Hủy
Thế giới

Tảng đá ngăn dòng vốn chảy vào "miền đất vàng cuối cùng" của châu Á

Thứ Ba | 18/06/2013 19:56

Không thể mãi nương vào ưu ái từ thiên nhiên hay vài ba câu khẩu hiệu cải cách, Myanmar cần nhìn thẳng vào môi trường đầu tư còn nhiều lạc hậu.
 

Từ một căn phòng không lớn tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã phát đi một thông điệp có sức nặng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới kinh doanh trên toàn thế giới.

Bà nói rằng, Myanmar đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, họ tìm kiếm cơ hội tại thị trường được xem là “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”, nhưng thực tế lại không có nhiều nhà đầu tư thực sự.

Cuộc phỏng vấn với lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước, diễn ra trong tuần cuối cùng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa tổ chức tại Naypyitaw, cho thấy lý do tại sao Aung San Suu Kyi lại nhận định như vậy?

Phải chăng, nguyên nhân chính đến từ hệ thống cơ sở hạ tầng kém chất lượng của Myanmar, hay đến từ những quy định không rõ ràng, quan liêu, rồi những vụ bạo loạn sắc tộc kéo dài. Hoặc thậm chí còn tệ hơn, do tất cả những điều trên cộng lại.

Hồi tháng 5/2013, tổng thống Thein Sein cho biết, Myanmar chỉ thu hút được 1,4 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm tài chính 2012-2013. Đây là một con số “tương đối” đối với một quốc gia vừa mới thoát khỏi 49 năm của chế độ độc tài quân sự và bị các nước phương Tây (Mỹ, EU) cô lập. Tuy nhiên, số vốn đó còn quá ít để giúp Myanmar, một nền kinh tế trì trệ và kém phát triển nhất châu Á, nhảy vọt về kinh tế.

Dĩ nhiên, trước khi nhảy vọt được, kinh tế Myanmar cần có bước chạy đà thật tốt, cần một sự khởi đầu.
Myanmar và những "dấu chân" đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài

Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng và thực phẩm khổng lồ Unilever (liên doanh Anh-Hà Lan) đã có kế hoạch mở 2 nhà máy trong năm nay, một phần trong chiến lược đầu tư chị giá 500 triệu euro trong vòng 10 năm tới.

Tiếp đến, phải kể đến phòng trưng bày sản phẩm mới mở của hãng chế tạo ô tô danh tiếng Ford Motor, tại thành phố lớn nhất Myanmar - Yangon.

Trong lĩnh vực truyền thông, Tập đoàn truyền thông quốc tế WPP đã quyết định đầu tư vào Myanmar. Để khẳng định cho tiềm năng hứa hẹn của thị trường mới nổi này, giám đốc quảng cáo và tiếp thị của tập đoàn WPP, ông Martin Sorrell tự đặt ra câu hỏi đầy hứng khởi rằng: "Lần cuối cùng, một thị trường hơn 60 triệu dân được khai phá là khi nào?" và Myanmar chẳng khác gì "một trong những biên giới cuối cùng", một thị trường tiềm năng như “từ trên trời rơi xuống” vừa mới được khám phá.

Martin Sorrell cũng khuyên các khách hàng lớn của mình, chẳng hạn như công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới Nestlé, nên đầu tư sản xuất tại Myanmar, càng sớm càng tốt.
Chặng đường dài phía trước

Nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước, công ty tư vấn toàn cầu McKinsey ước tính, kinh tế Myanmar cần 170 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi.

Trước tiên, rào cản đến từ vấn đề dân tộc và sắc tộc. Bạo lực sắc tộc tại Myanmar chủ yếu diễn ra giữa Phật tử, người Hồi giáo và các dân tộc thiểu số còn lại. Hâu quả là đã có hàng trăm người trong năm ngoái và khiến hơn 140.000 phải di cư, chủ yếu là người Hồi giáo.

Quan trọng hơn, hầu hết các nhà phân tích và giám đốc điều hành đều thống nhất về một loạt các rào cản đầu tư lớn, bao gồm cả cơ sở hạ tầng nghèo nàn của Myanmar và môi trường pháp lý chưa rõ ràng.

Biểu đồ dưới đây thể hiện sự phát triển thụt lùi trong phát triển cơ sở hạ tầng và ngành vận tải giao nhận (logistic) của Myanmar, so với phần còn lại của Đông Nam Á. Hòn đá tảng ngăn cản tham vọng phát triển của quốc gia này.

Về khung pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, luật pháp đã được Quốc hội Myanmar thông qua từ tháng 11 năm ngoái, nhưng cho đến nay, vẫn chưa đưa vào thực hiện. Để nhà đầu tư nước ngoài phải chờ đợi quá lâu, chắc chắn họ sẽ rời khỏi Myanmar trong nay mai.

Với bất kì nhà đầu tư nào, họ đều cần hiểu chắc chắn về quy hoạch phát triển cơ cấu sở hữu đất đai của quốc gia. Cần tự tin và hiểu biết rõ ràng rằng, có một mức độ đảm bảo nhất định về tính minh bạch của thị trường và được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu những bất động sản mà họ đang đầu tư vào.

Thiếu tính minh bạch đang cản trở cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ VinaCapital (Việt Nam), công ty đang xem xét đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp và công nghệ, nhưng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một khu vực tổ chức sản xuất không thuộc vùng tranh chấp đất đai.

Ông nhấn mạnh: "Cải cách quyền sử dụng đất đai là quy tắc hướng dẫn chủ đạo cho các nhà đầu tư, nên cần phải hoàn toàn rõ ràng, minh bạch."

Tìm đâu nhân tài?

Ông Don Lam còn cho biết, nhìn vào tiềm năng phát triển dịch khách sạn và dịch vụ tài chính tại Myanmar, nhà đầu tư tiếp tục gặp phải một thách thức lớn.

Thập kỷ mất mát của Myanmar đã làm chảy máu chất xám. Cho đến nay, VinaCapital vẫn không thể tìm thấy một vị giám đốc điều hành địa phương để phụ trách hoạt động đầu tư của mình ở đó. Đối với VinaCapital, "vốn không phải là vấn đề, mà chính là tìm kiếm nhân tài."

Người dân Myanmar chỉ được học trung bình 4 năm học đầu tiên, nghĩa là chương trình phổ cập bậc tiểu học còn chưa thực hiện xong. Do vậy, tỷ lệ năng suất lao động tại Myanmar thấp hơn 70% ngưỡng tiêu chuẩn của các nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia.

Nhưng không có cách nào để xây dựng đủ hệ thống trường học hay đào tạo công nhân đủ nhanh chóng. Tuy công nghệ có thể lấp đầy những khoảng cách bằng hình thức học tập từ xa, nhưng cơ sở hạ tầng viễn thông cần một cuộc đại tu lớn. Điều này bởi tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động tại Myanmar thấp nhất thế giới, với chỉ 4-8% người dân được tiếp cận với mạng di dộng. Dịch vụ điện thoại internet và điện thoại di động chưa sẵn sàng cho nhu cầu phát triển mới.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện cũng xảy ra thường xuyên. Theo nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), chỉ có khoảng 25% dân số Myanmar được sử dụng điện. Nhu cầu điện sinh hoạt còn thiếu, tương tự, nhu cầu điện sản xuất rất khó được đáp ứng trong thời gian ngắn.

Theo điều tra của ADB, chỉ có khoảng 25% người dân Myanmar được sử dụng điện.

Stephen Groff, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết, ông rất ấn tượng với những cam kết của chính phủ Myanmar trong cải cách và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, chính phủ còn có thể làm tốt hơn để đáp ứng sự mong đợi của các nhà đầu tư và nhất là của người dân Myanmar. Hơn ai hết, họ chính là những người đang mong chờ nhất thành quả thu được sau cải cách.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới