Thương mại điện tử bùng nổ: Ngành giao hàng Trung Quốc vượt mốc lịch sử
Trung Quốc được coi là thị trường thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới. Ảnh: SCMP.
Joe Zhou trở về nhà sau một ngày làm việc dài và trước mắt anh là một đống bưu kiện chất đầy trước cửa căn hộ của anh ở thành phố Bắc Kinh, cao đến nỗi Zhou khó lòng tìm đường đi qua được. Anh đã mua hầu như mọi thứ cho căn nhà mới được cải tạo của mình trên mạng, từ những thiết bị gia dụng như lò nướng và máy pha cà phê cho đến những món đồ nội thất.
Những hình ảnh như thế ngày càng trở nên phổ biến khắp Trung Quốc, khi ngành giao nhận của quốc gia này mở rộng cùng với sự bùng nổ không tưởng của thương mại điện tử.
Cục Bưu chính Nhà nước Trung Quốc gần đây cho biết, đã có hơn 100 tỉ bưu kiện được giao trong năm nay, một cột mốc quan trọng, đã đạt được sớm hơn 71 ngày so với mục tiêu năm 2023. Con số này tương đương với trung bình 71,43 bưu kiện mỗi người, 5.144 bưu kiện được giao mỗi giây, hoặc 440 triệu bưu kiện di chuyển khắp Trung Quốc mỗi ngày.
Khối lượng hàng giao nhận trong ngày đỉnh điểm đã vượt qua con số 580 triệu bưu kiện, khối lượng trung bình hàng tháng đã vượt qua con số 13 tỉ bưu kiện và doanh thu trung bình hàng tháng đã lớn hơn 100 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ USD), tất cả đều đạt được mức cao kỷ lục.
Trung Quốc được coi là thị trường thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng một nửa doanh số bán hàng trực tuyến toàn cầu, với các công ty như Alibaba, JD.com và PDD trở thành những cái tên quen thuộc trong ngành.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh số bán lẻ trực tuyến của nước này đã đạt 15,4 nghìn tỉ nhân dân tệ (2,1 nghìn tỉ USD) trong năm 2023, tăng trưởng 11% và củng cố vị trí dẫn đầu toàn cầu trong 11 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, việc khối lượng hàng hoá giao nhận tăng lên cũng đi kèm với cái giá phải trả cho các nhà vận hành, khi cuộc chiến giá cả khốc liệt đã làm giảm lợi nhuận trong những năm gần đây. Để cạnh tranh giành lấy thị phần, nhiều công ty giao hàng đã giảm giá xuống mức không bền vững, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nguy hiểm phá sản và làm giảm lợi nhuận chung của ngành.
Năm ngoái, các công ty giao hàng lớn của Trung Quốc như STO Express, Yunda và YTO đều báo cáo giảm doanh thu trên mỗi bưu kiện.
Sự gia tăng số lượng bưu kiện cũng được thúc đẩy bởi việc trả hàng nhiều hơn. Một số người bán hàng cho biết tỉ lệ trả hàng rơi vào khoảng 60%, trong đó quần áo nữ, là danh mục sản phẩm có tỉ lệ trả hàng cao nhất, lên đến 80 đến 90% trong các đợt cao điểm, theo một số báo cáo từ truyền thông. Điều này có nghĩa là chỉ có một hoặc hai trong số mười giao dịch mua hàng thật sự hoàn tất.
Cherry Wang, một cư dân tại thành phố Thành Đô ở miền Tây Nam Trung Quốc, là một trong số nhiều phụ nữ trẻ không ngại việc trả lại quần áo. Trong các mùa mua sắm trực tuyến lớn tại Trung Quốc, cô cho biết thường trả lại đến 70% những món đồ đã mua. “Tôi mua sắm thoải mái trong các đợt giảm giá lớn, tiêu tốn khoảng 2.000 nhân dân tệ và trả lại khoảng 1.000 nhân dân tệ. Ngay cả khi tôi không mua gì nhiều, tỉ lệ trả hàng vẫn nằm ở mức 50%”, cô nói.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành giao hàng có thể được lý giải là nhờ vào sự cải tiến đồng thời của cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, nước này đã thiết lập hơn 1.200 trung tâm dịch vụ giao hàng công cộng cấp huyện và hơn 300.000 trạm dịch vụ logistics cho các làng xã.
Kết quả là, khối lượng bưu kiện được vận chuyển và giao nhận ở các vùng nông thôn đã tăng hơn 10 lần trong thập kỷ qua. Dựa vào hệ thống giao hàng vùng nông thôn của Trung Quốc, các đơn vị giao nhận đã tăng cường đầu tư vào công nghệ và logistics. Tại các vùng thưa dân ở miền Tây Trung Quốc, những bưu kiện từng mất một tuần để vận chuyển bây giờ có thể được giao trong vòng 2-3 ngày.
Có thể bạn quan tâm:
Xuất khẩu LNG tăng mạnh sang Ấn Độ và Đông Nam Á
Nguồn SCMP
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nguyên Hồ
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ
-
Nguyên Hồ