Hủy
Tài Chính

Nhựa Bình Minh mang dấu ấn người Thái

Tuệ An Thứ Hai | 16/12/2019 10:00

Ảnh: Quý Hòa

Nhựa Bình Minh đang có nhiều lợi thế sau khi về tay tập đoàn SCG.
 

Sau hơn 1 năm được Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua lại vào tháng 4.2018, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) đang có những lợi thế nhất định trong cuộc đua của ngành nhựa so với các đối thủ. Ngành nhựa nhìn chung tương đối rủi ro khi phụ thuộc nhiều vào các đối tác doanh nghiệp (B2B), chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động của nguyên vật liệu đầu vào và đòi hỏi đầu tư vốn cho tài sản cố định rất lớn. Dù vậy, những bài toán khó ấy vẫn có thể giải quyết nếu tạo được chuỗi giá trị hợp lý, điều mà Tập đoàn SCG đã và đang thực hiện bằng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ở Việt Nam.

Đối với các thương vụ M&A nói chung, yếu tố giá cả luôn là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi nhắc đến M&A, khả năng tích hợp và tạo giá trị cộng hưởng giữa các bên mới là điều được quan tâm nhất. Trong trường hợp này, việc trở thành một phần của Tập đoàn SCG sẽ giúp Nhựa Bình Minh tận dụng được rất nhiều lợi thế từ chuỗi giá trị ngành nhựa sẵn có.

Trước tiên, Nhựa Bình Minh hưởng lợi về mặt quản trị và cách thức điều hành mạng lưới phân phối của công ty mẹ. Kinh nghiệm quản trị và mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam của SCG sẽ giúp Nhựa Bình Minh giải quyết nhiều bài toán khó, trong đó không thể không kể đến sự cạnh tranh trong ngành ống nhựa miền Nam khi những năm gần đây đã có thêm sự hiện diện của các đối thủ mới, điển hình là Hoa Sen (HSG).

Không chỉ có vậy, giá trị cộng hưởng lớn nhất mà SCG đem lại cho Nhựa Bình Minh phải kể đến sự giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào nhà cung cấp, điều mà các công ty cùng ngành không có được. Hiện tại, PVC, nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất của Công ty đang được cung cấp phần lớn bởi TPC Vina với tỉ lệ lên đến 50% tổng giá trị. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là TPC Vina cũng chính là một mắt xích trong chuỗi giá trị ngành nhựa của Tập đoàn SCG.

Với việc cùng nằm trong chuỗi giá trị của công ty mẹ, Nhựa Bình Minh và TPC Vina sẽ cùng nhau tạo ra được nhiều giá trị cộng hưởng khi giải quyết bài toán đầu ra, đầu vào của nhau. Cụ thể hơn, việc trở thành “anh em” với TPC Vina sẽ làm giảm thiểu rủi ro về hàng tồn kho cho Nhựa Bình Minh khi công ty này sẽ không phải lo về việc dự trữ nguồn nguyên vật liệu sản xuất. Điều này được thể hiện rõ qua các chỉ số hoạt động của Nhựa Bình Minh về số ngày tồn kho và chu kỳ chuyển đổi tiền mặt khi các chỉ số này đều tốt hơn các doanh nghiệp cùng ngành khác như Nhựa Tiền Phong (NTP) hay Nhựa Đồng Nai (DNP).

Ngoài ra, rủi ro phụ thuộc vào đối tác B2B (nguyên nhân dẫn đến nhiều khoản nợ phải thu xấu hoặc rủi ro bị cắt hợp đồng) của Công ty cũng sẽ được giảm thiểu đáng kể, cùng với đó là giảm bớt sự ảnh hưởng bởi biến động giá trên thị trường thế giới đối với nguyên vật liệu nhập khẩu.

Dù vậy, việc để các bên liên quan trở thành nhà cung cấp nguyên liệu chính lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Nhựa Bình Minh. Khi giá nguyên vật liệu quan trọng như PVC đang trong xu thế giảm do tác động của các yếu tố vĩ mô và giá dầu thế giới, các doanh nghiệp sản xuất nhựa phụ thuộc vào nguyên vật liệu được nhập khẩu sẽ được hưởng lợi rất lớn trong việc cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Từ quý II/2019, khi giá các loại nguyên liệu nhựa có xu hướng giảm do tác động của giá dầu WTI và giá than bình quân giảm so với năm 2018, biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh cũng giảm theo thay vì được cải thiện như đối thủ Nhựa Tiền Phong. Biên lợi nhuận gộp quý II của Nhựa Tiền Phong đạt 30%, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh chỉ đạt 23,3%, tăng 0,75% so với quý II/2018.

Nhưng về dài hạn, việc định hướng trong tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào cũng phần nào là chiến lược đúng đắn của doanh nghiệp. Xét trong 7 quý gần nhất, Nhựa Bình Minh có kết quả kinh doanh khá ổn định, biên lợi nhuận luôn đạt trên 22,9%, mặc dù thấp hơn so với Nhựa Tiền Phong nhưng vượt trội hơn về tính ổn định.

Quý III/2019, Nhựa Bình Minh ghi nhận hơn 120 tỉ đồng lãi sau thuế, nhích nhẹ hơn 4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2019, doanh thu thuần đạt 3.178,33 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 328,21 tỉ đồng. Như vậy, Công ty đã hoàn thành khoảng 74% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Hiện tại, Nhựa Bình Minh sở hữu 4 nhà máy với tổng công suất thiết kế 150.000 tấn/năm, bằng với Nhựa Tiền Phong và hơn 40% so với doanh nghiệp đứng thứ 2 là Hoa Sen. Vị thế của Nhựa Bình Minh vẫn là doanh nghiệp ống nhựa đầu tiên tại miền Nam và đây cũng là thị trường tập trung 79% số lượng cửa hàng phân phối của Công ty với gần 1.400 đại lý, cửa hàng phân phối, lớn hơn nhiều so với các đối thủ như Nhựa Tiền Phong hay Hoa Sen.

Công ty Chứng khoán FPTS khuyến nghị mua BMP ở mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn với giá mục tiêu 57.400 đồng (tỉ lệ sinh lời kỳ vọng 20%). Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt lạc quan hơn khi đưa ra khuyến nghị mua BMP với giá mục tiêu lên đến 60.700 đồng.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán KIS đưa ra đánh giá trung lập đối với BMP với mức giá mục tiêu sau 1 năm là 51.3000 đồng. Công ty này tỏ ra thận trọng vì doanh số của Nhựa Bình Minh tiếp tục chậm lại do triển vọng mờ nhạt của ngành xây dựng với tình trạng thừa cung hiện tại, cùng với việc tăng nguyên liệu đầu vào sẽ thu hẹp biên lợi nhuận và định giá cổ phiếu đắt so với ngành vật liệu xây dựng khác.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới