Hủy
Kinh Doanh

Kiệt quệ vì dịch bệnh, doanh nghiệp chờ "máy thở"

Hoàng Hà Thứ Hai | 12/07/2021 08:30

Dịch bệnh và giãn cách kéo dài khiến hoạt động kinh tế sa sút, nhu cầu sụt giảm. Ảnh: Qúy Hòa.

Với 2 gánh nặng vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề.
 

Điều kiện kinh doanh suy giảm nghiêm trọng

“Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ lo lắng khi công ty đã có F2, nếu chuyển thành F1 thì công ty chỉ có nước đóng cửa, chết đứng vì số lượng nhân công không đủ để sản xuất, mất khách hàng và mất đối tác”, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), cho biết trong bối cảnh TP.HCM đang bị dịch bệnh bủa vây với số ca nhiễm lên tới hơn 13.556 ca (tính đến sáng ngày 12.7).

Tình cảnh của doanh nghiệp HAMEE thêm vào bức tranh màu xám chung. Theo số liệu của IHS Markit, Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) tháng 6 của Việt Nam đạt 44,1 điểm, giảm mạnh so với mức 53,1 điểm hồi tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã suy giảm nghiêm trọng nhất trong hơn 1 năm.

Dịch bệnh và giãn cách kéo dài khiến hoạt động kinh tế sa sút, nhu cầu sụt giảm. Theo Tổng cục Thống kê, dịch bệnh tác động lên các khu vực kinh tế trong thời gian dài với tần suất nhiều và quy mô lớn hơn, dẫn đến 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Cụ thể, dịch bệnh khiến doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng, dòng tiền và người lao động bị ảnh hưởng do những quyết định cắt giảm để thu hẹp quy mô. Tiếp đến, chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng ở những khía cạnh khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện.

Nhiều đơn vị cho biết họ đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán. “Do đó, giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp kỳ vọng hiện nay là vaccine, vaccine và vaccine”, ông Tống nhấn mạnh.

Cũng liên quan vaccine, lãnh đạo Masan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND  TP.HCM, UBND Long An... xem xét ưu tiên cho nhân viên trong hệ thống bán lẻ và công nhân tại các nhà máy của Masan tại các địa phương có dịch bệnh lây lan cao được tiêm vaccine phòng dịch để tiếp tục phục vụ nhân dân trong tình hình khẩn cấp. Bởi vì, theo ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, để phục vụ nhu cầu thực phẩm thiết yếu của người dân, Masan vẫn duy trì đầy đủ hệ thống bán lẻ là gần 130 siêu thị Vinmart và hơn 2.300 cửa hàng Vinmart+ trên khắp cả nước, các nhà máy sản xuất thực phẩm của Masan tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng như ở các tỉnh thành khác.

Tuy nhiên, trong khi TP.HCM và các tỉnh như Đồng Nai, một phần Bình Dương, Long An… đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội, công nhân làm việc tại các nhà máy và nhân viên của hệ thống bán lẻ của Masan cũng như nhiều nhà sản xuất, bán lẻ khác đối mặt với nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao hơn, ảnh hưởng tới khả năng duy trì sản xuất cũng như ảnh hưởng tới cộng đồng. 

Trong khi đó, Bách hoá Xanh (thuộc diện vận chuyển hàng hoá thiết yếu), từ ngày 10.7, dù toàn bộ xe hàng của nhà cung cấp này ghi rõ “xe hàng thiết yếu”, có đơn hàng hoặc QR thông hành nhưng vẫn gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa về kho Thốt Nốt, Cần Thơ. Kho này phục vụ tới 200 siêu thị Bách hóa Xanh tại khu vực Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang. Cụ thể, xe đi từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương dù có xét nghiệm âm tính qua trạm Vàm Cống, Thốt Nốt và trạm dưới chân cầu Cần Thơ (bên cạnh siêu thị GO) đầu vào trung tâm Cần Thơ Cái Răng vẫn phải dừng lại, đổi tài xế là người Cần Thơ có giấy xét nghiệm âm tính ra thay mới được đưa xe vào; tài xế nơi khác không được vào.

Phương án bổ sung tài xế trong tỉnh (có xét nghiệm âm tính) là vô cùng khó khăn vì việc mất thời gian tìm tài xế có thể dẫn đến tình trạng trì trệ, ùn tắc hàng hóa. Các xe hàng chấp nhận chờ đợi bị trì trệ quá lâu dẫn đến hàng hóa hư hỏng, buộc phải huỷ hàng tươi sống, gây thiệt hại lớn, ngay lúc khó khăn càng thêm khó khăn...

"Tới giới hạn của chịu đựng"

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa thấy điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm. Nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online... nhưng bị kẹt vốn. Ngoài ra, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp.

Ảnh:
Trong bối cảnh đó, cú sốc do dịch bệnh và giãn cách kéo dài bồi thêm gánh nặng đối với doanh nghiệp ở mọi quy mô, khiến nhiều đơn vị kiệt sức. Ảnh: Qúy Hòa.

Trong bối cảnh đó, cú sốc do dịch bệnh và giãn cách kéo dài bồi thêm gánh nặng đối với doanh nghiệp ở mọi quy mô, khiến nhiều đơn vị kiệt sức. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean, cho biết đặc thù của ngành dệt may là sử dụng nhiều lao động và làm việc theo dây chuyền nên chỉ cần có người lao động bị cách ly từ 14-21 ngày thì kế hoạch sản xuất bị phá vỡ, chuỗi sản xuất bị gián đoạn. “Chúng tôi rất lo lắng bởi nếu hủy đơn hàng thì phải bồi thường cho khách hàng, trong khi hàng ngàn lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động”.

Khó khăn chưa dừng lại khi theo báo cáo tháng 7 của HSBC, cùng với số ca mắc mới tăng đều mỗi ngày, dự báo nền kinh tế sẽ còn chững lại ít nhất tới quý III/2021. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đánh giá đợt dịch lần thứ 4 này có quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều cả 3 đợt dịch trước cộng lại. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp hội viên đã “đến giới hạn chịu đựng”. Nếu tình hình khó khăn kéo dài, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng phá sản, người lao động mất việc làm.

 

Theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty MP Logistics, thời gian tới, việc kinh doanh khó tránh giảm sút. Vì vậy, bà Phương đề xuất cho doanh nghiệp được vay tiền để mua, tiêm vaccine với lãi suất 0%. “Ngoài ra, chúng tôi mong muốn được vay để trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lãi suất 0% vì việc giãn, hoãn không còn phù hợp, hiệu quả nữa”, bà Phương nêu thêm đề xuất. Còn đại diện Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam kiến nghị giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dự kiến, đến cuối năm sẽ có hơn 1 triệu tỉ đồng dư nợ được hưởng lợi từ chương trình này, tương đương 500.000 khách hàng doanh nghiệp (chưa kể các ngân hàng thương mại).

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng đợt dịch lần này làm thành phố “trọng thương” về đời sống kinh tế. Vì vậy, với gói hỗ trợ đợt này, Chính phủ nên mạnh dạn tăng quy mô gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động khi quy mô GDP đã tăng trên 340 tỉ USD năm 2020. Bởi lẽ, tại thời điểm hiện nay, Chính phủ cần chấp nhận tăng bội chi ngân sách để tăng gói hỗ trợ đủ liều khi “bệnh” đã nặng hơn sau một thời gian COVID-19 tấn công.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới