Hủy
Tài Chính

Thận trọng tín dụng vào bất động sản, chứng khoán

Lam Hồng Thứ Hai | 21/06/2021 08:00

Ảnh: Quý Hòa.

Tín dụng tăng 4,67% đi vào đâu, trong khi thị trường ghi nhận dòng tiền bất thường vào chứng khoán, bất động sản?
 

Dòng tiền đổ vào chứng khoán liên tục tạo nên những kỷ lục cho thị trường với nhiều phiên tỉ USD. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất kéo dài.

Đây được xem là “bất thường” trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Nếu chứng khoán, bất động sản tăng không phải do tăng trưởng kinh tế có thể tạo ra bong bóng, gây bất ổn cho quá trình phục hồi kinh tế.

Trước lo ngại này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng tăng 4,67% vào chứng khoán, bất động sản là có, nhưng thấp hơn rất nhiều so với các năm trước và Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ rất chặt chẽ, hài hòa.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh yêu cầu tiền tệ chạy sang chứng khoán, bất động sản ở mức độ nào để đảm bảo an toàn, không bong bóng, bởi bong bóng vỡ thì chỉ còn lại nợ xấu của ngân hàng. “Đây là bài học của năm 2007-2008. Khóa trước phải xử lý mười mấy phần trăm nợ xấu chính là tồn tại dai dẳng từ ngày đó”, ông Tú cho biết.

 

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản 3 năm gần đây có xu hướng giảm, từ 26,76% năm 2018 xuống 11,89% năm 2020, thấp hơn tỉ lệ tăng trưởng tín dụng chung là 12,17%. Trong tổng dư nợ 10 triệu tỉ đồng, thì dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 1,887 triệu tỉ đồng tính đến ngày 30.4. “Tỉ lệ này không tăng, kể cả thời điểm hiện nay cũng không tăng so với trước đây”, ông Tú nói. Đồng thời, tỉ trọng tín dụng bất động sản tăng lên 19,71%, tức nằm trong giới hạn 20%, ở ngưỡng kiểm soát được và nó cũng giúp cho tăng trưởng của thị trường bất động sản.

 

Trong khi đó, theo báo cáo của HSBC, bất động sản đóng góp 5-15% cho GDP của ASEAN; tỉ lệ này ở Việt Nam là khoảng 8%. Báo cáo tài chính của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước “Big 4” cho thấy mối liên hệ với một ngành liên quan trực tiếp là xây dựng. “Xét cho cùng, Việt Nam vẫn dùng tăng trưởng tín dụng cao là đòn bẩy chính cho phát triển kinh tế”, báo cáo nhận định.

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch, thị trường bất động sản vẫn cho thấy những dấu hiệu phục hồi. Đóng góp của ngành bất động sản vào GDP trong giai đoạn quý II/2020 và quý III/2020 đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng từ quý IV/2020, chỉ số này đã tăng mạnh. Cũng như nhiều quốc gia khác, đây là kết quả của chính sách tiền tệ nới lỏng tạo điều kiện giảm lãi suất và thanh khoản dồi dào.

Ảnh: Quý Hòa.
Trong tổng dư nợ 10 triệu tỉ đồng, thì dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 1,887 triệu tỉ đồng tính đến ngày 30.4. Ảnh: Quý Hòa.

Theo HSBC, nếu thị trường có dấu hiệu nóng lên, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có thêm nhiều động thái, ví dụ như áp dụng những biện pháp đảm bảo an toàn vĩ mô giới hạn hoặc siết chặt hạn mức tín dụng bất động sản. Mặc dù vậy, đợt bùng dịch COVID-19 gần đây có nguy cơ gây khó khăn cho việc ban hành và thực thi, do lo ngại tác động tiêu cực lên sự tăng trưởng chung của Việt Nam.

Về chứng khoán, từ cuối năm 2020 đến nay, giá trị giao dịch trên 2 sàn HOSE và HNX dần nhích từ 15.000 tỉ đồng đến 18.000 rồi 20.000, 27.000, 30.000 tỉ đồng và đang hướng tới 40.000 tỉ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, con số này luôn đạt trên 20.000 tỉ đồng/phiên, gấp khoảng 4 lần cùng kỳ năm 2020. “Với giá trị thanh khoản trên 1 tỉ USD, chứng khoán Việt Nam tuy còn cách xa Thái Lan (2,5 tỉ USD) song thật sự đã vượt qua Singapore và bỏ xa Philippines”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định.

Có thể thấy dòng tiền ồ ạt này diễn ra một phần khi các kênh gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, sản xuất... không còn hấp dẫn, đầu tư chứng khoán đã thu hút nguồn tiền trong dân. Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 14.4.2021, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán đạt khoảng 46.000 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với ngày 31.12.2020. Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,5 triệu tỉ đồng, dư nợ tín dụng cho vay chứng khoán chiếm chưa đến 0,5% và là tỉ lệ rất nhỏ.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các nước. Ở các nước, cổ phiếu lên khi doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, còn tại thị trường chứng khoán Việt Nam, có những cổ phiếu “xanh rờn” trong khi doanh nghiệp kinh doanh bết bát. “Đây là vấn đề không ổn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định. Nhưng ông cũng chia sẻ khi thắt lại thị trường chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước cũng chịu rất nhiều sức ép. “Sức ép” này là nỗ lực cung tiền vào chứng khoán để các công ty có thêm vốn mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu đặt hàng trong và ngoài nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng tín dụng có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý II và vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2021 trong điều kiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc tiêm vaccine phát huy hiệu quả ngay. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng dù kinh tế phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong năm 2021. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm. “Theo tôi, nợ xấu năm tới có thể sẽ lên tới 3,5-4%”, ông dự báo.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới