Hủy
Kinh Doanh

DLG phản hồi về kiến nghị ngừng xây Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A

Thứ Sáu | 09/11/2012 22:07

DLG cho biết do nhà máy đặt ngay sau đập, nên nước được trả lại ngay dòng sông, hầu như không gây ảnh hưởng tới chế độ dòng chảy hạ lưu.
 

Gần đây có thông tin Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A sẽ gây nhiều tác động tiêu cực tới chế độ thủy văn và khu vực hạ lưu.

Tỉnh Đồng Nai kiến nghị các đơn vị liên quan cần thực hiện theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào tháng 8/2011: “Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng ảnh hưởng đến tiêu chí, mục đích và nội dung xác lập vườn quốc gia Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, thì dừng xây dựng dự án”.

Trước tình hình này, ngày 8/11, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (.DLG) có buổi họp báo về 2 dự án thủy điện đang gây tranh cãi là Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

T

Theo DGL, 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được chuẩn bị xây dựng từ 6 năm nay, đảm bảo các thủ tục pháp lý và thực hiện theo đúng các quy hoạch. Trước khi tiến hành xây dựng, Tập đoàn cũng đã được sự chấp thuận của cộng đồng dân cư tại khu vực rìa của dự án, bao gồm 6 xã cùng với 137 hộ dân.

Tập đoàn này cho hay, 2 dự án này không có tác động lớn tới dòng chảy. Cụ thể, hồ chứa thủy điện nhỏ, nhà máy đặt ngay sau đập, sau khi phát điện nước được trả lại ngay dòng sông nên không gây ra đoạn sông chết và hầu như không ảnh hưởng tới chế độ dòng chảy hạ lưu cũng như khu vực rừng ngập nước Bàu Sấu ở Nam Cát Tiên.

Đối với 137 ha thuộc vùng rìa khu vực Cát Lộc, phía bắc Vườn Quốc gia Cát Tiên bị ảnh hưởng, DLG đánh giá đây là khu vực có độ dốc lớn, là khu rừng thứ sinh nghèo đã bị khai thác trong nhiều năm. Tập đoàn cam kết sử dụng 115 tỷ đồng để giảm thiểu tác động tới khu vực này.

Ngoài ra, khu vực thi công các dự án thủy điện này không có dân cư sinh sống nên không phải tiến hành tái định cư. Về mặt kinh tế, mỗi năm, các dự án này sẽ đóng góp vào Ngân sách nhà nước khoảng 350 tỷ đồng thuế sử dụng rừng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.... Nếu tính chu kỳ là 40 năm, thì các dự án này đóng góp gần 15.000 tỷ đồng vào Ngân sách Nhà nước.

Báo Sài Gòn giải phóng ngày 9/11 dẫn lời Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) – đại diện đơn vị tư vấn đánh giá báo cáo tác động môi trường cho biết các báo cáo về tác động của 2 dự án thủy điện này đã được gửi lên Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định. Cơ quan thẩm định đã thành lập hội đồng, lấy ý kiến địa phương có nhà máy thủy điện (Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông) và 3 địa phương ở khu vực hạ lưu là Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai.

Công bố thông tin của DLG

Nguồn Khampha/DLG


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới