Hủy
Tài Chính

FPT Retail: Long Châu là điểm sáng nhưng vẫn còn chặng đường dài phía trước

Sơn Trần Thứ Sáu | 19/07/2019 17:38

Ảnh: Long Châu.

Kết quả kinh doanh quý II/2019 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail; HoSE: FRT) có sự hồi phục đáng kể từ quý I khó khăn.
 

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra một số nhận định về kết quả kinh doanh của FPT Retail trong nửa đầu 2019 và triển vọng trong phần còn lại của năm.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT Retail trong quý II tăng lần lượt 11% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn theo từng tháng, có thể thấy sự hồi phục chủ yếu đến vào tháng 4 khi công ty bắt đầu được Apple hỗ trợ bằng các chương trình khuyến mãi, trong khi tăng trưởng tháng 5 và 6 không thực sự ấn tượng.

Ngành hàng ICT hồi phục ngắn hạn, triển vọng vẫn chưa khởi sắc

Từ khi Apple bắt đầu hỗ trợ các nhà bán lẻ để hạ giá bán những mẫu iPhone đời cũ, doanh thu mặt hàng này trong quý II tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, với biên lãi gộp đạt hơn 10%, so với chỉ 8% trong quý I/2019 và khoảng 11% trong năm 2018. Các sản phẩm Apple đóng góp tới 37% doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2019 và có vai trò quan trọng dẫn dắt tăng trưởng cũa công ty. Tuy vậy tác động tích cực từ Apple chủ yếu chỉ trong tháng 4 và chỉ đối với các mẫu iPhone đời cũ, trong khi FRT vẫn gặp khó khăn khi bán các mẫu iPhone ra mắt cuối năm 2018, vốn được đánh giá là các sản phẩm không thành công của Apple. Quý II và quý III các năm thường là mùa thấp điểm của iPhone, trong khi cuối tháng 9 là thời gian các sản phẩm xách tay bắt đầu “đổ bộ” về Việt Nam. Trong trường hợp iPhone 2019 ra mắt thành công, hàng chính hãng sẽ chỉ mở bán tại Việt Nam từ tháng 12 trở đi. Do đó, VDSC không cho rằng iPhone sẽ là điểm tựa cho FRT trong nửa sau năm 2019.

FPT Retail: Long Chau la diem sang nhung van con chang duong dai phia truoc
Ảnh: VDSC.

Ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ không quá tập trung đẩy mạnh bán các sản phẩm hiện có, mà thay vào đó là tập trung bán thêm các sản phẩm mới, như các dòng điện thoại của Xiaomi hay Honor. Quan sát của VDSC cũng cho thấy FRT tích cực đưa về nhiều mẫu điện thoại thuộc phân khúc ngách hơn so với đối thủ MWG. Việc DGW – công ty phân phối điện thoại Xiaomi và Nokia đạt tăng trưởng 29% ở mảng điện thoại trong 6 tháng, cho thấy dư địa ở thị trường ngách là vẫn còn dồi dào.

Đáng chú ý, doanh thu mảng phụ kiện tăng trưởng 58% trong quý II/2019 sau khi đã giải quyết lượng hàng cũ có giá vốn cao trong quý I/2019. Doanh thu phụ kiện 6 tháng đạt 374 tỷ đồng, chỉ đóng góp 5% tổng doanh thu nhưng đây là mặt hàng có biên lợi nhuận cao, đạt 48% so với trung bình 10-15% của điện thoại. Theo VDSC, tăng trưởng vượt bậc của phụ kiện là yếu tố giúp lợi nhuận FRT tăng trưởng tốt trong tháng 6. Hiện tỷ lệ khai thác phụ kiện/điện thoại bán ra đã đạt 100% và mục tiêu tiếp theo sẽ là chuyển đổi traffic tăng lên tại cửa hàng từ các dịch vụ bán sim số, thẻ cào và thanh toán hóa đơn sang doanh thu bán phụ kiện. Khác với điện thoại, phụ kiện có giá trị và vòng đời ngắn hơn nhiều, dẫn đến nhu cầu thay đổi là luôn có. Đây là mảng có triển vọng đối với FRT, tuy nhiên rủi ro lỗi thời của 1 số loại phụ kiện thiết kế riêng cho từng dòng điện thoại sẽ là vấn đề cần lưu ý, VDSC nhận định.

Một chiến lược khác của FRT là kích cầu bằng các chương trình trả góp và trợ giá với lãi suất 0%: F.Friends và Subsidy. Tổng kết 6 tháng, doanh thu đóng góp từ 2 chương trình này đạt 685 tỷ đồng, tăng trưởng chỉ 2,5% và đóng góp 8,6% tổng doanh thu. Nguyên nhân tới từ chương trình Subsidy khi các trở ngại trong quá trình đàm phán với 2 nhà mạng Vietnamobile và Mobifone khiến các gói trợ giá không đủ hấp dẫn để đưa ra thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm, công ty chỉ mở mới 25 cửa hàng FPT Shop (so với 100 cửa hàng mới theo kế hoạch), với tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu đạt 1%.

Chuỗi thuốc Long Châu là điểm sáng, tuy nhiên vẫn còn 1 chặng đường dài phía trước

Doanh thu 6 tháng đạt 180 tỷ, lỗ ròng 12 tỷ. Tuy vẫn chưa hòa vốn, chuỗi này đang bắt đầu được đẩy nhanh tiến trình mở rộng. Công ty đang tiến tới điểm hòa vốn bằng cả 2 hướng: (1) mở rộng để tận dụng lợi thế theo quy mô và (2) tối ưu chi phí và danh mục hàng bán. Đã có 12 hiệu thuốc Long Châu được mở trong Q2, so với 6 trong Q1. Như vậy đã có tổng cộng 36 hiệu thuốc Long Châu tại TP HCM và 4 tại các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Long An. Công ty đang theo khá sát mục tiêu đạt 70 hiệu thuốc trong năm nay. Sơ bộ, các cửa hàng ở tỉnh đạt doanh thu 2,5 – 2,7 tỷ/tháng khi đã ổn định, khá cao so với con số trung bình 1,6 tỷ/cửa hàng/tháng của cả hệ thống.

Hiện biên lãi gộp của Long Châu đạt 16-17%, FRT đặt mục tiêu tăng con số này lên 20% để bắt đầu tạo ra lợi nhuận. VDSC cho rằng tăng bán thực phẩm chức năng sẽ là yếu tố quyết định, khi mặt hàng này đóng góp chỉ 30% doanh thu nhưng tới 50% lợi nhuận gộp năm 2018.

Tối ưu chi phí cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Long Châu khi mở rộng. Chi phí cho trung tâm phân phối và vận chuyển hàng đang chiếm 3%/tổng doanh thu Long Châu, công ty đặt mục tiêu giới hạn tổng chi phí ngoài cửa hàng, bao gồm cấp độ công ty và trung tâm phân phối đạt 3%. So sánh với Phano, 1 chuỗi bán lẻ dược phẩm có quy mô lớn hơn (80 cửa hàng) có chi phí quản lý chiếm 4% doanh thu thì mục tiêu của Long Châu sẽ là khá thách thức. Dù vậy, doanh thu trung bình vượt trội của Long Châu so với Phano và 1 số chuỗi thuốc lớn khác (theo số liệu khảo sát năm 2018) là cơ sở để tin rằng mục tiêu của FRT là khả thi, VDSC nhận định.

FPT Retail: Long Chau la diem sang nhung van con chang duong dai phia truoc

FPT Retail: Long Chau la diem sang nhung van con chang duong dai phia truoc


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới