Hủy

Phát triển kinh tế tuần hoàn bằng công trình xanh

Cẩm Tú Thứ Bảy | 17/12/2022 08:00

Thực tế hiện nay Việt Nam không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ các cơ quan Nhà nước. Ảnh: T.L.

Xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam đang cần các chính sách khuyến khích phát triển.
 

Báo cáo của Bộ Xây dựng gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.

Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến thời điểm này, cả nước có 250 công trình xây dựng, bất động sản đã được đăng ký và chứng nhận công trình xanh (Lotus) theo Bộ quy chuẩn quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả. Con số này quá khiêm tốn so với tổng số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường của Việt Nam. 

cả nước có 250 công trình xây dựng, BĐS đã được đăng ký và chứng nhận công trình xanh
Cả nước hiện có 250 công trình xây dựng đã được đăng ký và chứng nhận công trình xanh. Ảnh: Worldkids 

Ngoài ra, hiện Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Đó là thách thức lớn khi cái đích năm 2050 chỉ còn hơn 27 năm. Thực trạng này thúc đẩy Bộ Xây dựng đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải và phát triển công trình xanh trong các lĩnh vực của ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giảm tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng…

Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam, dân số đô thị của Việt Nam hiện nay là 55% và dự kiến đạt 68% vào năm 2050. Các đô thị hiện cũng đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính do tiêu thụ nhiều năng lượng và tạo ra lượng lớn rác thải. Do đó, giảm tiêu thụ năng lượng ở các đô thị sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện các cam kết quốc tế, chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

 các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư
Các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư

Thực tế hiện nay Việt Nam không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ các cơ quan Nhà nước. Những định hướng vẫn chỉ là những chỉ dẫn chung, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng cho công trình xanh về tiêu chí xác định, cũng như các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển công trình xanh, mặc dù nội dung phát triển công trình xanh đã được đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi, tháng 6/2020).

Do đó, xây dựng khung pháp lý cho dự án công trình xanh ở Việt Nam là vấn đề cấp thiết nhằm nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện, chính xác những thành quả cũng như những hạn chế trong các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về công trình xanh. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư xây dựng công trình xanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triền kinh tế tuần hoàn nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

"Hiện nay, với tình hình thực tiễn của Việt Nam chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư các công trình xây dựng, bất động sản làm Lotus theo Bộ quy chuẩn quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả ở mức đạt. Mức này không quá khó, chi phí phát sinh chỉ chiếm 1% tổng mức đầu tư. Với các doanh nghiệp khu vực đầu tư vốn tư nhân, tất cả các bộ công cụ khác vẫn có thể được áp dụng, được khuyến khích và tạo điều kiện", PGS.TS KTS. Phạm Thúy Loan – Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia nhận định.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết, mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược triển khai thực hiện kịp thời mục tiêu này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. 

Việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải, tăng hấp thụ khí nhà kính. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quá trình chuyển đổi là công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau, bảo đảm sinh kế và khả năng tiếp cận năng lượng với giá phải chẳng cho người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Ngoài ra, các cấp, ngành còn phải xây dựng kế hoạch hỗ trợ những nhà máy sử dụng công nghệ cũ chuyển đổi sang công nghệ “xanh” một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất; hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu được sản xuất bằng nguồn năng lượng “cũ” để tránh việc chịu thuế cai tại các thị trường yêu cầu “sản xuất xanh” như châu Âu, Bắc Mỹ... 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới