Hủy
Thế giới

Gạo sẽ là đích đến tiếp theo của lạm phát lương thực?

Gia Khánh Thứ Hai | 13/06/2022 19:00

Cánh đồng lúa mạng nhện ở Flores, Indonesia. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho biết giá gạo quốc tế tăng tháng thứ năm liên tiếp, đạt mức cao nhất trong 12 tháng.

Giá lương thực đã tăng trong vài tháng qua. Và gạo, một thực phẩm chính ở phần lớn châu Á, có thể là “mục tiêu” tiếp theo.
 

Giá của nhiều loại thực phẩm, từ lúa mì, các loại ngũ cốc, đến thịt và dầu, đã tăng vọt. Điều này được thúc đẩy bởi một loạt các yếu tố, bao gồm chi phí phân bón và năng lượng tăng cao trong năm qua, cũng như cuộc chiến Nga-Ukraine.

Các lệnh cấm xuất khẩu lương thực hoặc sự gián đoạn nghiêm trọng bao gồm các quốc gia như Ấn Độ (lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường, v.v.) và Indonesia (dầu cọ).

Tiếp theo có thể là gạo. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho thấy giá gạo quốc tế tăng tháng thứ năm liên tiếp, đạt mức cao nhất trong 12 tháng, theo dữ liệu mới nhất của tháng 5, được công bố vào tuần trước.

Sản lượng lúa gạo tuy vẫn dồi dào, nhưng giá lúa mì tăng và chi phí canh tác nói chung cao hơn, sẽ khiến giá gạo "đáng được theo dõi sát sao".

Những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu. Ảnh: CNBC.
Những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu. Ảnh: CNBC.

Chi phí thức ăn và phân bón cho canh tác đã tăng lên, giá năng lượng thì thúc đẩy chi phí vận chuyển. Vì vậy, các quốc gia sẽ có xu hướng theo chủ nghĩa bảo hộ (protectionism). Tuy nhiên, rủi ro đối với gạo vẫn ở mức thấp, do trữ lượng gạo đang dồi dào và vụ mùa tại Ấn Độ hè này rất khả quan.

Cuộc chiến của Nga với Ukraine đã khiến giá lúa mì nhảy vọt. Cả hai nước đều là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn, và cuộc chiến đã làm gián đoạn canh tác cũng như đóng băng hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Giá lúa mì đã tăng hơn 50% so với một năm trước.

 

Chỉ riêng tuần trước, lúa mì đã tăng 4% sau khi quân đội Nga phá hủy một trong những cảng xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Ukraine, theo Reuters.

Thái Lan và Việt Nam đã đàm phán thỏa thuận tăng giá xuất khẩu gạo, theo một báo cáo của Reuters, dẫn lời một quan chức chính phủ Thái Lan vào cuối tháng Năm.

Được biết, các thương nhân đã mua nhiều gạo Ấn Độ hơn trong hai tuần qua, theo một báo cáo ngày 6/6.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà sản xuất gạo hàng đầu thế giới, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu, Việt Nam lớn thứ năm, trong khi Thái Lan đứng thứ sáu.

Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với lúa mì vào tháng 5, với lý do cần quản lý an ninh lương thực tổng thể của đất nước. Họ cũng áp dụng các hạn chế đối với đường, chỉ vài ngày sau lệnh cấm lúa mì.

Chỉ số giá thực phẩm của Liên hợp quốc cho thấy giá hiện cao hơn 75% so với mức trước đại dịch, ông Frederique Carrier, giám đốc điều hành và trường chiến lược đầu tư của RBC Wealth Management cho biết.

Chia sẻ của ông nằm trong một báo cáo hồi tháng 6: “Tình trạng thiếu lao động liên quan đến đại dịch và việc Nga tấn công Ukraine đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, khi nguồn cung lương thực vừa bị cắt giảm, giá năng lượng vừa bị đẩy lên cao”.

Khoảng một phần ba chi phí sản xuất thực phẩm liên quan đến năng lượng. Để sản xuất phân bón nói riêng đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng và giá cả thì đã tăng vọt kể từ năm ngoái.

Có thể bạn quan tâm: 

Làn sóng thoái vốn sắp trở lại Trung Quốc?

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới