có lợi nhuận kinh doanh xăng dầu 25 tỷ, với cơ cấu thế này là chưa có lợi nhuận. Kinh doanh xăng dầu trong tháng 4 vừa rồi thậm chí là lỗ.

Nhiệm vụ chính trị không ai giao nhưng phải đảm bảo từ rất lâu rồi. Kết cấu thị trường ở những vùng thuận lợi thì là dưới 30% như TPHCM, ĐBSCL, những thị trường vùng sâu vùng xa thì tỷ lệ thị trường chiếm lĩnh rất cao.

Chủ tịch Petrolimex cho biết, tập đoàn đã báo cáo tới cơ quan quản lý NN, Bộ Công thương để chuyển dần sang cơ chế thị trường. An sinh XH sẽ được tách biệt với hoạt động của DN.
Các hoạt động lĩnh vực khác yêu cầu rất cao, chia cổ tức của các hoạt động khác như hóa dầu, gas,... là đều từ 12 - 15%, một số lĩnh vực khó khăn như vận tải, viễn dương thì cũng đòi hỏi phải chia cổ tức.

Đối với tập đoàn thì còn chưa tận dụng được cơ hội trong các hoạt động tài chính, tham gia vào các hoạt động tài chính khác. Trong 2014, bên cạnh hoạt động truyền thống thì sẽ nỗ lực tham gia vào các hoạt động trên theo đúng quy định pháp luật để bổ sung thêm lợi nhuận cho tập đoàn.

Về chi phí kinh doanh xăng dầu

Theo ông Bảo, nếu xét bình diện 5 năm gần đây thì Petrolimex luôn đặt vấn đề tiết giảm 5% phí hao hụt, quản lý... Đạt được tốc độ giảm phí như vậy, tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì một số chi phí tăng. Ở đây có yếu tố về sản lượng, năm 2013 và cả 2014 thỉ sản lượng giảm, do nhu cầu của thị trường giảm từ 5 - 7% năm 2013.

Đều được giám sát hết sức chặt chẽ, bức tranh tỷ lệ giảm xuống, vì thế Petrolimex phải có giải pháp để giảm chi phí nhưng giảm tới đâu, những gì cần tăng để đảm bảo tăng trưởng hoạt động thì phải nghiên cứu rất kỹ.

Chủ tịch Petrolimex khẳng định, chi phí sẽ tiếp tục giảm, nhưng có khoản mục chi phí sẽ tăng để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Tới đây các hoạt động vận tải để đảm bảo minh bạch, tính thị trường thì nghiên cứu cơ chế đấu thầu vận tải biển, đường bộ, mức độ đơn giá trên thị trường để đảm bảo đúng chi phí.
Về việc chia cổ tức 2012 - 2013

Việc chia cổ tức trong 2 năm vừa qua phải đợi quyết toán cổ phần hóa. Thực tế, tiến trình cổ phần hóa tại Petrolimex diễn ra một năm, nhưng việc quyết toán cổ phần hóa lại kéo dài tới 2 năm. Chính vì vậy nên có việc tồn tại về cơ chế, quy định của NN, yêu cầu đánh giá lại về đầu tư ra ngoài DN và liên quan tới luật thuế xác định giá trị sử dụng đất tại địa phương.

Tồn tại nữa là lỗ kinh doanh xăng dầu 2011, lỗ đó tương đương với phần vốn NN khi cổ phần hóa, nên phải xin trình Thủ tướng phương án xử lý.

Tháng vừa xong mới được Thủ tướng đồng ý phương án trình lên, dẫn tới hàng loạt báo cáo mới phải điều chỉnh, cơ quan chủ quản là Bộ Công thương đã đồng ý là không thể có báo cáo trình đại hội lần này nên Petrolimex sẽ trình bổ sung trong báo cáo 6 tháng.

Theo đó, năm 2012 theo báo cáo cũ thì cổ đông đã thông qua 5% cổ tức, nên đến giờ điều chỉnh lại tương ứng với phần của NN thì sẽ lên 5,8%, đây là nội dung xin ý kiến đại hội lần này.

