Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong đầu tư

Ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Chiến lược Thứ Hai | 20/12/2021 12:17

Ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.

Quản trị rủi ro là yếu tố rất quan trọng trong hành trình trở thành nhà đầu tư thành công bền vững.
 

Từ khi thành lập cho đến nay, thị trường chứng khoán luôn tỏ ra là một kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, trong hành trình của mình không phải lúc nào thị trường chứng khoán cũng tăng giá và đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. 

Và kể cả trong giai đoạn tăng mạnh, thị trường cũng trải qua những giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn, trong những giai đoạn đó, nhà đầu tư nên quản trị rủi ro như thế nào, và làm cách nào để có thể giữ được khoản lợi nhuận mà chúng ta đã kiếm được trước đó. 

 

Chia sẻ tại Hội thảo: Nhận diện cơ hội và rủi ro 2022 do Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Mirae Asset đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán. 

Theo ông Linh, phần lớn các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu đều suy nghĩ sẽ kiếm được bao nhiêu % lợi nhuận. Tuy nhiên, điều đầu tiên quan trọng hơn cả là giữ được những gì chúng ta đang có. Trong hành trình đầu tư, khi đã kiếm được lợi nhuận từ sự thuận lợi của thị trường, thì chúng ta cũng cần nghĩ đến rủi ro để có thể bảo vệ thành quả có được. 

Vậy rủi ro là gì? Tại sao chúng ta phải quản trị rủi ro? Định nghĩa một cách đơn giản, rủi ro là khi chúng ta mua cổ phiếu, giá giảm khiến chúng ta bị thua lỗ. Trong xu hướng tăng mạnh của thị trường chứng khoán năm 2021 thì vẫn còn đó những cổ phiếu diễn biến tiêu cực và khiến nhà đầu tư thua lỗ. Khi tham gia những cổ phiếu này, có 2 rủi ro có thể xảy ra. Thứ nhất là rủi ro thua lỗ chưa hòa vốn. Thứ hai là những chi phí cơ hội mà nhà đầu tư đã mất đi trong một thị trường tăng giá. 

Trong chu kỳ đi lên của thị trường chứng khoán, thị trường luôn xảy ra những đợt điều chỉnh ngắn hạn, trung hạn, mà lúc đó VN-Index có thể giảm từ 10-15%. Ông Linh lấy ví dụ, trong giai đoạn tháng 7/2021, VN-Index điều chỉnh khoảng 14%, và sau đó thị trường bắt đầu đi lên với sự dẫn dắt của nhiều nhóm ngành như bất động sản, bán lẻ, hóa chất, ngành chứng khoán.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa quay lại đỉnh cũ. Ảnh chụp màn hình từ Hội thảo của Mirae Asset.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa quay lại đỉnh cũ. Ảnh chụp màn hình từ Hội thảo của Mirae Asset.

Tuy nhiên, khi nhìn đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, kể từ thời điểm đó, cổ phiếu ngân hàng chưa tăng trở lại đỉnh và nhiều cổ phiếu vẫn đang thấp hơn đỉnh trước đó vào tháng 7. Trong khi đó, thời điểm trước đây thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại là nhóm dẫn dắt thị trường. Đây là một ví dụ cho thấy nếu không quản trị rủi ro khi mất đi những chi phí cơ hội trong thị trường tăng giá mạnh mẽ. 

Một ví dụ khác được vị chuyên gia này đưa ra, đầu tháng 11 đến nay, VN-Index vẫn tạo ra tỉ suất sinh lời khoảng 6%, tuy nhiên nhóm cổ phiếu thép lại bắt đầu giảm từ đầu tháng 11 với mức giảm rất mạnh và đã giảm từ 20-30% từ đỉnh. Trong khi đó, cổ phiếu ngành thép đã từng là nhóm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn trước đó. Điều này lại tiếp tục đặt ra vấn đề, nếu không quản trị rủi ro thì điều gì sẽ xảy ra? 

Nhiều cổ phiếu vẫn giảm giá ngay cả trong thị trường tăng mạnh. Ảnh chụp màn hình từ Hội thảo của Mirae Asset.
Nhiều cổ phiếu vẫn giảm giá ngay cả trong thị trường tăng mạnh. Ảnh chụp màn hình từ Hội thảo của Mirae Asset.

“Câu hỏi đặt ra, đây có phải công ty tốt hay không? Công ty vẫn tốt, nhưng khi bối cảnh thị trường thay đổi, nếu chúng ta không có phản ứng nhanh sẽ thu lại những kết quả không tốt”, ông Linh nói. 

Chúng ta lại tiếp tục đặt ra câu hỏi, “Có phải chúng ta đều luôn luôn đúng?” Câu trả lời rất đơn giản không khi nào luôn luôn đúng, ngay cả những huyền thoại đầu tư trên thế giới. “Vậy ai có thể mắc sai lầm?” Câu trả lời tiếp tục đơn giản, tất cả chúng ta đều có thể sai lầm, bất kể bạn thông minh như thế nào và bất kể bạn là chuyên gia hay nhà đầu tư cá nhân, cũng đều có khả năng mắc sai lầm. 

“Rủi ro luôn tồn tại, vậy chúng ta có thể triệt tiêu được rủi ro hay không?” Câu trả lời là chúng ta sẽ triệt tiêu được rủi ro nếu chúng ta không đầu tư và không làm gì cả, còn khi đã tham gia vào thị trường thì sẽ luôn có rủi ro. 

“Điều mà nhà đầu tư làm được, đó là tối thiểu hóa rủi ro và duy trì kiểm soát tỉ lệ rủi ro ở mỗi giao dịch. Đó là lý do nhà đầu tư cần nghĩ đến rủi ro trước tiên và mục tiêu là giữ những đồng tiền mà chúng ta đang có”, ông Linh nói. 

Ảnh chụp màn hình từ Hội thảo của Mirae Asset.
Ảnh chụp màn hình từ Hội thảo của Mirae Asset.

Tại buổi Hội thảo, ông Linh đã chỉ ra những rủi ro mà nhà đầu tư có thể kiểm soát được trong quá trình đầu tư. Đầu tiên là những rủi ro trước khi giao dịch. Trước khi giao dịch, nhà đầu tư cần trả lời được các câu hỏi, mua cổ phiếu nào, mua với số lượng bao nhiêu, phân bổ danh mục ra sao và mua khi nào? Theo ông Linh, kể cả khi đã tìm được cổ phiếu tốt thì cũng cần phải đúng thời điểm thì mới thu được mức sinh lời tốt. Đây là những điều nhà đầu tư có thể kiểm soát trước giao dịch. Những điều này được kiểm soát càng chặt chẽ và kỹ lưỡng bao nhiêu thì quá trình sau càng dễ dàng bấy nhiêu và loại bỏ thêm được những rủi ro. 

Trên thực tế, những rủi ro trước giao dịch được kiểm soát kỹ lưỡng bao nhiêu thì xác suất cổ phiếu đi đúng với những kỳ vọng của chúng ta sẽ cao hơn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc 100% cổ phiếu sẽ đi đúng hướng chúng ta mong muốn. Đó là lý do nhà đầu tư cũng cần kiểm soát rủi ro sau khi mua.  Sau giao dịch, nhà đầu tư cần cần kiểm soát được khi nào nên bán. 

Ông Linh đánh giá đây là một động thái rất quan trọng. Đầu tiên là quản trị lợi nhuận, rất nhiều trường hợp trong thực tế, một cổ phiếu chúng ta đang lời trở thành hòa vốn rồi lại trở thành lỗ. Vì thế, thời điểm bán để chốt lời, để bảo toàn thành quả cũng vô cùng quan trọng. 

Trường hợp thứ hai là quản trị rủi ro, Khi chúng ta mua xong, không có gì đảm bảo rằng 100% cổ phiếu đó sẽ đi đúng hướng chúng ta mong muốn, do đó, nếu cổ phiếu có những diễn biến ngược lại thì sao? “Thật sự, bán rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta giữ được lợi nhuận và giữ được tiền vốn. Khi vẫn còn vốn, chúng ta có thể tận dụng được những cơ hội tiếp theo của thị trường”, ông Linh nói. Cũng theo vị chuyên gia này, quản trị rủi ro là rất quan trọng trong hành trình trở thành nhà đầu tư thành công bền vững. 

Có thể bạn quan tâm 

5 thành tố tạo nên một chiến lược giao dịch vượt trội

Yếu tố nào quyết định sự thành công của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, như thế nào là đầu tư thông minh?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới