Tổng giám đốc HNX: Sau HNX 30 sẽ là bộ chỉ số ngành
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trao đổi với ĐTCK trong buổi giới thiệu chỉ số HNX 30 đến nhà đầu tư tại TP. HCM.
Theo kế hoạch, chỉ số HNX 30 được HNX chính thức đưa vào áp dụng từ 29/6. Theo đánh giá của ông, NĐT đón nhận chỉ số này như thế nào? Liệu có một xu hướng đầu tư vào cổ phiếu lớn nằm trong HNX 30 không, thưa ông?
Ở bất kỳ TTCK nào, khi đã có thị trường cơ sở tương đối mạnh, NĐT cũng quan tâm nhiều đến hệ thống chỉ số. Chỉ số được quan tâm nhất là chỉ số thanh khoản. Đặc biệt là NĐT nước ngoài rất quan tâm đến loại chỉ số này.
Theo tôi, một chỉ số khi được công bố sẽ tạo ra hiệu ứng nhất định, vì trên TTCK có nhiều NĐT thích đầu tư vào cổ phiếu nằm trong bộ chỉ số được chọn lọc. Tuy nhiên, chỉ số cũng chỉ là một công cụ tham khảo, chứ không phải là công cụ quyết định đầu tư. Khi chọn lọc cổ phiếu để xây dựng chỉ số về thanh khoản, cổ phiếu trong rổ chỉ số sẽ được NĐT chú ý hơn theo tiêu chí này. Từ sự quan tâm của NĐT, thanh khoản của cổ phiếu có khả năng tiếp tục được cải thiện, giao dịch có thể sẽ sôi động hơn.
Để một chỉ số được NĐT sử dụng rộng rãi, thị trường chấp nhận thì yếu tố cơ bản là phương pháp luận đảm bảo tính khoa học, công khai, minh bạch, được quản trị tốt. Trên TTCK Việt Nam, vai trò của chỉ số mới được thấy rõ ở các tổ chức đầu tư.
Với NĐT cá nhân hay các NĐT ở nước ngoài, vai trò của giới truyền thông là rất quan trọng để một chỉ số được quan tâm sử dụng. Chính vì thế, chúng tôi đã thành lập Hội đồng Chỉ số độc lập, tập hợp các chuyên gia trong và ngoài ngành, trong đo, có sự tham gia của người đứng đầu 1 tờ báo chuyên ngành - Tổng Biên tập Báo Đầu tư. Như nhiều người đã biết, truyền thông là một trong các yếu tố cấu thành nên thành công của chỉ số.
Việc giới hạn tỷ trọng (cap ratio) của một cổ phiếu trong bộ chỉ số HNX 30 là 15% có thích hợp không, thưa ông?
Nếu thị trường có quy mô của DN tương đối đều nhau thì có thể lựa chọn tỷ lệ giới hạn tỷ trọng mỗi cổ phiếu trong rổ tính chỉ số là 10%. Tuy nhiên, đặc thù sàn Hà Nội là quy mô DN không đồng đều, như ACB chiếm tỷ trọng tới 43%. Chọn giới hạn tỷ trọng 15% là đảm bảo sự ảnh hưởng của cổ phiếu lớn đến chỉ số, nhưng không để ảnh hưởng lớn quá mức.
Có ý kiến cho rằng, chất lượng hàng hóa ở sàn Hà Nội còn kém. Ông có bình luận gì và điều đó có ảnh hưởng đến việc xây dựng bộ chỉ số HNX 30?
Nói chất lượng hàng hóa, người ta thường hiểu đó là khả năng sinh lời của DN. Hơn 50 trong tổng số 394 DN ở sàn Hà Nội đang bị lỗ. Tổng mức lãi của DN cũng giảm hơn so với năm trước, đang phản ánh thực trạng khó khăn của nền kinh tế. Sàn Hà Nội có số lượng DN nhiều, nhưng DN nhỏ chiếm tỷ trọng lớn.
Trong công tác quản lý, chúng tôi nhận thức rằng, DN nhỏ nếu có vấn đề gì thì xảy ra thiệt hại không lớn với cả thị trường, nhưng với từng NĐT thì thiệt hại là rất lớn, nhất là với NĐT cá nhân nhỏ lẻ. Vì thế, chúng tôi chủ trương là, DN nhỏ càng phải quản lý nghiêm. Quản lý DN nhỏ có khi vất vả hơn DN lớn, vì thường DN lớn thì bản thân họ đã quản trị khá tốt rồi.
Đối với chỉ số HNX 30, trong quá trình xây dựng cũng phải cân nhắc rất nhiều, vì có DN lớn về giá trị vốn hóa, nhưng thanh khoản của cổ phiếu lại thấp. Có DN tỷ lệ thanh khoản trên giá trị vốn hóa cao, nhưng giá trị vốn hóa lại thấp.
Sau HNX 30, sàn Hà Nội sẽ có những chỉ số nào, thưa ông?
HNX 30 là chỉ số về thanh khoản, sau chỉ số này, chúng tôi đang cố gắng có thêm bộ chỉ số theo ngành và chỉ số theo giá trị vốn hóa thị trường. Thực ra, các công việc nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số được tiến hành song song, nhưng để công bố ra thị trường các chỉ số mới, chúng tôi cần thời gian để thử nghiệm và hoàn chỉnh.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư