Hủy
Tài Chính

ACB: Top đầu chất lượng tài sản

Vũ Hoài Thứ Năm | 06/05/2021 14:00

ACB vẫn duy trì trong Top 3 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất và tỉ lệ bao nợ xấu cao nhất vào cuối năm 2020.
 

Là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong ngành, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) được giới phân tích đánh giá rất tích cực. Trong quý đầu tiên của năm 2021, ACB thu về hơn 4.639 tỉ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 625,2 tỉ đồng, tăng 68,6%. Trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu dịch vụ. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đã đem về cho ACB gần 113,5 tỉ đồng trong quý I/2021, gấp gần 7,8 lần cùng kỳ năm trước. 

Ảnh: vnr500.com.vn
Ảnh: vnr500.com.vn

Về hoạt động cho vay, tại thời điểm cuối quý I/2021, tổng dư nợ cho vay của ACB đạt hơn 321.468 tỉ đồng (không bao gồm khoản cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty Chứng khoán ACBS hơn 2.842 tỉ đồng), tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ nợ xấu cuối kỳ của ACB là 0,91%, tương ứng với tổng giá trị nợ nhóm 3, 4, 5 là 2.954 tỉ đồng, tăng 60,5% so với đầu năm. Trên thực tế, ACB là một trong số ít các ngân hàng duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới 1%. 

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, chính sách cho vay chặt chẽ và dự phòng cao đã giúp ACB duy trì chất lượng tài sản. Cuối năm 2020, tỉ lệ nợ xấu của ACB ở mức 0,6%, cùng với Techcombank là 2 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất toàn ngành. Theo VNDirect, tỉ lệ nợ xấu được giữ ở mức dưới 1% và dự phòng bao nợ xấu dồi dào duy trì trên 125% trong 5 năm qua đã giúp ACB kiểm soát được chất lượng tài sản và đảm bảo lợi nhuận ngân hàng khi có sự kiện bất ngờ, chẳng hạn như COVID-19 xuất hiện. Từ đó, lợi nhuận ròng năm 2020 của ACB đã tăng 27,8% so với cùng kỳ, là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong năm 2020. 

Thế mạnh chính của ACB là cho vay cá nhân có tài sản bảo đảm và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tập trung vào chủ doanh nghiệp, các mảng này chiếm tỉ trọng lần lượt là 61,3% và 31,3% tổng dư nợ cho vay cuối năm 2020. “Chúng tôi vẫn thích ACB cho mục tiêu đầu tư dài hạn. ACB có chất lượng tài sản vững chắc và nguồn vốn dồi dào, cho phép Ngân hàng duy trì mức tăng trưởng cao bền vững và lợi nhuận tốt”, VNDirect nhận xét. 

Bên cạnh chất lượng tài sản, ACB còn vượt trội với mức sinh lời lớn. So sánh với các ngân hàng nội địa khác, ACB có tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhờ hoạt động theo mô hình ngân hàng bán lẻ tập trung với tập khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME lớn. Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mục tiêu duy trì mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) dài hạn ở mức trung bình 20% là hoàn toàn khả thi, đây là điểm hấp dẫn lớn nhất để đầu tư vào ACB. 

KBSV kỳ vọng ACB sẽ duy trì được mức biên lãi ròng (NIM) tốt nhờ tiếp tục tăng tỉ trọng cho vay bán lẻ với biên sinh lời cao và chiến lược thúc đẩy tỉ lệ CASA của Ngân hàng. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác 15 năm phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassurance) với đối tác Sun Life sẽ giúp thúc đẩy kênh thu nhập từ bảo hiểm. Hơn nữa, khoản phí độc quyền của bancassurance nói trên trị giá khoảng 370 triệu USD sẽ được ghi nhận trong vòng 15 năm từ năm 2021-2035. 

Ngoài ra, KBSV cho rằng sau khi thỏa mãn điều kiện niêm yết trên sàn HOSE trên 6 tháng, cổ phiếu ACB được kỳ vọng sẽ được thêm vào các rổ chỉ số như VN30, VN Diamond (VND), VN Leading Financial (VNFL) và VN Financial Select Sector (VNFS) vào các kỳ đánh giá lại thành phần giữa năm. KBSV kỳ vọng điều này sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự vận động giá của cổ phiếu.

 

Theo chia sẻ của ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, năm 2021, mặc dù đại dịch còn là trở lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng Chính phủ và một số tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước vẫn lạc quan dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng từ 6-6,5%. Năm 2021 được hình dung là “phục hồi trong thay đổi”. 

Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nêu rõ định hướng là tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%, tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Định hướng này cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội cung cấp tín dụng đáng kể cho khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình để hỗ trợ kinh doanh và gia tăng tiêu dùng. 

 

“ACB tiếp tục thực hiện chiến lược hoạt động giai đoạn 2019-2024 với tầm nhìn là ngân hàng bán lẻ hàng đầu, có tăng trưởng tổng thu nhập ở mức cao và có ROE từ 20%/năm trở lên. Đồng thời, năm 2021, Ngân hàng tập trung cho các phân đoạn mục tiêu ở khách hàng cá nhân, doanh nghiệp SME, đồng thời phát triển có chọn lọc khách hàng doanh nghiệp lớn”, ông Trần Hùng Huy chia sẻ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới