Hủy
Bất động sản

Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất treo cao

Dung Vũ Thứ Hai | 04/05/2020 14:00

 
 
Khó khăn vì dịch bệnh, doanh nghiệp cần tiền nên chấp nhận phát hành trái phiếu với cuộc đua lãi suất ngày càng cao.

Theo số liệu từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), trong tháng 2, có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành 5.574 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành 4.025 tỉ đồng, chiếm 72% lượng phát hành trong tháng. Như vậy, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 2 thu hẹp, chỉ bằng 41% lượng phát hành trong tháng 1. Ngoài tác động của dịch COVID-19, các yếu tố gây bất lợi khác đến kế hoạch tài chính của doanh nghiệp là xu hướng thị trường chứng khoán sụt giảm, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lớn, nhà đầu tư nội hạn chế giao dịch trên cổ phiếu...

Nhà đầu tư cá nhân lấn lướt
Số liệu thống kê của SSI Research cho thấy, quý I/2020, nhà đầu tư cá nhân rất tích cực tham gia thị trường trái phiếu. Trong quý này, nhà đầu tư cá nhân đầu tư tổng cộng 9.546 tỉ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó các cá nhân nước ngoài mua chỉ mua 9,6 tỉ đồng, còn lại là cá nhân trong nước. Tỉ trọng cá nhân mua trên tổng lượng phát hành toàn thị trường quý I là 20%, gấp đôi mức trung bình 10% của năm 2019.

Nhà đầu tư cá nhân mua nhiều nhất là trái phiếu bất động sản (6.300 tỉ đồng, tương đương 28,3% lượng phát hành của nhóm bất động sản). Trong đó, toàn bộ 5.347 tỉ đồng trái phiếu phát hành thành 110 đợt của TNR Holdings trong quý I đều được các cá nhân trong nước mua. Trong năm 2019, nhà đầu tư cá nhân cũng mua trọn 5.345 tỉ đồng do doanh nghiệp này phát hành. Tình trạng ồ ạt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bắt nguồn từ việc chính sách siết chặt tín dụng với lĩnh vực này. Tuy nhiên, trước khó khăn do dịch bệnh gây ra, các doanh nghiệp bất động sản đang đưa ra kiến nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.

Một số khoản trái phiếu bất động sản khác có nhà đầu tư cá nhân mua nhiều là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Phú Hưng (400 tỉ đồng), Công ty Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (166 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (147 tỉ đồng)... Lãi suất các doanh nghiệp bất động sản này chủ yếu là cố định từ 11-13%/năm.

Các cá nhân trong nước cũng mua toàn bộ 710,3 tỉ đồng trái phiếu 7 năm của TPB phát hành trong quý I; mua 421,7 tỉ đồng trái phiếu 1-3 năm của MBS, VDSC, TCBS. Lãi suất các trái phiếu này dao động từ 8,5-9,5%/năm. Lô phát hành 3.000 tỉ đồng ra công chúng ngày 9.3.2020 của MSN cũng huy động được gần 1.148 tỉ đồng từ nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất thả nổi.

Theo phân tích, nhà đầu tư cá nhân gia tăng mức độ quan tâm đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp là do lãi suất phát hành sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng so với năm 2019 (9-12%/năm), từ đó lãi suất thứ cấp đến tay nhà đầu tư dao động ở mức cao hơn lãi suất tiết kiệm 3-4%. Ðặc biệt, nhà đầu tư cho rằng, với bối cảnh kinh tế như năm nay, lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm tiếp nên đã đa dạng hóa sang kênh trái phiếu.

Gia tăng độ hấp dẫn của trái phiếu
Có thể thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng tốt về khối lượng phát hành trong quý I/2020 nhưng lãi suất phát hành tăng lên. Các doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 nên nhà đầu tư cũng yêu cầu mức lãi suất cao hơn đối với trái phiếu. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng nhu cầu phát hành trong quý II có thể sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng lên kế hoạch tài chính nhưng sẽ tăng mạnh trong quý III khi dịch bệnh được kiểm soát (trong kịch bản cơ sở).
Nhóm ngân hàng thương mại sẽ không phát hành nhiều như năm 2019 và tập trung vào kỳ hạn dài 7-10 năm để tăng vốn cấp 2 thay vì các kỳ hạn 2-3 năm như trước. Trong khi đó, nhu cầu phát hành của các nhóm khác vẫn cao, đặc biệt là nhóm bất động sản.

Lãi suất phát hành sẽ duy trì ở vùng hiện tại do phần bù rủi ro cao nhưng dài hạn có thể điều chỉnh giảm, phù hợp với xu hướng giảm của lãi suất tiền gửi. Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường. Tuy nhiên, ngoài lãi suất, các nhà đầu tư cần hết sức lưu ý đến khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua thời kỳ dịch bệnh của các doanh nghiệp.

Theo đó, nếu dịch bệnh không được khống chế, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng với các loại tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu, trái phiếu. Cộng với bối cảnh chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh, đa số doanh nghiệp gặp khó khăn, kết quả kinh doanh suy giảm, thậm chí thua lỗ, nên nhà đầu e ngại rủi ro doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Thực tế, không ít ý kiến cảnh báo, mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, nên nhà đầu tư thận trọng hơn trước các đợt phát hành mới.

Theo ý kiến từ các chuyên gia, để thành công trong phát hành trái phiếu ở thời điểm khó khăn hiện nay, đơn vị phát hành cần gia tăng độ hấp dẫn cho trái phiếu. Muốn thế, doanh nghiệp phải chấp nhận trả lãi suất cao hơn, kỳ hạn trả lãi ngắn hơn, có tài sản đảm bảo cho đợt phát hành... Kèm theo đó, doanh nghiệp cần chủ động minh bạch thông tin, nỗ lực cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Bởi vì các cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cá nhân và minh bạch hóa các thông tin thị trường vẫn chưa có nhiều cải thiện trong quý vừa qua. Nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 163 để tạo nền tảng giúp thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn trong tương lai. Để sau quý II, khi dịch bệnh được khống chế, các nhu cầu huy động vốn có thể được nối lại khi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà cho thị trường trái phiếu phát triển.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới