Hủy
Thế giới

Lộ thông số giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ Năm | 19/06/2014 09:33

Nam Hải số 9 - giàn khoan thứ 2 vừa được đưa ra biển Đông - chỉ là một trong số nhiều giàn khoan mang tên Nam Hải của Trung Quốc.
 

Trang mạng quân sự Trung Quốc (military.china.com) ngày 18.6 cũng chính thức xác nhận Bắc Kinh tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 mang tên Nam Hải số 9 ra biển Đông, được kéo bởi tàu lai dắt kéo Đức Gia từ toạ độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông từ ngày 18-20.6

Hiện chưa rõ giàn khoan này sẽ nằm trên biển Đông trong bao lâu.

Ngày 17.6, Cục hải sự Trung Quốc đã ra thông báo về việc này. Và theo trang quân sự của mạng Sina ngày 18.5, giàn khoan Nam Hải số 9 này được kéo từ phía Nam đảo Hải Nam (thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) tiến về hướng Tây Nam, xích lại gần phía giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vốn đang được hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Nam Hải số 9 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đã được Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) mua lại ở tình trạng đã qua sử dụng với lý do nhằm thúc đẩy hoạt động ở các vùng nước sâu.

Nam Hải số 9 có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 1.615m, độ khoan sâu tối đa 7.620m, có thể khoan tối đa với tải trọng 3798 tấn, với đầy đủ chức năng khoan, hoàn thành và sửa chữa.

Có lẽ tới nay, thế giới mới được chứng kiến Trung Quốc lần lượt tung từng món “bảo bối” mang tên giàn khoan của mình vào khu vực biển Đông và Nam Hải số 9 chỉ là một trong vô số giàn khoan mang tên Nam Hải của nước này như có một ý đồ riêng rõ rệt.

Theo trang tàu quốc tế (www.eworldship.com) ngày 11.1.2013, Tổng công ty dịch vụ vận chuyển hàng hải Trung Quốc đã sử dụng 2 giàn khoan nửa chìm nửa nổi đưa vào hoạt động trong khu vực biển Đông từ cuối tháng 1.2013.

Một là giàn khoan Nam Hải số 8 do công ty này mua lại từ công ty Transocean (Thụy Sĩ). Sau khi được nâng cấp cải tạo tại Xưởng tàu Hữu Liên (một trong những xưởng sửa chữa tàu lớn nhất Hồng Kông, thành lập từ năm 1964), giàn khoan này đã được đưa vào hoạt động tại biển Đông với độ sâu từ 450-800m. Hai là Tổng công ty dịch vụ vận chuyển hàng hải Trung Quốc đi thuê giàn khoan Pride South Seas, thuộc Pride International, Liberia.

Cuối tháng 3.2013, Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) đã ký hợp đồng thuê một giàn khoan nửa nổi nửa chìm khác có tên ENSCO5003 thuộc Ensco International, Inc (Mỹ) trong thời gian 5 năm, và được đổi lại tên Nam Hải số 7. Đây là giàn khoan thuộc thế hệ thứ 2, được đóng năm 1977, có độ sâu hoạt động tối đa tới 300m, độ khoan sâu tối đa 7.620m.

Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) hồi tháng 3.2013 từng tuyên bố giàn khoan Nam Hải số 7 được thuê về chủ yếu nhằm phục vụ trong khu vực phía Đông biển Đông và các vùng biển sâu.

Hiện các diễn đàn mạng của Trung Quốc như http://bbs.tianya.cn đang thu hút rất nhiều lời bình luận về sự kiện trên, phần lớn ý kiến đều cho rằng Việt Nam sẽ khó đối phó với cả hai giàn khoan cùng xuất hiện tại Hoàng Sa.

Một số cư dân mạng nước này còn cho rằng Trung Quốc ít nhất sẽ tung tới 4 giàn khoan ra khu vực tranh chấp với Việt Nam trên biển Đông và ngay sau khi giàn khoan thứ 2 đã yên vị, giàn khoan thứ 3 sẽ được kéo ra.

Nguồn Thanh Niên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới