Hủy
Phong Cách Sống

Câu chuyện biến lưới rác thành "lưới tiền" ở Philippines

Thứ Sáu | 02/08/2013 09:24

Ở một làng chài Philippines, cứ 1kg lưới đánh cá thải loại thì đổi được tiền mua nửa cân gạo đủ cho bữa cơm 5 người ăn.
 

Nằm giữa đại dương bao la, Philippine hẳn nhiên có nhiều bờ biển tuyệt đẹp, song cũng chính vì vậy mà hoạt động đánh bắt gần bờ được xem như một hành vi phá hoại môi trường và vẻ đẹp cảnh quan.

Tuy nhiên, kế hoạch hợp tác giữa một công ty chuyên sản xuất thảm trải sàn Hoa Kỳ với một làng chài ở Philippines đã cho những tấm lưới con thuyền một cơ hội mới để tiếp tục tồn tại. Dọc theo bờ biển Danajon - một trong sáu khu vực biển trên thế giới có rặng san hô kép và hiện đối mặt với mối đe dọa ô nhiễm, người ta đang tiến hành thu gom những tấm lưới thải loại để phục vụ cho mục đích sử dụng khác.

Sáng kiến này được thực hiện nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời giúp công ty Interface (đặt tại Georgia, Hoa Kỳ), công ty sản xuất thảm sàn lớn nhất thế giới, hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu dầu.

Cận cảnh đánh bắt “lưới”.
Cận cảnh đánh bắt “lưới”.

Những người dân chài Philippines đang thu gom những tấm lưới cũ trôi nổi trên mặt biển.
Những người dân chài Philippines đang thu gom những tấm lưới cũ trôi nổi trên mặt biển.

Là một phần của dự án Net-Works, Interface bắt tay với những người dân làng chài ở Philippine, khuyến khích họ thu gom, làm sạch và phân loại những tấm lưới cũ. Sau khi được thu gom, những tấm lưới sẽ được chuyển về trụ sở công ty Aquafil ở Italia - đây chính là nhà cung cấp toàn cầu nguồn nguyên liệu sợi tổng hợp.

Những tấm lưới, sau đó, sẽ được xử lý và kéo thành sợi, từ đó đem dệt nên những tấm thảm sàn đầy màu sắc, gợi nhắc hình ảnh biển khơi.

Đây là một sáng kiến đầy tham vọng và mang tính xã hội cao của hãng Interface, mặc dù Interface không phải là công ty duy nhất trên thế giới tiến hành tái chế các vật liệu thải loại nhằm mục đích phục vụ sản xuất – một chính sách thân thiện với môi trường, làm lợi cho xã hội và gia tăng lợi nhuận kinh doanh.

Ngày nay, việc các công ty, tập đoàn lớn quan tâm tới kinh doanh và phát triển bền vững, cũng như đưa ra các sáng kiến xanh bảo vệ môi trường không còn là điều hiếm hoi. Có rất ít công ty phản đối những ý tưởng “xanh”, dù cho mức độ ủng hộ của từng cá nhân - đơn vị lại có nhiều khác biệt. Interface là một ví dụ điển hình xét về trọng tâm hướng đến sự bền vững trong sản xuất và kinh doanh. Hãng cũng luôn nằm trong danh sách những công ty có hướng đi bền vững nhất trên thế giới.

Năm 2012, 49% tổng lượng nguyên liệu thô mà Interface sử dụng đã được tái chế làm nhiên liệu sinh học, và công ty hiện cũng đang tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng dầu trong sản xuất thảm cho đến năm 2020.

Miriam Turner, trợ lý phó giám đốc công ty Interface cho biết hiện hãng cũng chưa rõ chương trình Net-Works sẽ đem lại hiệu quả cụ thể ra sao, song việc sử dụng sợi nylon tái chế cho phép công ty bớt phụ thuộc vào dầu mỏ và nhờ đó tránh khỏi những tác động do biến động giá.

Ảnh 3: Cân thành phẩm. Dân làng phân loại và cân các bao lưới lớn trước khi giao chúng đi.
Cân thành phẩm. Dân làng phân loại và cân các bao lưới lớn trước khi giao chúng đi.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tìm cách giảm thiểu lượng khí thải nhà kính của mình.

Nhờ làm việc với nhóm các nhà khoa học đến từ Mỹ và Pháp, công ty 3M Co đến từ Hoa Kỳ, chuyên sản xuất các sản phẩm như băng dính và băng vết thương, đã tìm ra cách ứng dụng sợi cây thùa, sản phẩm phụ trong quy trình sản xuất rượu Tequilla và là một dạng vật liệu mới không bắt cháy - vào quy trình sản xuất miếng chùi rửa Greener Clean của hãng.

Còn công ty sản xuất giày của Mỹ Timberland đã tạo ra những đôi giày dòng Earthkeepers cực kỳ đắt khách của mình, với phần đế làm từ lốp xe cũ.

Ảnh 4: Sản phẩm cuối cùng. Những tấm thảm trải sàn dệt từ lưới đánh cá thải loại, một sản phẩm thân thiện với môi trường.
Sản phẩm cuối cùng. Những tấm thảm trải sàn dệt từ lưới đánh cá thải loại, một sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tận dụng, Tái chế, Sinh lời?

Net-Works đã thí điểm dự án của mình tại 6 ngôi làng khác nhau ở Philippine, và hiện tại, quy mô chương trình được nhân rộng trên 26 làng, đem đến triển vọng mới về một dự án tầm cỡ quốc tế.

Theo Turner, một khi chương trình này chứng minh được tính khả thi cho cả phía Interface lẫn những người dân thuyền chài, nó sẽ được ứng dụng trọng điểm và lâu dài.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc ước tính hàng năm, có khoảng 640.000 tấn dụng cụ đánh bắt thủy hải sản bị thải loại. Và tính tới thời điểm này, dự án Net-Works đã tiến hành thu gom được 9 tấn lưới đánh cá.

Những cư dân sống dọc bờ biển Danajon hiện đang sống ngang bằng và dưới mức nghèo khổ, với thu nhập trung bình hàng tháng ít hơn 195 đôla. Vì thế, dự án Net-Works đã đem đến cho những người tham gia một nguồn thu nhập mới. Hàng tháng, dân làng thu gom được khoảng 200 kg lưới, và được trả công bằng tiền peso.

Tuy nhiên, để loại trừ sự biến động trong lượng peso chi trả cho dân làng do biến động tỷ giá hối đoái, công ty đã chốt giá trị của mỗi kg lưới tương ứng với số tiền peso đủ để mua nửa cân gạo (tức là đủ một bữa cơm cho một gia đình năm người).

Net-Works cũng thiết lập các hệ thống ngân hàng cộng đồng, giúp người dân địa phương tiếp cận với bảo hiểm vi mô, các chương trình tiết kiệm và cho vay. Miriam Turner khẳng định: “Chương trình của chúng tôi không chỉ mang đầy tính nhân văn và bảo vệ môi trường, mà còn đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.”

Trong những tháng tới, số lưới thu gom sẽ được tiến hành xử lý và sử dụng để làm nguyên liệu dệt thảm. Thành phẩm từ nguồn nguyên liệu đặc biệt này sẽ được đưa vào trong bộ sưu tập Net Effect của Interface và được chào bán trên các thị trường châu Âu, châu Á và Australia từ tháng 9.

Nguồn BBC/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới