Hủy
Kinh Doanh

Nhà đầu tư Nhật Bản nhắm vào lĩnh vực ngân hàng

Thứ Năm | 07/02/2013 15:40

Theo Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn PwC Việt Nam Ed Johns, 2013 sẽ gia tăng M&A ngân hàng với sự tham gia tích cực của nhà đầu tư Nhật Bản.
 

Ông đánh giá thế nào về tình hình M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trong năm 2012?

Hoạt động M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nhìn chung, khá yên ắng trong 11 tháng đầu năm 2012, sau thương vụ Ngân hàng Mizuho đầu tư 570 triệu USD để mua lại 15% vốn chủ sở hữu của Vietcombank trong tháng 1/2012. Tuy nhiên, tháng 12/2012 có hai giao dịch lớn được công bố.

Thương vụ thứ nhất là việc Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ đầu tư 740 triệu USD để mua lại 20% cổ phần của VietinBank. Khi thương vụ đầu tư này hoàn tất (trong năm 2013), đây sẽ là giao dịch M&A lớn nhất từ trước nay trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Thương vụ thứ hai là việc Công ty Bảo hiểm HSBC thoái 18% cổ phần nắm giữ trong Tập đoàn Bảo Việt cho Sumitomo Life, một công ty bảo hiểm đã niêm yết của Nhật Bản, với giá 344 triệu USD.
Liệu sẽ có thêm nhiều giao dịch M&A trong ngành tài chính - ngân hàng trong năm 2013, thưa ông?

Hiện có 2 nhân tố chính ảnh hưởng tới hoạt động M&A trong ngành ngân hàng trong năm 2013.

Thứ nhất là kế hoạch tái cấu trúc ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kế hoạch này dự kiến sẽ tiếp tục tạo ra các giao dịch M&A giữa các ngân hàng nhỏ và vừa trong nước. Để tránh bị sáp nhập, các ngân hàng nhỏ có thể tìm cách mời các đối tác lớn hơn tham gia góp vốn.

Thứ hai, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và một số ngân hàng thương mại nhà nước đang tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư là các ngân hàng khu vực và toàn cầu để bán lại cổ phần không chi phối, qua đó tận dụng được việc chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ và kỹ năng từ các đối tác. Một số đối tác này là ngân hàng tương đối lớn, nên thị trường có thể sẽ được chứng kiến một hoặc hai giao dịch lớn trong năm 2013.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư có thể do dự, do quy định hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào một ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm trong nước. Bên cạnh đó, mức trần tăng trưởng tín dụng tiếp tục được giới hạn ở 20% (tùy theo ngân hàng) và những biến động mà các kế hoạch tái cấu trúc ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể gây ra, cũng như sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ tác động tới quyết định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông có thể cho biết lý do các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều tới thị trường ngân hàng Việt Nam và liệu điều này có còn tiếp diễn?
Thời gian qua, một số thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực ngân hàng đã được thực hiện với sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản. Do các điều kiện kinh tế và thị trường tại Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, các công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam hứa hẹn đem lại các cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn dựa trên tiềm năng tăng trưởng lớn của thị trường bảo hiểm và ngân hàng.
Theo ông, những công ty nào sẽ trở thành nhà đầu tư lớn trên thị trường tài chính Việt Nam năm 2013?

Tôi cho rằng, các định chế tài chính châu Á sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Trong đó, các công ty tài chính của Nhật sẽ tiếp tục là các đối thủ chính trong hoạt động M&A trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng đến từ các ngân hàng toàn cầu, các ngân hàng khu vực châu Á có quy mô nhỏ hơn và các công ty tài chính phi ngân hàng khác.

Nguồn Báo Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới