Phim Việt mở cuộc đua triệu USD về kinh phí
Hiện tại, kinh phí đầu tư cho một phim Việt đã lên mức 1,5-3 triệu USD, so với 1 triệu USD của năm 2015. Ảnh: Quý Hòa.
Trong năm 2022, điện ảnh Việt tiếp tục xuất hiện những bộ phim có kinh phí đầu tư kỷ lục. Nhưng kinh phí cao không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với chất lượng phim, càng không hề là bảo chứng cho thành công của phòng vé.
Tạm biệt mốc 20 tỉ đồng
Năm 2007, Dòng Máu Anh Hùng ra mắt. Dù thất bại về doanh thu (chỉ khoảng 10 tỉ đồng), bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn vẫn được xem là chuẩn mực về chất lượng của dòng phim hành động và mở ra một trang mới cho điện ảnh thương mại Việt Nam. Đây cũng là bộ phim có kinh phí đầu tư kỷ lục tại thời điểm đó, lên tới 1,2-1,5 triệu USD (khoảng 25-27 tỉ đồng). Một dấu mốc khác về kinh phí làm phim là Lửa Phật (Dustin Nguyễn) với 1 triệu USD (hơn 22 tỉ đồng) giai đoạn 2012-2013.
Nhìn chung, khoảng 8-10 năm sau Dòng Máu Anh Hùng, chi phí sản xuất trung bình của một phim Việt chiếu rạp dao động từ 9-15 tỉ đồng - ngưỡng có thể chấp nhận được để thu hút nhà đầu tư cũng như đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Và nếu phim thất bại về doanh thu phòng vé thì thiệt hại cũng không đáng kể. Một số phim hành động, cổ trang, giả tưởng hoặc cần đầu tư nhiều vào bối cảnh thì vượt mốc 15 tỉ đồng như Hương Ga (năm 2014) 18 tỉ đồng, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (năm 2015) 20 tỉ đồng, Em Là Bà Nội Của Anh (năm 2015) 23 tỉ đồng, hay Truy Sát (năm 2016) 20 tỉ đồng.
Từ năm 2016, một số nhà sản xuất phim chuyên nghiệp như HKFilm, Studio 68, Galaxy, BHD... đều có cùng nhận định, kinh phí dưới 20 tỉ đồng không đủ để tạo ra một phim điện ảnh chất lượng. Nhiều phim ở nhiều thể loại bắt đầu vượt mốc 20 tỉ đồng nhưng dừng lại dưới ngưỡng 25 tỉ đồng như Trạng Quỳnh, Song Lang, Hai Phượng, Bố Già...
Lật Mặt của nhà sản xuất Lý Hải là một ví dụ điển hình cho việc tăng chi phí đầu tư. Lật Mặt 1 (năm 2015) có kinh phí chỉ 10 tỉ đồng. Lật Mặt 2: Phim Trường (năm 2016) đã tăng lên mức 12 tỉ đồng. Lật Mặt 3: Ba Chàng Khuyết (năm 2018) và Lật Mặt 4: Nhà Có Khách (năm 2019) đã là 17 tỉ đồng. Nhưng Lật Mặt 5: 48H (năm 2021) đã nhảy vọt lên mức 43 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau 6 năm, kinh phí đầu tư đã tăng gấp 4 lần.
Đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến kinh phí đầu tư phim. Không chỉ có Lật Mặt 5, Trạng Tí của nhà sản xuất Studio 68 cũng bị đội lên mức 48 tỉ đồng sau 2 lần dời lịch chiếu vì dịch và phải chạy nhiều đợt quảng bá phim. Tương tự, Em Và Trịnh có kinh phí dự trù là 40 tỉ đồng nhưng 3 lần giãn cách xã hội vì dịch và 4 cơn bão, kéo dài 64 ngày quay đã khiến kinh phí phim đội lên 50 tỉ đồng, chưa tính chi phí truyền thông.
Nhiều dự án phim trong năm 2021 và 2022 có mức đầu tư khủng, vượt xa ngưỡng 25 tỉ đồng từng thiết lập trong giai đoạn 2015-2020 như Sám Hối, phim hợp tác Việt Nam - Ấn Độ là 50 tỉ đồng, Gái Già Lắm Chiêu V - Những Cuộc Đời Vương Giả 46 tỉ đồng, Kiều (đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền) 30 tỉ đồng, Kẻ Thứ Ba (nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ) 33 tỉ đồng và gần đây nhất là 578 - Phát Đạn Của Kẻ Điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) lên tới 60 tỉ đồng - một kỷ lục về kinh phí đầu tư của phim Việt từ trước đến nay. Một số phim trong giai đoạn ấp ủ dự án như Đất Rừng Phương Nam (HKFilm), Điệp Viên Phạm Xuân Ẩn (BHD)... có kinh phí đầu tư dự kiến không dưới 30 tỉ đồng.
Lạm phát giá cả và nhu cầu nâng cao chất lượng phim là 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng kinh phí đầu tư. Chia sẻ về tác động của lạm phát đối với quá trình sản xuất phim, nhà sản xuất Trinh Hoan của HKFilm cho biết: “Giá xăng tăng kéo theo chi phí nhiều công đoạn sản xuất tăng. Chẳng hạn, đoàn phim cần 10-15 chiếc xe để di chuyển khi đi quay, tiền xăng rất nhiều. Tiền ăn hằng ngày cho nhân viên đoàn phim cũng tăng vì với giá cũ thì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn sức khỏe”. Theo ông Hoan, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc tăng giá cả là khâu dựng bối cảnh. Trong 2 tháng vừa qua, chi phí vật liệu xây dựng tăng khoảng 30% đã đẩy tăng chi phí dựng cảnh, chưa kể chi phí vận chuyển các mặt hàng.
Kinh phí đầu tư tăng còn xuất phát từ mong muốn tạo ra những sản phẩm chất lượng của nhà làm phim. “Cùng với sự phát triển của điện ảnh thế giới và trong khu vực, khán giả Việt Nam ngày càng có những trải nghiệm điện ảnh đáng giá hơn, kỳ vọng của họ với phim Việt cũng ngày càng cao hơn về chất lượng hình ảnh, bối cảnh, phục trang, kỹ xảo...
Yếu tố thứ 2 nằm ở nội lực của điện ảnh Việt. Phim sau tốt hơn phim trước, từ đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất để có sản phẩm tốt nhất, chỉn chu nhất nhằm kéo khán giả đến rạp. Bởi lẽ, khi khán giả đã được xem những bộ phim Việt được đầu tư, chăm chút thì rất khó lòng thuyết phục họ xem những phim kém hơn, hình ảnh sơ sài hơn. Vậy nên, việc tăng chi phí đầu tư để nâng chất lượng phim là điều tất yếu”, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Tuấn chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Trinh Hoan cho biết: “Nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng sẵn sàng đồng hành với việc đầu tư dài hơi. Họ không nhìn sản phẩm cụ thể ngay trước mắt mà có cam kết lâu dài với ngành phim vì kinh phí ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm”.
Công thức thành công cho "bom tấn”
Hiện tại, kinh phí đầu tư cho một phim Việt đã lên mức 1,5-3 triệu USD, so với 1 triệu USD của năm 2015. Trong đó, các khâu ngốn nhiều tiền nhất trong quá trình làm phim là thể loại phim và thành phần đoàn phim. Có phim chi nhiều cho bối cảnh, phục trang, đặc biệt khi Việt Nam không có phim trường, toàn bộ bối cảnh đều phải dựng, rất tốn kém như Mắt Biếc, Em Và Trịnh, Gái Già Lắm Chiêu V; có phim đầu tư cho kỹ xảo, hiệu ứng đặc biệt như Trạng Tí, Em Và Trịnh; có phim đầu tư cho đại cảnh và các phân đoạn hành động như 578 - Phát Đạn Của Kẻ Điên; có phim chi phí lại nằm ở dàn diễn viên ngôi sao.
Đạo diễn Victor Vũ cho biết kinh phí làm phim đội lên còn nằm ở thời gian quay. Nhiều phim vì không còn kinh phí, buộc ê-kíp phải quay nhanh, quay gấp dẫn đến sự thiếu trước, hụt sau của bộ phim về chất lượng hình ảnh cũng như tâm lý của cả ê-kíp.
Theo nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Tuấn, xét ở góc độ kinh phí đầu tư, có thể tạm chia nhà đầu tư thành 3 phân khúc. Một là những nhà đầu tư chấp nhận kinh phí bị đội lên cao để có được một bộ phim chất lượng, vừa làm thương hiệu cho nhà đầu tư, vừa tạo dựng một dấu mốc mới trong làng phim như trường hợp của Galaxy với Em Và Trịnh hay Studio 68 khi thực hiện Trạng Tí. “Nhà làm phim đến một lúc nào đó muốn có những sản phẩm điện ảnh lớn định vị tên tuổi. Để có được các tác phẩm như thế, chi phí đầu tư không thể thấp”, ông Tuấn nói.
Phân khúc thứ 2 là những nhà đầu tư có thể rót vốn vì quan hệ bạn bè, sự tin tưởng hay mối quan hệ với đạo diễn như trường hợp của 578 - Phát Đạn Của Kẻ Điên. Phân khúc thứ 3 là những nhà đầu tư rót vốn với kỳ vọng có thể kiếm lời từ việc đầu tư phim ảnh. Tất nhiên, dù ở phân khúc nào, nhà đầu tư đều có chung mục tiêu phim thắng doanh thu phòng vé và dồn lực cho mục tiêu này nhưng thứ tự ưu tiên của mỗi nhà đầu tư là khác nhau.
Kinh phí đầu tư cao đồng nghĩa áp lực thu hồi vốn đè nặng lên vai nhà sản xuất. Hiện nay, tỉ lệ doanh thu ăn chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất là 55-45% doanh thu trong tuần thứ nhất, 60% cho tuần thứ 2 và 65% cho tuần thứ 3. Ngoài ra, nhà rạp còn lấy 10% phí phát hành. Nghĩa là một bộ phim có kinh phí 20 tỉ đồng, nếu thu về 100 tỉ đồng thì nhà rạp nhận được 60 tỉ đồng cho chi phí nhân công, thuế, phí, bảo trì...; 40 tỉ đồng còn lại thuộc về nhà sản xuất. Trừ đi 20 tỉ đồng kinh phí đầu tư, họ lời 20 tỉ đồng. Con số 20 tỉ đồng này sau khi trừ thuế và các chi phí phát sinh sẽ chia cho các nhà đầu tư, tùy mức độ đầu tư và thỏa thuận ban đầu.
Áp lực này càng lớn trong bối cảnh lạm phát, kinh phí đầu tư cao hơn trước khoảng 20-30%, tùy từng dự án, trong khi giá vé xem phim hầu như không đổi, dao động trung bình từ 90.000-130.000 đồng. Bên cạnh đó, tác động của COVID-19 khiến hệ thống rạp giảm tốc độ mở mới. Nếu như trước năm 2019, mức tăng trưởng trung bình của các cụm rạp khoảng 20-25%/năm thì sau dịch, nhiều cụm rạp buộc phải đóng cửa. Số cụm rạp chững lại, giá vé không tăng kéo theo doanh thu không tăng khiến nhà sản xuất khó lòng tăng ngân sách đầu tư, buộc phải thắt lưng buộc bụng trong nhiều khâu, từ kiểm soát chi phí thuê thiết bị cho đến các khâu hậu kỳ.
Đại diện HKFilm cho biết đơn vị này đang nỗ lực giữ bình ổn mức thuê trang thiết bị và chấp nhận kéo dài thời gian khấu hao. Nếu như thời gian khấu hao trước đây trung bình từ 3-5 năm thì hiện phải kéo dài hơn để chi phí không đội lên quá nhiều. Trên lý thuyết, giá thuê có thể tăng từ 30-40% thì nhờ nỗ lực này, chi phí thực tế tăng khoảng 20%.
Trước tình hình này, để cải thiện đời sống nhân viên, nhiều nhà sản xuất chọn giải pháp bù đắp cho nhân viên bằng cách làm ít giờ hơn để dồn kinh phí cho các hoạt động thường nhật của dự án từ vải vóc, may phục trang cho đến việc thuê, mướn bối cảnh. Về lâu dài, theo nhiều nhà sản xuất, chiến lược duy nhất của họ là nỗ lực tạo ra sản phẩm chất lượng để kéo khán giả đến rạp càng nhiều càng tốt.
Thực tế cho thấy, không phải cứ rót nhiều tiền là sẽ có phim hay, lợi nhuận tốt. Nhiều phim có kinh phí vừa phải lại mang về doanh thu đáng mơ ước. Em Chưa 18 đầu tư chỉ 12 tỉ đồng nhưng thu về tới 171 tỉ đồng; Hai Phượng đầu tư 23 tỉ đồng, thu về hơn 200 tỉ đồng hay Gái Già Lắm Chiêu 3 có kinh phí 20 tỉ đồng, thu về 165 tỉ đồng.
Nhưng cũng có không ít phim ngậm trái đắng khi đầu tư hàng chục tỉ đồng mà thu về chỉ vài tỉ đồng như Võ Sinh Đại Chiến, Người Cần Nhớ Phải Quên, Cậu Vàng, Kiều, Sám Hối, Kẻ Thứ Ba. Đáng nói nhất là 578 - Phát Đạn Của Kẻ Điên có kinh phí kỷ lục 60 tỉ đồng nhưng thu về vỏn vẹn 3 tỉ đồng.
Rõ ràng, tiền chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ để làm một phim hay. Việc nhà sản xuất quá chú ý vào vẻ bề ngoài của bộ phim, tập trung nhiều vào hình ảnh và kỹ thuật mà bỏ quên câu chuyện (kịch bản) và cảm xúc (tiết tấu) của bộ phim, diễn xuất của diễn viên, tay nghề của đạo diễn - điểm yếu nhiều năm nay của điện ảnh Việt - là nguyên nhân dẫn đến thất bại của một loạt phim có kinh phí khủng gần đây.
Đầu tư phim có thể nói là một canh bạc đầy rủi ro. Vậy đâu mới là công thức thành công cho một bom tấn Việt chiếu rạp? Theo nhận định của nhiều nhà làm phim, yếu tố đầu tiên thuộc về việc chọn đúng thời điểm thuận lợi tung phim ra rạp. Thứ 2, phim đạt chất lượng về nội dung, hình ảnh, âm thanh. Yếu tố thứ 3 thuộc về khâu truyền thông, quảng bá. Và cuối cùng là ê-kíp làm phim. Một ê-kíp tài năng, dàn diễn viên ngôi sao là điểm cộng không thể bỏ qua.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trần Chung
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Trần Chung