Hủy
Kinh Doanh

PVN sẽ làm giàn khoan cỡ như Hải Dương 981 vào cuối năm

Thứ Sáu | 04/07/2014 08:16

PVN có chủ trương làm những giàn khoan cỡ như Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou) tại cơ sở Vũng Tàu trong quý 4/2014.
 

Đây là thông tin ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội thảo "Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau" về chủ đề nâng cao tự chủ, tạo sức mạnh cho ngành cơ khí trong nước.

* Xin ông cho biết về những khó khăn, tồn tại của ngành cơ khí hiện nay?

- Bên cạnh những khó khăn như vốn đầu tư hạn chế và dàn trải, thiếu nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ, khó khăn rõ nhất của ngành cơ khí là không có thị trường khi hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc.

Có thể nói ngành công nghiệp cơ khí bị ảnh hưởng nặng nề nhất về việc các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu, khi đó các dự án công nghiệp không giành phần nào cho cơ khí trong nước. Họ đem toàn bộ vật tư, sắt thép, phụ tùng, phụ kiện và cả lao động phổ thông sang các công trình tại Việt Nam. Tỷ lệ nhập siêu lên tới 100%.

* Theo ông, nguyên nhân của sự việc này là do dâu ?

- Theo tôi, có 5 nguyên nhân. Thứ nhất là chúng ta có Luật Đấu thầu chưa chú trọng xuất xứ hàng hóa mà chú trọng xác định giá khi ra thầu. Hầu hết các nhà thầu Trung Quốc chào thầu với giá rất thấp. Vì thế, họ dễ dàng chiếm lĩnh các cuộc đấu thầu. Nhiều nhà thầu quốc tế khi thấy Trung Quốc đấu thầu thì không tham gia nữa, vì họ thấy tham gia cũng thất bại với giá của Trung Quốc.

Thứ hai là các chủ đầu tư chưa đủ năng lực. Khi có đầu tư dự án thì chỉ mong muốn tổng thầu EPC. Mà tổng thầu EPC thì Trung Quốc có rất nhiều cách để thắng thầu. Chủ đầu tư không quản lý được các dự án khi đã ký hợp đồng tổng thầu nên Trung Quốc thay đổi vật liệu, thay đổi phẩm cấp và đặc biệt kéo dài thời gian nhưng chúng ta không có các chế tài để xử lý.

Ba là chúng ta có rất nhiều chính sách đề ra nhưng khi đưa vào thực hiện các dự án này đều không nghiêm, buông lỏng. Ta có luật quản lý lao động trên các công trình, đặc biệt là lao động nước ngoài. Nhưng thực tế là chúng ta bỏ ngỏ, địa phương, chủ đầu tư, các sở ban ngành không ai chịu trách nhiệm chính trong quản lý lực lượng này. Nhà thầu Trung Quốc đưa sang toàn bộ, vật tư, thiết bị, phụ tùng, phụ kiện và lao động phổ thông vào làm hết, khiến ngành cơ khí mất đi đầu ra. Chính vì vậy, tôi coi đây là bước lùi trong 10 năm qua với ngành cơ khí.

Nguyên nhân thứ 4 rất quan trọng là chúng ta thiếu vốn, nên các chủ đầu tư thường để các nhà thầu Trung Quốc tự thu xếp vốn, để được nhận tổng thầu EPC. Trong khi đó, tổng thầu EPC được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp và đơn giản.

Cuối cùng là các dự án đầu tư và chính sách của chúng ta không liên kết với nhau để tạo đầu ra cho phát triển ngành cơ khí. Chính vì lẽ đó, nên đã thất bại.

* Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, việc lệ thuộc vào các tổng thầu Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến ngành cơ khí, thưa ông?

- Nhiều dự án đang sử dụng tiền vay của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng. Một số dự án đang làm dở dang thì chuyên gia họ có thể rút về. Ngoài ra, chúng ta lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu giá rẻ của họ như tôn, sắt thép, thiết bị giá rẻ… nên việc đầu tư và mua sắm của DN cũng bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, Hiệp hội DN cơ khí kiến nghị, phải yêu cầu các bộ, ngành có các dự án đầu tư của Trung Quốc phải kiểm tra lại toàn bộ thực trạng của các dự án ấy để có phương án đối phó. Hiệp hội DN cơ khí cũng đề nghị, huy động lực lượng các viện nghiên cứu cơ khí trong và ngoài nước để xem xét khả năng thay thế những thiết bị, chuyên gia đang sử dụng ở các công trình ấy. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế chỉ định thầu với các dự án quan trọng.

Ví dụ khi chỉ định thầu làm giàn khoan dầu khí Vũng Tàu, thì sau 30 tháng công ty PV Shipyard đã chế tạo giàn khoan trị giá 200 triệu USD, đưa vào khai thác an toàn. Sau đó, tiếp tục làm giàn khoan 125 m nước. Đồng thời, PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đang có chủ trương sẽ làm những giàn khoan cỡ như Hải dương 981.

Những điều này cho thấy, nếu như Chính phủ có chủ trương khai thác năng lực nội sinh thì lực lượng cơ khí trong nước hoàn toàn có thể tập hợp, khai thác mối quan hệ quốc tế để có thể làm được những công trình Trung Quốc bỏ dở, hoặc những công trình mới trong tương lai.

* Xin ông nói cụ thể hơn về việc PVN đang chủ trương giao PV Shipyard chế tạo giàn khoan?

- Trong cuộc họp giao ban ngày 20/6, với chủ đề hướng về biển Đông và cơ khí hợp tác phát triển, Tổng giám đốc của PV Shipyard cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện thành công giàn khoan 90m nước và khai thác hiệu quả. Chúng tôi đang làm giàn khoan 120 m nước và được thông báo là lãnh đạo của PVN có chủ trương làm những giàn khoan cỡ như Hải dương 981 tại cơ sở Vũng Tàu của chúng tôi trong quý 4/2014".

Đây là những thông tin tích cực, cho thấy chúng ta có thể tự chủ được một trong những vấn đề quan trọng là thiết bị công nghệ cho ngành dầu khí. Thực ra đó cũng là một chiến lược biển của chúng ta.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thời Báo Tài Chính Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới