Hủy
Kinh Doanh

Thu ngân sách 2013 đã vượt dự toán phút chót

Thứ Ba | 31/12/2013 09:35

Tính đến 30/12, cả nước thu ngân sách vượt dự toán khoảng 0,33% nhờ ngành tài chính quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm tra chi hoàn thuế VAT.
 

Tại hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2013 và thực hiện kế hoạch năm 2014 của ngành tài chính diễn ra ngày 30-12 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá đây là kết quả đáng mừng trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn.

“Đứng báo cáo mà chân vẫn run”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tình hình thu ngân sách năm 2013 hết sức khó khăn. Đến hết tháng 9, dự toán hụt thu có thể lên đến 63.630 tỉ đồng, vì thế Bộ Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo tăng cường xử lý nợ đọng thuế, kiểm tra chi hoàn thuế giá trị gia tăng.

Kết quả là đến cuối tháng 12, ngành tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, trong đó có đóng góp của các khoản thu hơn 20.000 tỉ đồng cổ tức tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn, thu tiền sử dụng đất 42.500 tỉ đồng. Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết: “Đứng báo cáo mà chân vẫn run vì đến ngày 30-12, đã đạt mức thu 162.035 tỉ đồng, không ngờ đến phút cuối lại có thể vượt thu ngân sách 0,73% so với kế hoạch”.

Dự kiến thu ngân sách năm 2013 có thể vượt kế hoạch khoảng 1%. Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Hồng ThÚY
Dự kiến thu ngân sách năm 2013 có thể vượt kế hoạch khoảng 1%. Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Hồng ThÚY

Trước tình trạng cân đối thu - chi khó khăn, Bộ Tài chính chỉ đạo toàn ngành không để nợ lương và thiếu tiền chi an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá thu ngân sách đến ngày 30-12 đã vượt dự toán khoảng 0,33%; còn 2 ngày nữa, số thu có thể vượt khoảng 1% là kết quả đáng mừng trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn. Khoản tăng thu phải được dùng để giảm bội chi ngân sách xuống thấp hơn mức 5,3% mà Quốc hội phê duyệt, góp phần ổn định vĩ mô, giảm gánh nặng nợ công cho nền kinh tế.

Năm 2014, Bộ Tài chính dự toán thu 782.700 tỉ đồng. Trong đó thu nội địa 539.000 tỉ đồng, thu từ xuất nhập khẩu 154.000 tỉ đồng. Để thực hiện được dự toán thu chi ngân sách 2014, Bộ Tài chính đưa ra 7 nhóm giải pháp với 17 giải pháp cụ thể theo hướng ưu tiên tập trung cho các chương trình an sinh xã hội, triệt để tiết kiệm, tăng cường thanh - kiểm tra chống thất thu thuế, trong đó có hoạt động chuyển giá.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo sang năm 2014, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính phải tập trung thu ngân sách đạt kế hoạch; thu đúng, thu đủ theo pháp luật nhưng phải tìm mọi cách ngăn chặn trốn thuế, đặc biệt là qua hình thức tạm nhập tái xuất, hoàn thuế giá trị gia tăng, chuyển giá, thuế khoán.

Nghèo mà đi nước ngoài hoài!

Theo kế hoạch, năm 2014, Bộ Tài chính thực hiện chi thường xuyên chỉ bằng 70% kế hoạch thực hiện của năm 2013 để thực hiện tiết kiệm. Đồng ý với chủ trương này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chi ngân sách hiện nay còn lãng phí qua các hoạt động tiếp khách, hội nghị, xăng xe, điện thoại và đặc biệt là đi nước ngoài.

Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh hội nhập, đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm, xúc tiến thương mại mở thị trường là cần thiết nhưng mỗi năm cả nước có hơn 4.000 đoàn đi nước ngoài với khoảng 20.000 lượt người là quá lớn. “Có cần phải như vậy không? Nghèo mà đi nước ngoài hoài!” - Thủ tướng phê bình và chỉ đạo Bộ Tài chính có trách nhiệm nắm lại toàn bộ dự toán ngân sách cho hoạt động này trong năm 2014.

Ngoài thẩm quyền, Bộ Tài chính cần ban hành chính sách gì thuộc thẩm quyền Chính phủ hoặc cao hơn thì đề xuất để kiên quyết tiết kiệm chi, sao cho năm 2014 có chuyển biến về vấn đề này. Năm 2013 đã tiết kiệm chi được 22.700 tỉ đồng nhưng không có địa phương nào kêu do giảm chi mà không hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính thu hẹp đối tượng vay ưu đãi với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ngành thép, xi-măng vì đây là cơ chế bao cấp, không hiệu quả và còn làm méo mó thị trường do không tính đúng, tính đủ giá thành sản xuất.

Không bù lỗ giá điện

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng lộ trình giá thị trường phù hợp đối với các mặt hàng nhà nước còn quản lý giá như điện, xăng dầu, than, khí, giáo dục, y tế. Riêng giá điện năm nay có thể tính đúng, tính đủ, không phải bù lỗ.

Đối với các mặt hàng thuộc diện đăng ký giá, Thủ tướng nhấn mạnh 2 mặt hàng sữa và thuốc chữa bệnh, doanh nghiệp được quyết định theo cơ chế thị trường nhưng phải công khai minh bạch. Cơ quan quản lý không được buông lỏng, bảo đảm kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng không để có hiện tượng đầu cơ, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Nguồn Người Lao Động


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới