Hủy
Tài Chính

Thị trường chứng khoán: Những cơ hội đầu tư hậu COVID-19

Vũ Hoài Thứ Năm | 11/06/2020 09:07

Ảnh: Quý Hòa.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút lượng lớn nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường, đâu là những cơ hội có thể xem xét?
 

Dòng tiền hướng vào cổ phiếu vừa và nhỏ

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên tăng điểm nhẹ (19.6), đóng cửa tại mức 900 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 220 mã tăng/164 mã giảm, ở rổ VN30 có 14 mã tăng, 12 mã giảm và 4 mã giữ tham chiếu. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng tăng lần lượt 1,03% và 1,58%.

Thanh khoản trên thị trường tiếp tục là một điểm nhất khi khối lượng và giá trị giao dịch duy trì ở mức cao. Giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 8.500 tỉ đồng với hơn 662 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch.

Dòng tiền tiếp tục là điểm nhấn của thị trường. Ảnh: FireAnt.
Dòng tiền tiếp tục là điểm nhấn của thị trường. Ảnh: FireAnt.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, khối lượng giao dịch tăng mạnh và dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn thu hút dòng tiền. Trong khi đó, Yuanta Việt Nam đánh giá nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu chững lại đà tăng.

Điểm tiêu cực là tâm lý nhà đầu tư tỏ ra lạc quan quá mức. Hệ thống chỉ báo xu hướng của Yuanta Việt Nam vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số với mức hỗ trợ ở mức 878,24 điểm của chỉ số VN-Index và 115,29 điểm của chỉ số HNX-Index.

Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán

Chia sẻ tại buổi Hội thảo trực tuyến “Thị trường chứng khoán nhìn từ khu vực về Việt Nam – Cơ hội hậu đại dịch”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám Đốc Phân Tích của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam đã đưa ra những cơ hội đầu tư trên thị trường hậu COVID-19.

 

Xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc

Theo ông Minh, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vị trí trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á sẽ được đẩy nhanh nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn nắm giữ nhiều lợi thế nhờ chuỗi cung ứng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và trình độ quản trị tốt trong khi các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á sẽ phải tiếp tục đầu tư mạnh về hạ tầng và nguồn nhân lực có trình độ nhằm thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.

Ông Minh đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển này, tuy nhiên sự dịch chuyển vẫn chủ yếu là những ngành có giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày hay lắp ráp linh kiện điện tử.

Vốn FDI đăng ký và điều chỉnh tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm cùng với giá thuê đất khu công nghiệp thiết lập mặt bằng mới bất chấp dịch COVID-19 là minh chứng rõ nét cho sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.  

Bên cạnh đó, thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 sẽ là điểm cộng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.  

Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc bao gồm: PHR, NTC, KBC, SZC.

Đẩy mạnh đầu tư công

Thúc đẩy đầu tư công có thể là biện pháp hữu hiệu để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam.  Chính phủ Việt Nam dự chi hơn 700 nghìn tỉ đồng (hơn 30 tỉ USD) cho đầu tư công trong năm 2020.

Một số dự án trọng điểm, cấp bách được ưu tiên giải ngân có thể kể tới như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành... Nâng cấp hạ tầng giao thông là giải pháp giúp tiết giảm chi phí logistics (chiếm khoảng 16-17% GDP) và làm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Minh cho rằng các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công bao gồm: HPG, KSB, DHA, CTI, FCN, C4G, CII.

Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 07.2020

Theo đánh giá của ông Minh,  EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 42% vào năm 2025. Hiệp định được ký kết bên cạnh Hiệp định bảo hộ đầu tư cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Châu Âu vào Việt Nam.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.  

Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ EVFTA bao gồm: TNG, MSH, CMX, MPC, VHC, FMC.

Cách mạng công nghệ

Ông Minh đánh giá cuộc cách mạng công nghệ sẽ được đẩy nhanh do sức ép từ dịch COVID-19.  Dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng và hoạt động của các doanh nghiệp.

Xu hướng công nghệ số 4.0 và số hóa quản trị doanh nghiệp dự báo sẽ được gia tăng mạnh mẽ hơn bởi sức ép của dịch bệnh và đặc biệt là sau khi nền kinh tế dần ổn định trở lại.

Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghệ bao gồm: FPT.

* Có thể bạn quan tâm 

►Thị trường chứng khoán tháng 6: Để dành sức mua, chọn cổ gửi tiền


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới