Hủy
Kinh Doanh

Nợ công ai trả?

Phạm Việt Anh Thứ Hai | 16/11/2020 08:00

Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

Gánh nặng nợ công tiếp tục đè nặng ngân sách trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
 

Nợ công vượt 3,6 triệu tỉ đồng

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, nợ công đến cuối năm nay có thể vượt 3,6 triệu tỉ đồng, năm sau trên 4 triệu tỉ đồng; nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi năm tới khoảng 360.000 tỉ đồng. Nếu nợ công tăng thêm 2-3% GDP so với mức Quốc hội cho phép là 54,3% GDP, thì tỉ lệ nợ công năm 2020 tương đương 56,3-57,3% GDP.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mức nợ công này vẫn an toàn vì còn rất thấp so với mức trần nợ công trong giai đoạn 2016-2020 là 65% GDP. Nhiều ý kiến đã đề cấp đến động thái nới rộng tỉ lệ nợ công trên GDP nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng cho nền kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Mặc dù vậy, gánh nặng nợ công đang tiếp tục đè nặng trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thu ngân sách nhà nước nhiều khả năng không đạt dự toán, trong khi phải tăng chi, giảm hàng loạt loại phí và lệ phí. Tăng nợ công kéo theo tăng bội chi ngân sách trong khi nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước rất lớn để hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do bị tác động bởi đại dịch COVID-19.

Nói nợ công 40 triệu đồng trên đầu người chỉ là cách khái quát. Người dân trả nợ công bằng cách đóng thuế. Thế hệ tương lai thừa kế các khoản phải trả cũng như các khoản phải đòi, dù là ở quy mô gia đình hay lớn hơn là quốc gia. Nhưng điều cơ bản cần nhớ rằng, nợ nhà nước không động chạm đến tổng gánh nặng giữa các thế hệ mà đúng hơn là đến việc phân phối nghĩa vụ nợ trong nội bộ thế hệ kế tiếp.

Thế hệ này chuyển trách nhiệm tới thế hệ sau, nhưng không phải tất cả, mà là một bên gồm những người nộp thuế - những người chịu trách nhiệm trả nợ và bên kia tương ứng là các chủ nợ - những người dân đã cho nhà nước vay. Nghĩa là có những người trả và nhiều người không phải trả; nhiều người phải gánh nợ công cho người khác. 

Hiện cả nước có khoảng 54 triệu lao động, nhưng trong số ấy chỉ có hơn 12 triệu lao động, tương ứng 24% lao động trên toàn quốc là có hợp đồng lao động chính thức, tức những lao động phải (có thể) đóng thuế thu nhập cá nhân (để trả nợ công). Số lao động này gồm 50% thuộc khối doanh nghiệp nhà nước (làm cho nhà nước), và 50% còn lại thuộc doanh nghiệp tư nhân 4,7 triệu người (9,3%). Trong khi đó, doanh nghiệp FDI khoảng 2,1 triệu người (4,2%) và hộ kinh doanh khoảng 0,3 triệu người (0,6%) trên tổng số lao động có hợp đồng lao động.

Ảnh: Quý Hòa
Người dân đóng thuế. Ảnh: Quý Hòa

76% lực lượng lao động còn lại là lao động tự do và hầu như chưa phải thực hiện nhiều nghĩa vụ thuế do thu nhập thấp hoặc chưa thể kiểm soát. Như vậy, nếu phải tăng thuế (và/hay lạm phát) để trả nợ công, thì nhóm 12 triệu người làm công ăn lương sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế cá nhân nhiều nhất, nhóm người lao động tự do thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đến thu nhập lớn nhất khi thuế tiêu thụ, VAT được điều chỉnh cao hơn.

Bài toán giảm nợ công

Về thuế, đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách nhà nước là thuế giá trị gia tăng, tiếp đến là thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong năm 2016-2019, theo Bộ Tài chính, tỉ trọng thu từ thuế giá trị gia tăng so với tổng thu ngân sách nhà nước tăng nhanh và trở thành nguồn động viên ngân sách quan trọng nhất hiện nay, đạt trung bình 24,3%. Thuế thu nhập cá nhân chỉ mới đóng góp khoảng 6,6% trên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.539,4 ngàn tỉ đồng.

 

Muốn kích thích được tăng trưởng nội sinh qua tiêu dùng nội địa thì phải giảm được tỉ trọng thuế gián thu và tăng tỉ trọng thuế thu nhập cá nhân lên. Và để tăng được tỉ trọng thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu thuế, nền kinh tế phải đảm bảo được mức tăng trưởng bền vững đi cùng sự tăng trưởng của năng suất lao động và tiền lương, trong khi phải kiềm chế tốt lạm phát ở mức vừa phải. Và dĩ nhiên, thuế càng tăng thì càng phải đi cùng với những đòi hỏi cao hơn của người dân đối với trách nhiệm của chính quyền về những đồng thuế đóng góp của họ.

ủi ro nợ công là mức độ gánh nặng mà nhà nước và người nộp thuế phải chịu về cơ bản phụ thuộc vào tương quan giữa lãi suất đi vay và tăng trưởng GDP danh nghĩa. Nếu nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn mức lãi vay, tỉ trọng tương đối của nợ công (tỉ lệ trên GDP) giảm.

Ngược lại, GDP giảm thì tỉ trọng nợ trên GDP tăng. Nhưng để giảm gánh nặng nợ công, tốc độ công nghiệp hóa cần được cải thiện kịp thời để tạo thêm nhiều việc làm chất lượng cao hơn, giúp thu nhập và tiết kiệm tăng trưởng tốt hơn so với mức tăng thu thuế. Bởi lẽ, khi tốc độ tăng trưởng nợ công (trung bình 11% kể từ năm 2015) cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, nếu không được kiểm soát, rủi ro từ nợ công sẽ bùng phát.

Để giảm lệ thuộc vào nợ nước ngoài, cần phải nâng được tỉ trọng nợ nội địa trên GDP. Nhưng để nợ nội địa phát triển tốt thì tiên quyết phải đổi mới thành công mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng hơn, phát triển kinh tế bền vững, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và kiểm soát tốt lạm phát.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới