Hủy
Kinh Doanh

Thời của nước dừa đóng hộp?

Ngọc Thủy Thứ Tư | 24/08/2016 08:00

Tiêu thụ nước dừa trên toàn cầu đã đạt 3,9 tỉ lít vào năm ngoái và sẽ tăng trưởng với tốc độ 25,4% cho đến năm 2019.
 

Vài năm trước, nếu bạn đang ở sân bay và bỗng nhiên thèm nước dừa, không còn cách nào khác hơn là…ráng nhịn. Bởi không có hàng quán hay xe đẩy dạo nào ở đó để phục vụ bạn. Bây giờ thì khác. Dù đi đâu xa, đến vùng hẻo lánh nào, dù xung quanh không ai trồng dừa và bán dừa, bạn vẫn có thể uống nước dừa.

Đó là vì Việt Nam đã biết học theo Brazil, Mỹ, Thái Lan… để bước chân vào ngành chế biến nước dừa. Nhờ vậy, nước dừa đã được đóng thành lon thành hộp, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm mua, không phải mang vác công kềnh hay chặt gọt khó khăn. Có thể kể tên 3 nhà tiên phong trong lĩnh vực này là Lương Quới, Delta và Betrimex (thuộc Thành Thành Công). Nếu như Lương Quới, Delta tham gia thị trường chế biến nước dừa từ khoảng 3 năm trước thì Betrimex mới chỉ dấn bước sang lĩnh vực này từ năm nay. Nhưng Betrimex lại hơn hẳn hai đơn vị cùng ngành về quy mô và mức độ đầu tư.

Ở giai đoạn 1, theo bà Châu Kim Yến, Tổng Giám đốc Betrimex, Công ty đã chi hơn 20 triệu USD đầu tư nhà máy chế biến nước dừa. Trong đó, riêng đầu tư công nghệ chiếm tới 40% tổng giá trị đầu tư. Phần còn lại, Betrimex đầu tư máy móc phụ trợ, đất đai nhà xưởng. Nhờ vậy, một khu vực chế biến nước dừa với tổng diện tích 7,5 ha ở Bến Tre đã được Betrimex khởi công xây dựng và hoàn thành vào cuối năm ngoái. Dù mới vận hành nhưng nhà máy đã đạt 35-40% tổng công suất thiết kế. Dự kiến, một năm sau, Betrimex sẽ nâng công suất nhà máy lên mức 80-90%.

Thoi cua nuoc dua dong hop?
Nước dừa đóng hộp Cocoxim của Betrimex đã được xuất đi nhiều nước. Ảnh: japantimes.co.jp

Điểm khác biệt là Betrimex không sản xuất nước dừa đóng lon như các công ty cùng ngành, mà chế biến nước dừa đóng hộp. Công nghệ tiệt trùng trực tiếp UHT và hệ thống đóng gói bao bì mua từ Tetra Pak (Thụy Điển) giúp nước dừa Cocoxim của Betrimex giữ được hương vị tự nhiên như dừa trái mà không cần dùng đến chất bảo quản. Ngoài ra, hạn sử dụng của nước dừa đóng hộp Cocoxim kéo dài đến 1 năm trong khi dừa trái chỉ 4-5 tuần.

Công nghệ của Tetra Pak cũng đã giúp Betrimex đủ điều kiện đạt các chứng nhận quốc tế như Organic USDA, Diestive, GMO, Free, Kosher, Halal. Bà Châu Kim Yến khẳng định, nước dừa Cocoxim giờ có thể xuất khẩu đến bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Không giống Delta chỉ sản xuất nước dừa như một sản phẩm cộng thêm và bán tập trung ở miền Bắc, Betrimex đặt mục tiêu 60% cho xuất khẩu đối với nước dừa Cocoxim, chỉ 35-40% dành tiêu thụ nội địa. Chính vì thế, trong khi ông Phí Trọng Hiếu, Giám đốc đại diện văn phòng TP.HCM của Delta, cho biết Delta chưa có ý định mở rộng thêm hoạt động trong mảng này thì phía Betrimex lại có những dự tính táo bạo nhằm khai thác tiềm năng của thị trường dừa thế giới.

Nhu cầu nước dừa thế giới được dự báo gia tăng qua các năm. Báo cáo của Statista đã chỉ ra, tiêu thụ nước dừa trên toàn cầu đã đạt 3,9 tỉ lít vào năm ngoái và sẽ tăng trưởng với tốc độ 25,4% cho đến năm 2019. Trong đó, Mỹ là quốc gia tiêu thụ nước dừa đóng hộp lớn nhất thế giới. Doanh số nước dừa ở Mỹ đã đạt tới 778 triệu USD vào năm 2015 và dự kiến sẽ còn tăng cao trong các năm tới, ước đạt gần 2 tỉ USD vào năm 2019. Ngoài ra, Pháp, Nhật và Canada cũng là những thị trường tiêu thụ nước dừa đáng kể, với doanh số ước đạt 500 triệu USD đến năm 2019.

Thoi cua nuoc dua dong hop?
 

Các thị trường đã xếp nước dừa vào danh mục thức uống bổ dưỡng, vượt trội hơn so với nước giải khát thông thường. Mỹ còn định giá nước dừa 5 USD/lít, cao gấp 2,7 lần so với nước uống thể thao. Vì thế, Betrimex đang tìm đường xuất khẩu nước dừa sang các thị trường này.

Cũng như Lương Quới và Delta, Betrimex không phải là gương mặt mới trong ngành dừa. 40 năm trước, công ty này đã tham gia sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa. Đến nay, sản phẩm dừa của Betrimex khá đa dạng như dừa khô, cơm dừa sấy khô, chỉ xơ dừa, than gáo dừa... Đa số sản phẩm dừa của Betrimex đều được xuất khẩu và đóng góp khoảng 48 triệu USD mỗi năm.

Với vị thế này, dù mới bắt tay vào chế biến nước dừa, Betrimex đã kịp đưa dừa Cocoxim đến phân phối tại một số siêu thị ở Nhật, Hàn Quốc, Singapore cũng như xuất khẩu sang Đức, Ba Lan, Phần Lan, Nga, Úc, New Zealand… Cách thức xuất khẩu của Betrimex bao gồm cả gia công lẫn kinh doanh thương hiệu riêng. Theo bà Châu Kim Yến, hiện tại kinh doanh thương hiệu nước dừa riêng ở nước ngoài chỉ chiếm 30% nhưng mục tiêu sắp tới sẽ là 50%.

Đối với thị trường trong nước, Betrimex đã có những tính liệu riêng. Dừa Cocoxim sẽ được bán lẻ ra thị trường với giá 13.000 đồng/hộp 330 ml. Điều này giúp gia tăng giá trị của nước dừa lên gấp nhiều lần khi loại nguyên liệu này trước đây chỉ bán cho các nơi làm thạch dừa và nước màu. Đây cũng là động lực để Betrimex tiến công sang mảng nước dừa.

Ngoài sản xuất, một công ty chuyên về bán hàng và marketing cho Betrimex đã được thành lập. Điểm đặc biệt của đơn vị này - Công ty BHS Trading - là kế thừa hệ thống phân phối từ Công ty Đường Biên Hòa. Vì thế, dù mới ra đời (tháng 4.2016), BHS đã thiết lập được cho mình mạng lưới 84 đối tác, hơn 30.000 điểm bán, trên 1.000 siêu thị/cửa hàng tiện lợi, 17 cửa hàng trưng bày với độ phủ ở 42 tỉnh thành. Mạng lưới phân phối ở BHS Trading hứa hẹn giúp Betrimex tiếp cận được khách hàng thuận lợi cũng như dọn đường cho Betrimex kinh doanh đa dạng sản phẩm. Trong tương lai, ngoài nước dừa và các sản phẩm đã có, Betrimex còn dự tính kinh doanh thêm sữa dừa, nước cốt dừa.

Những đầu tư này đòi hỏi tiềm lực tài chính vững mạnh và kinh nghiệm về phân phối. Lương Quới, Delta dù đi trước nhưng lại thận trọng với mảng nước dừa. Cho đến nay, nước dừa mới chỉ đóng góp khoảng 1/3 doanh thu cho Delta và cũng chưa phải là mảng chủ lực ở Lương Quới. Betrimex thì khác. Với việc đặt mục tiêu 70% doanh thu nội địa đến từ kênh truyền thống ở mảng nước dừa đóng hộp, Betrimex có lẽ đang nuôi tham vọng làm thay đổi thói quen sử dụng nước dừa của người Việt Nam.

Thách thức cho Betrimex và cả Lương Quới, Delta là người Việt Nam hiện chưa có thói quen sử dụng nước dừa như thức uống hằng ngày, dù công dụng của nước dừa đối với sức khỏe và làm đẹp đã được chứng minh. Thách thức khác là vùng nguyên liệu dừa chưa ổn định. Mặc dù Bến Tre là thủ phủ dừa, chiếm 44% diện tích dừa cả nước, chất lượng dừa lại hơn dừa thế giới, nhưng diện tích dừa lại phụ thuộc vào các hộ gia đình, với quy mô trung bình khoảng 2-3 ha/hộ. Điều này gây khó cho việc thu mua dừa. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp trở ngại nếu thương lái Trung Quốc tìm cách gom dừa, đẩy giá tăng cao.

Tuy nhiên, bà Châu Kim Yến cho rằng, nếu doanh nghiệp hỗ trợ nông dân trồng dừa, bao tiêu đầu ra và giá cả, tập huấn người trồng canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, rủi ro vùng nguyên liệu sẽ được giảm thiểu.

Ngọc Thủy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới