Hủy
Thế giới

Phần chìm của "tảng băng nợ nần" ở Nga và Ukraine

Thứ Năm | 06/03/2014 13:44

Đồng nội tệ của cả Ukraine và Nga lao dốc, hai nước này đối mặt với rủi ro khá lớn từ các khoản nợ được phát hành ở nước ngoài.
 

Trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn của các thị trường mới nổi ngày càng có xu hướng tìm đến thị trường trái phiếu quốc tế để tài trợ cho bản thân. Mặt bằng lãi suất thấp trên toàn cầu đã cung cấp những kênh cung cấp vốn đầy hấp dẫn.

Theo ước tính của Jens Nordvig, người phụ trách chiến lược tiền tệ tại Nomura, các doanh nghiệp đến từ thị trường mới nổi đã phát hành tổng cộng 400 tỷ USD nợ ở nước ngoài kể từ năm 2010 đến nay (tương đương 40% tổng số phát hành).

Phần chìm của
Tổng khối lượng trái phiếu ngoại tệ của các DN đến từ thị trường mới nổi đã phát hành trong và ngoài nước (Đơn vị: Nghìn tỷ USD)

Tuy nhiên, số trái phiếu này không được phản ánh trong các số liệu thống kê về bảng cân đối kế toán của các quốc gia. Số liệu chính thức chỉ đo lường khối lượng nợ được phát hành ở trong nước, không tính đến nợ phát hành ở nước ngoài thông qua các chi nhánh nước ngoài.

Trong khi đó, theo Philip Turner – chuyên gia đến từ Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS, lượng nợ phát hành ở nước ngoài là một công cụ tốt hơn để đo lường rủi ro mà các công ty và rộng hơn là nền kinh tế sẽ gặp phải.

Nordvig gọi đây là “những khoản nợ tiềm ẩn” có thể đem đến rủi ro rất lớn cho các thị trường mới nổi – bộ phận vốn có đồng nội tệ đang giảm giá mạnh mẽ so với USD.

Hãy đoán xem trên thế giới, hai quốc gia nào có tỷ lệ nợ phát hành ở nước ngoài nhiều nhất so với GDP?

Với tỷ lệ 12%, Nga là nước dẫn đầu bảng xếp hạng. Theo sau là Ukraine với tỷ lệ 9%.

Phần chìm của

Trong một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia kinh tế Kyuil Chung, Jong-Eun Lee, Elena Loukoianova, Hail Park và Hyun Song Shin đã diễn giải mối nguy hiểm mà các doanh nghiệp ở thị trường mới nổi gặp phải trong trường hợp lãi suất toàn cầu tăng lên.

"Nếu chi nhánh ở nước ngoài của công ty đến từ thị trường mới nổi có các khoản nợ bằng đồng USD nhưng công ty đó đang nắm giữ những tài sản tài chính bằng đồng nội tệ ở trụ sở chính, công ty này phải đối mặt với sự bất cân xứng về tiền tệ và sẽ bị ảnh hưởng bởi những biến động giữa hai đồng tiền.

Thêm vào đó, các tài sản của công ty cũng rất nhạy cảm với các biến động trên thị trường tiền tệ và chịu rủi ro ngoại tệ. Công ty này ở trong vị thế kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), tức là nắm giữ tiền mặt bằng đồng nội tệ nhưng có các nghĩa vụ nợ bằng đồng USD. Một trong những thúc đẩy carry trade là giúp các công ty phòng vệ cho số tiền thu được từ xuất khẩu. Tuy nhiên, các công ty cũng có thể thực hiện điều này nhằm thu lại khoản lãi tài chính nếu như đồng nội tệ tăng giá so với USD. Và điều đáng ngại là trên thực tế khó có thể phân biệt hai động cơ này.

Căng thẳng quân sự leo thang giữa Ukraine và Nga đã khiến các đồng nội tệ của cả hai nước giảm giá mạnh so với đồng USD. Do đó, các công ty của Nga và Urkraine vốn có nhiều nợ nước ngoài sẽ đối mặt với việc giá trị của các khoản nợ tăng lên trong tương quan với giá trị của tài sản. Điều này khiến nguy cơ vỡ nợ tăng lên.

Nói một cách ngắn gọn, khi đồng USD tăng lên, thanh khoản giảm và rủi ro tín dụng tăng. Đây sẽ là vấn đề lớn đối với hệ thống ngân hàng của các nước mới nổi.

Theo Tunner, hệ thống ngân hàng nội địa sẽ bị ảnh hưởng qua 3 kênh:

Thứ nhất, bởi vì các công ty này thường vay mượn từ các ngân hàng nội địa. Khi điều kiện cho phép họ vay vốn rẻ hơn ở nước ngoài, các ngân hàng nội địa phải tìm kiếm nguồn khách hàng khác. Trên thực tế, họ thường nới lỏng các điều kiện cho vay. Điều kiện vay vốn ở nước ngoài bị thắt chặt sẽ khiến xu hướng bị đảo ngược, các công ty nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn kể cả khi tổng số dư nợ của hệ thống ngân hàng vẫn tăng lên.

Kênh thứ hai là qua thị trường bán buôn. Khi các công ty có được nguồn tiền dồi dào từ nước ngoài, họ sẽ tăng lượng tiền gửi số lượng lớn (wholesale deposits) tại các ngân hàng nội địa. Ngược lại, nếu các công ty gặp khó khăn ở nước ngoài, họ rút số tiền này ra ồ ạt.

Thứ ba, các công ty thường phòng vệ rủi ro đối với ngoại tệ của họ thông qua các hợp đồng phái sinh với ngân hàng. Kể cả khi các ngân hàng nội địa cũng phòng vệ rủi ro thông qua ngân hàng nước ngoài, họ vẫn phải đối mặt với trường hợp các công ty không có đủ khả năng tuân theo hợp đồng.

Do những yếu tố trên, NHTW sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn khi các tập đoàn lớn không thể tự tài trợ bằng việc phát hành nợ ở thị trường nước ngoài. Vấn đề vẫn có thể nổi lên kể cả khi điều kiện kinh tế vĩ mô không có biến động. NHTW có thể dùng công cụ lãi suất cơ bản để điều chỉnh thị trường và nâng cao thanh khoản, nhưng nếu các công ty gặp rủi ro quá lớn, NHTW cũng không thể có đủ khả năng giải quyết.

Rõ ràng là đây là những điều quan trọng mà nhà đầu tư phải đặc biệt lưu tâm khi đầu tư vào các thị trường mới nổi. Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục cải thiện, đồng USD mạnh lên và lãi suất tăng lên trên toàn cầu, rất nhiều "khoản nợ tiềm ẩn" sẽ nhanh chóng "xuất đầu lộ diện".

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới