Đầu tư chùa có siêu lợi nhuận?
Ảnh: Kinh tế đô thị.
Văn hoá đi chùa của người Việt đã có từ hàng ngàn năm nay và được cả giới trẻ hưởng ứng. Nhưng ngày càng nhiều ngôi chùa được xây dựng với mục đích kinh doanh dưới sự can thiệp của tư nhân. Đầu tư vào chùa có lợi thế là nguồn thu ổn định và “tiền tươi thóc thật”.
Chùa Bái Đính là một ví dụ. Năm 2006, chùa được Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đầu tư với nhiều công trình đồ sộ. Hiện Chùa này đang là chủ lực của du lịch Ninh Bình.
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, năm 2018 Quần thể Bái Đính – Tràng An giúp khách tham quan tỉnh Ninh Bình tăng từ 2,4 triệu lượt vào năm 2007 lên lên 7,3 triệu lượt khách tham quan vào 2018, đem về 3.200 tỉ đồng cho tỉnh Ninh Bình.
Riêng tại chùa Bái Đính, cũng theo Sở Du lịch Ninh Bình, lượng khách có ngày lên đến 220.000 lượt người/ngày. Trung bình một du khách đến đây phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng dịch vụ di chuyển. Doanh thu của chùa đến từ tiền công đức, phí dịch vụ đi kèm như giữ xe, vận chuyển xe điện, dịch vụ cộng thêm, thuê ki - ốt… Tại Tràng An, lượng khách trung bình 30.000 lượt người/ngày. Với lượng khách và chi phí trên đầu người, doanh thu của Chùa không phải là nhỏ.
Chùa Ba Vàng tỉnh Quảng Ninh cũng có hình thức kinh doanh “thỉnh vong” hái ra tiền. Theo báo Lao động đưa tin ngày 20.3, mỗi tháng, dịch vụ thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút từ 4.000-5.000 người tham dự. Trong khi, chi phí đòi vong thường từ 7 triệu đồng – 15 triệu đồng/ lần. Nếu tính số tiền trên số lượng người đến đây mỗi tháng thì doanh thu của chùa cũng vài chục tỉ đồng.
Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cơ sở thờ tự Phật giáo ở nước ta có sự phát triển mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây. Nếu giai đoạn 2007, cơ sở thờ tự của nước ta khoảng 14.777 ngôi chùa thì đến 2017, cơ sở thờ tự của phật giáo tăng lên 18.466 chùa. Hàng loạt chùa có quy mô lớn như, khu Đại Nam quốc tự ở Bình Dương, chùa Bái Đính ở Ninh Bình hay ngôi chùa được cho là to nhất thế giới là Chùa Tam Chúc Hà Nam.
Không chỉ ở Việt Nam, việc “thương mại hoá” chùa đang được quan tâm tại Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, chùa Thiếu Lâm đã trở thành một đế chế kinh doanh trải dài trên nhiều lĩnh vực từ võ thuật, biểu diễn đến y học, văn hóa, ẩm thực và du lịch.
Theo báo cáo của SCMP, năm 2015, Thiếu Lâm Tự đã thu về khoảng 146 tỉ đồng nhờ tiền vé vào cổng chùa và mức phí hơn 14 USD cho mỗi lần dâng hương. Trụ trì chùa được gọi là "nhà sư CEO". Bên cạnh đó, các học viên đến đây còn sẵn sàng bỏ ra khoảng 142 triệu đến 250 triệu đồng để học võ thuật. Thiếu Lâm Tự kinh doanh bài bản như một tập đoàn đa quốc gia với hơn 40 công ty ở nước ngoài như Berlin và London với mục tiêu truyền bá tinh thần võ thuật.
Trở lại các ngôi chùa tại Việt Nam, một điểm chung là ngoài các dịch vụ trong chùa, nhiều hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, sân golf… nhằm thu hút khách cũng được xây dựng xung quanh các ngôi chùa này. Đặc biệt, những chuỗi dịch vụ này các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây chùa quản lý.
Theo Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường, chia sẻ với báo chí rằng Chùa Bái Đính hiện tại đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đầu tư xây dựng và quản lý. Tỉnh này không biết các chi phí thu vào và hoạt động ra sao.
Đại gia Nguyễn Văn Trường, giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Xuân Trường nổi tiếng với các dự án du lịch tâm linh lớn như Khu du lịch Tràng An – Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư - chùa Bái Đính... đặc biệt, ngôi chùa Tam Chúc cũng được đại gia này bỏ 11.000 tỉ đồng xây dựng.
Gần đây, đại gia này cũng gợi ý xây dựng tu bổ lại Khu du lịch tâm linh Hương Sơn với mức đầu tư 15.000 tỉ đồng. Theo lý giải công ty này, chùa này có giá trị lịch sử nên khi đi vào hoạt động sẽ có từ 6-8 triệu lượt khách/năm.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Diễm Trang