Chia cổ tức 2013 thì liên quan tới phần bù lỗ theo cơ chế nhà nước, chia với tỷ lệ 12,14%, tỷ lệ này cũng không hẳn là lợi nhuận tính toán từ hoạt động SXKD. Nếu ko phải bù vào phần vốn nhà nước thì chỉ khoảng 10%, nhưng tỷ lệ này tương ứng với phần bù của NN nên sẽ chia theo phần bù này.

Cả hai năm, nếu đại hội thông qua thì sẽ chốt chia ngay là tổng số 17,9%. Việc chia 2 năm cho 1 thời điểm, hoạt động kinh doanh xăng dầu là hết sức nhạy cảm nên phải có thông điệp rất rõ.

Năm 2014 thì cũng đặt ra chia cổ tức không được thấp hơn lãi suất ngân hàng, tức là khoảng 8 - 10%.

Về kế hoạch niêm yết

Ông Bảo cho biết, năm nay chắc chắn Petrolimex chưa thể niêm yết bởi chưa hoàn thành việc tăng vốn điều lệ cũng như tìm kiếm cổ đông chiến lược.

Theo quy định 1 năm sau khi hoàn thành cổ phần hóa phải niêm yết. Petrolimex dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2015.

9h50 Đại hội nghỉ giải lao trước khi bước vào phần thảo luận.

9h44 Đại hội nghe báo cáo và tờ trình thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát 2013, năm 2014

Theo đó, năm 2013, HĐQT thực hiện chi trả thù lao theo phương án đại hội cổ đông thông qua năm 2013 là 3,1 tỷ đồng cho HĐQT và BKS là 2,8 tỷ đồng.

Năm 2014: Phương án thù lao cho HĐQT tối đa là 3,7 tỷ đồng, cho BKS tối đa 2,67 tỷ đồng
Phương thức trả thù lao thanh toán hàng tháng, quyết toán khi kết thúc năm tài chính và sẽ trình đại hội cổ đông thông qua.

9h06 Kế toán trưởng tập đoàn Lưu Văn Tuyển đọc báo cáo kết quả kinh doanh đã kiểm toán 2013.

8h30 Đại hội khai mạc.

Tổng giám đốc Petrolimex trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2013, kế hoạch 2014

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bùi Ngọc Bảo đọc báo cáo Hội đồng quản trị (HĐQT).

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 nghe đọc các báo cáo của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2013, kế hoạch 2014, phương án phân phối lợi nhuận cũng như một số nội dung liên quan khác.

Năm 2014, Petrolimex đặt mục tiêu sản lượng xăng dầu xuất bán đạt 9,23 triệu m3, bằng 99% thực hiện năm 2013. Doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 200.000 tỷ đồng, bằng 102% mức thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế được lãnh đạo Petrolimex dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng, bằng 99% năm 2013.

Tổng giá trị đầu tư năm 2014 dự kiến tăng 158% lên 891 tỷ đồng. Petrolimex đặt kế hoạch chia cổ tức 8 - 10% trong năm nay. Petrolimex cũng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 10.700 tỷ đồng hiện nay lên hơn 12.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Petrolimex, năm 2013 mặc dù nhiều thời điểm tập đoàn này cho rằng giá xăng dầu chưa được điều hành theo đúng cơ chế thị trường, sát với giá thế giới, nhưng tổng lợi nhuận hợp nhất của Petrolimex đã đạt 2.021 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đến từ khối kinh doanh xăng dầu đạt 849 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh trên, năm 2013 dù gặp khó khăn, doanh thu không bằng năm 2012 nhưng Petrolimex đạt lợi nhuận trước thuế bằng 207% năm 2012. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt 205% so với năm 2012.

Năm 2013, Petrolimex trình đại hội cổ đông kế hoạch chia cổ tức 12%.

Quý I/2014, Petrolimex báo cáo doanh thu hợp nhất đạt 51.818 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 337 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng là 28 tỷ đồng.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới