Hủy
Kinh Doanh

Xu hướng tái cấu trúc công ty tài chính

Chủ Nhật | 15/06/2014 14:54

Việc tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản bán công ty tài chính cho VPBank cho thấy đã đến lúc công ty tài chính phải trở về đúng với hoạt động của nó.
 

Đã hai năm liên tục đa phần công ty tài chính thua lỗ lớn. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thời gian tới sẽ tái cấu trúc sáu công ty tài chính yếu kém. Thực tế trong gần một năm qua đã có một công ty tài chính bị sáp nhập và một bị mua lại.

Yếu kém toàn diện

Theo NHNN thì hiện nay Việt Nam có 16 công ty tài chính. Trước đó, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) mới sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây trở thành PVcomBank. Điểm đáng lưu ý là trong số 17 công ty tài chính từng tồn tại có tới 12 công ty thuộc các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước. Số còn lại, ngoại trừ Việt - Sociéte Générale đã đổi thành Công ty Tài chính HDFinace 100% vốn trong nước, đều là những công ty có yếu tố ngoại như Prudential (Anh), PPF (Hà Lan), Toyota Việt Nam (Nhật), Tài chính quốc tế Việt Nam JACCS (Nhật), Mirae Asset (Hàn Quốc).

Theo quy định hiện hành, công ty tài chính là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng, hoạt động tương tự như ngân hàng thương mại ngoại trừ việc huy động tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

Tại các công ty tài chính thuộc các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, nguồn vốn huy động chủ yếu mang tính nội bộ, từ các doanh nghiệp trong tập đoàn và đi vay từ các tổ chức tín dụng. Khách hàng vay tiền của công ty tài chính cũng chủ yếu là các doanh nghiệp trong tập đoàn và doanh nghiệp có “họ hàng” với tập đoàn hoặc “anh em” với lãnh đạo.

Dù hoạt động như một ngân hàng, tức có tính rủi ro cao nhưng công ty tài chính lại ít khi công khai số liệu tài chính và ít chịu giám sát của cơ quan nhà nước. Chính cơ chế này làm cho công ty tài chính cho vay rất rủi ro, thậm chí trở thành “sân sau” cho những nhóm lợi ích.

Trong các công ty tài chính nổi bật nhất là PVFC, một công ty con của tập đoàn Dầu khí Việt Nam. PVFC có tổng tài sản lên đến hơn 80.000 tỉ đồng, bằng tổng tài sản của tất cả công ty tài chính và cho thuê tài chính còn lại.

Thời “hoàng kim” của PVFC, giá cổ phiếu công ty này lên đến hơn 40.000 đồng/cổ phiếu và được giới đầu tư săn đón. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của PVFC rất tệ với ROE hàng năm chỉ quanh mức 5-8%. Trước khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây, nợ xấu của PVFC theo báo cáo chính thức là 1.925 tỉ đồng, tương đương 4,5% tổng dư nợ. Số nợ xấu này chưa tính đến khoản nợ 2.800 của Vinashin (cũ) và Vinalines.

Tất yếu nhưng không dễ thực hiện

Theo thông tin từ NHNN thì sẽ có sáu công ty tài chính buộc phải tái cấu trúc và tất cả đều là các công ty trong nước. Hình thức tái cấu trúc có thể là sáp nhập vào ngân hàng hoặc bán lại cho một tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh hơn. Cho đến nay mới chỉ có Ngân hàng SHB tiết lộ là sẽ sáp nhập với một công ty tài chính nhưng vẫn chưa biết cụ thể là công ty nào.

Theo một số chuyên gia thì mô hình công ty tài chính trong các tập đoàn ở Việt Nam không thành công, tái cấu trúc là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, theo quyết định của Thủ tướng thì các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ buộc phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có việc phải thoái vốn khỏi những công ty tài chính.

Tuy vậy, việc tái cấu trúc, sáp nhập như thế nào lại là bài toán nan giải. PVFC dù không thua lỗ nhưng trước khi sáp nhập giá cổ phiếu cũng chỉ được thị trường giao dịch ở mức 4.000 đồng/cổ phiếu. Các công ty còn lại đa phần thua lỗ lớn, có thể âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu lên đến 30%, thậm chí 50%. Sáp nhập hay mua lại những công ty này rất rủi ro. Trong khi đó, những “tài sản” vô hình mà nhà đầu tư thường cân nhắc như cơ sở khách hàng, số chi nhánh, đất đai thì phần lớn công ty tài chính lại không có.

Một khó khăn mà ít người nghĩ tới đó là bản thân “ông chủ” của các công ty tài chính yếu kém cũng không muốn phơi bày chuyện “bếp núc” của mình. Một khi nợ xấu, thua lỗ yếu kém được công khai đồng nghĩa với không ít người sẽ bị mất chức, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Do đó, việc tái cấu trúc, sáp nhập có thể bị trì hoãn.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới