Hủy
Chuyên đề

Kinh tế Việt Nam: Ngôi sao sáng nhất

Ngọc Thủy Thứ Hai | 05/12/2022 12:00

Ảnh: Quý Hòa

Bất chấp những khó khăn hiện tại và xu hướng suy yếu của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn được đánh là ngôi sao sáng về khả năng tăng trưởng.
 

Trong một số báo cáo gần đây, World Bank, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đại học Harvard (Mỹ) đều đồng loạt đưa ra những đánh giá lạc quan về triển vọng nền kinh tế Việt Nam. Bloomberg, Nikkei, The Diplomat thậm chí còn ca ngợi nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi ngoạn mục so với khu vực Đông Nam Á và châu Á. Theo các tổ chức này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Đây cũng là nhận định chung của các chuyên gia trong Hội nghị Đầu tư “Kinh tế Việt Nam: Ngôi sao sáng nhất” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng Công ty Galaxy EE tổ chức.

Nhiều lợi thế cho tăng trưởng
Giáo sư David Dapice, chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á thuộc Harvard Kennedy School, nhận định: “Việt Nam có nhiều động lực và dư địa cho tăng trưởng nền kinh tế”. Ông đã đưa ra nhận định này dưới góc độ một chuyên gia nghiên cứu đã theo dõi bước đi của nền kinh tế Việt Nam từ những năm 1990. 

 

“Hiện nay, ở các thành phố lớn, đời sống trở nên sôi động nhộn nhịp với xe cộ dày đặc hơn. Các chỉ số đo lường chỉ ra, lượng xe máy đã tăng gấp 50 lần trong 3 thập niên qua, tăng trưởng GDP gấp 10 lần, tăng trưởng xuất khẩu gấp 120 lần”, Giáo sư David Dapice gọi đây là “câu chuyện thành công lớn của Việt Nam”. 

Việt Nam đã dựa vào nhiều yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với việc mở toang cánh cửa hội nhập quốc tế như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Kết quả, theo báo cáo rà soát của WTO, trong 50 nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 năm 2009 lên Top 20 năm 2021.

Các nước đã tìm cách dịch chuyển hoặc mở rộng sang những quốc gia lân cận. Việt Nam với lợi thế nhân công giá rẻ trở thành điểm đón nhận làn sóng dịch chuyển này. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đến 75% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là nhóm sử dụng hàng triệu lao động cho sản xuất, với năng suất thấp hơn mức trung bình (chỉ 27%). 

 

Tất nhiên, Việt Nam đã và sẽ còn đối mặt với những thách thức như nông dân rời bỏ ruộng đồng để vào làm công nhân trong các nhà máy, đưa đến nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực, giá trị xuất khẩu trong doanh nghiệp nội địa vẫn ở mức thấp hay biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long… “Mặc dù vậy, Việt Nam có thể tiếp tục viết tiếp câu chuyện thành công nhờ vào dư địa cho tăng trưởng vẫn còn nhiều. Chẳng hạn, tỉ trọng của khu vực tư nhân ở Việt Nam chỉ mới chiếm 10-11% GDP, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (33%), Trung Quốc (60%). Khi doanh nghiệp tiếp tục đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo, khối tư nhân sẽ đóng góp đáng kể hơn vào GDP”, Giáo sư David Dapice tin tưởng.

Ngoài ra, những bước tiến trong hệ thống giáo dục đã giúp Việt Nam cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp các kỹ năng về toán học, khoa học tốt hơn hầu hết các nước trong ASEAN và trên trung bình của khối OECD. Đây là nguồn dư địa để Việt Nam nâng cao năng suất, tăng kỹ năng cho lao động ngành công nghiệp, cân bằng sự chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế.

Trong 5-7 năm tới, theo dự báo của Giáo sư David Dapice, Việt Nam vẫn còn lợi thế của lao động dư thừa cũng như tiếp tục đón làn sóng FDI rời khỏi Trung Quốc. Chưa kể, Việt Nam là một quốc gia đông dân (khoảng 100 triệu người) và ưa thích mua sắm. Với đặc điểm này, từ lâu Việt Nam đã là thị trường tiêu dùng thu hút hàng hóa các nước thâm nhập cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế nội địa phát triển.

Khó khăn trong ngắn hạn
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong bối cảnh của những hỗn loạn khắp toàn cầu. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay chống lạm phát, đẩy đồng USD mạnh lên, gây khó khăn cho các nước đang phát triển có nợ bằng USD. Chưa kể, mối quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn căng thẳng, gây ra ảnh hưởng cho phần còn lại của thế giới. 

dù lựa chọn nào, cuối suy thoái luôn là thời kỳ dòng vốn đổ vào các lĩnh vực ít rủi ro nhất. Ảnh: Quý Hòa
Không chỉ EU, khả năng cao một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng bị suy thoái. Ảnh: Quý Hòa

Ở châu Âu, chiến sự tại Ukraine đưa đến khủng hoảng năng lượng, có thể châm ngòi cho suy thoái kinh tế ở châu lục này. “Không chỉ EU, khả năng cao một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng bị suy thoái”, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Việt Nam đối mặt với các rủi ro gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Trong đó, là đối tác lớn của Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế Trung Quốc cần được theo dõi chặt chẽ. Nước này vẫn đang thực hiện chính sách Zero Covid và dự báo chỉ tăng trưởng 3%/năm, một mức thấp kỷ lục, kèm theo đó là hàng loạt rủi ro như bong bóng bất động sản sắp vỡ, nhiều khoản nợ xấu, nợ trái phiếu tăng, dân số già đi…  

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, chính sách Zero Covid của Trung Quốc vẫn có mặt “tích cực” đối với kinh tế Việt Nam. Đó là nhập khẩu từ Trung Quốc không gặp khó khăn nhiều. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng Việt Nam - Trung Quốc lại giải quyết được. Ngoài ra, Trung Quốc không thể đóng cửa hay mở ra đóng vào mãi được mà sẽ sớm tiến đến mở cửa tự tin trở lại. Khi đó, ngành du lịch Việt Nam sẽ có cú hích lớn với lượng du khách khổng lồ từ Trung Quốc đổ sang sau 3 năm họ bị bí bách với Zero Covid.

Trước mắt, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong chính sách tài khóa, tiền tệ. Nếu nhìn vào triển vọng kinh tế năm 2023 lại càng thách thức. Việt Nam chưa rõ FED sẽ điều hành chính sách tiền tệ ra sao. Câu chuyện lãi suất, tỉ giá rõ ràng vẫn còn rất biến động. Điều này không chỉ gây ra lo ngại cho sự ổn định của chính sách tiền tệ trong nước mà còn có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam. 

Việt Nam vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát vĩ mô. Nếu IMF dự báo kinh tế Việt Nam 2023 chỉ tăng trưởng khoảng 5,8% thì tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu 6,5%. Đây là mục tiêu rất tham vọng, nhất là xét trong tình hình xuất khẩu - động lực cho tăng trưởng mạnh mẽ đã không còn. Động lực tăng trưởng sẽ không dựa vào bên ngoài mà dựa nhiều vào đầu tư công.

Theo kế hoạch, trong 3 năm tới (2023-2025), Việt Nam sẽ dùng nguồn lực ngân sách từ 7-7,5% GDP cho đầu tư công. “Chưa rõ việc giải ngân sẽ thế nào nhưng Việt Nam có ngân sách dự kiến cho đầu tư công khoảng 850.000 tỉ đồng. Kịch bản tăng trưởng sẽ xảy ra khi Chính phủ giải ngân khoảng 75-80% tổng ngân sách này. Nhưng cách thức này dễ gây áp lực lớn lên ổn định vĩ mô”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Việt Nam hiện chọn cách điều hành vĩ mô theo hướng chấp nhận lãi suất cao, điều hành chính sách tài khóa thận trọng, cẩn thận tín dụng. Việt Nam cũng chấp nhận mức lạm phát cao hơn các năm trước (4,5%) để giữ ổn định tỉ giá. Tuy nhiên, đại diện từ Fulbright cho rằng, Việt Nam không thể duy trì mặt bằng lãi suất cao (8-12%/năm với tiền gửi và 12-17%/năm với cho vay) trong cả năm 2023. Vì như vậy nhiều doanh nghiệp sẽ không chịu nổi và Chính phủ sẽ không thể đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Có khả năng Việt Nam sẽ đổi chiều chính sách tiền tệ.

 

Thời điểm Việt Nam đảo chiều chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào động thái của FED. Nhiều khả năng FED sẽ nâng lãi suất điều hành ít nhất 2 lần nữa vào tháng 12/2022 và tháng 2/2023. Với diễn biến này, đầu năm sau, lãi suất VND có thể vẫn phải điều chỉnh tăng theo USD. Kịch bản mong muốn là Mỹ sẽ đi vào suy thoái “nông và nhanh” để đến giữa năm 2023, Việt Nam đổi chiều chính sách tiền tệ. “Khi đó, lạm phát, tỉ giá sẽ bớt căng thẳng và chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn để hỗ trợ cho tăng trưởng”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định. Mục tiêu của Chính phủ vẫn là giữ bình ổn tỉ giá, lãi suất và sẽ dùng chính sách tài khóa như giảm, hoãn thuế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng. 

Giáo sư David Dapice gợi ý: “Việt Nam nên tận dụng các nguồn vốn tăng trưởng xanh với lãi suất không quá cao. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đến chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát. Lạm phát được kiểm soát thì việc làm mới tăng, đời sống cải thiện...”

Việt Nam nên tận dụng các nguồn vốn tăng trưởng xanh với lãi suất không quá cao. Ảnh: Quý Hòa
Việt Nam nên tận dụng các nguồn vốn tăng trưởng xanh với lãi suất không quá cao. Ảnh: Quý Hòa

Nhưng từ đây đến 6 tháng tới, khó khăn sẽ chưa qua khỏi và doanh nghiệp phải tự vượt qua. Điều an ủi cho các doanh nghiệp là khó khăn chỉ tạm thời và những trở ngại về thanh khoản ở một số ngân hàng cũng không quá đáng ngại. Bởi vì so với 13 năm trước, tiêu chuẩn vốn của ngân hàng đã tốt hơn. Hệ thống ngân hàng ít rủi ro hơn. Có lo ngại chăng là lo ngại về niềm tin nhà đầu tư, nhất là trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Triển vọng cho thị trường vốn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng nóng, với 790.000 tỉ đồng phát hành chỉ riêng năm 2021. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỉ trọng cao nhất (41%), kế đó là ngân hàng (30%), xây dựng (7%). Đáng nói, nhiều doanh nghiệp đã chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư nhỏ lẻ dù trên giấy tờ chỉ được phép bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này đã gây nên sai phạm và làm mất niềm tin nơi nhà đầu tư. Việt Nam ưu tiên ổn định hệ thống tài chính ngân hàng nên sẽ không dùng ngân sách giải cứu các mất mát. 

 

Thực tế, khủng hoảng trên thị trường trái phiếu là điều đã diễn ra ở nhiều nước. Tuy nhiên, thị trường vốn cho Việt Nam không phải đã bế tắc. Ông Murli Maiya, Giám đốc Điều hành khối Dịch vụ tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của J.P. Morgan, cho biết: “Các quỹ luôn có tiền và thị trường vốn vào Đông Nam Á vẫn có cơ hội phát triển mạnh. Nhưng sở dĩ nhà đầu tư còn phân vân vì họ bị mất tiền, cần tính toán để tìm cho ra đâu là vùng an toàn, đâu là nơi tăng trưởng, đâu là nơi có thể đầu tư, tạo ra giá trị”. 

Nhưng dù lựa chọn nào, cuối suy thoái luôn là thời kỳ dòng vốn đổ vào các lĩnh vực ít rủi ro nhất, trong những thị trường có khả năng phục hồi cao và quan tâm tới những doanh nghiệp, dự án hấp dẫn, thỏa các tiêu chí đầu tư. Theo hướng này, những doanh nghiệp niêm yết, thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) sẽ tạo được sự chú ý hơn. 

Lãnh đạo của J.P. Morgan tin rằng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ thu hút được ít nhất 5 tỉ USD vốn đầu tư. Bởi Việt Nam có tiềm năng của một nền kinh tế mới nổi, với thị trường tiêu dùng hấp dẫn, đô thị hóa cao, có những chỉ số kinh tế phát triển, có đặc điểm nhân khẩu thú vị, với dân số trẻ, lao động nữ cao và trình độ dân trí ngày càng tăng, chuyển mình lên số hóa nhanh... Đây là những yếu tố để các dòng vốn muốn vào Việt Nam. “Vốn hóa Việt Nam hiện chiếm khoảng 54% GDP và vẫn còn dư địa tăng trưởng bởi tỉ trọng vốn hóa hợp lý là 50-70% GDP”, ông Murli Maiya nhận định.

Theo ông Dominic Scriven, sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dragon Capital Group Ltd, vấn đề là ở khẩu vị đầu tư. Khi trở thành nền kinh tế mới nổi theo đầy đủ tiêu chuẩn, Việt Nam có thể thu hút lượng vốn từ 25.000 tỉ USD đang đầu tư ở các thị trường mới nổi. Chỉ cần chiếm 0,4%, tức 100 tỉ USD, dòng vốn ngoại này có thể chiếm 15% thị phần của Việt Nam. Lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để đón nhận vốn lớn.

“Những khó khăn chỉ là trước mắt, còn tầm nhìn trung dài hạn, vị thế Việt Nam so với khu vực cũng như toàn cầu là khá an toàn. Việt Nam cần chú ý đến nội tại là các vấn đề bên trong doanh nghiệp. Bởi 3 năm trở lại đây, chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có sự mạo hiểm chưa được tính đủ. Khi tham gia các kênh đầu tư như địa ốc, trái phiếu... nhà đầu tư cần thận trọng để bảo vệ quyền lợi. Riêng trái chủ có thể trao đổi, đặt vấn đề với doanh nghiệp phát hành để tìm cách khắc phục các khó khăn”, lãnh đạo của Dragon Capital tư vấn.

Đó là chưa kể, Việt Nam còn nguồn vốn từ nội địa, ở các quỹ trong nước, các công ty bảo hiểm nhân thọ. Khi Việt Nam thúc đẩy các thay đổi để đạt công nhận nền kinh tế mới nổi và thực hiện kết nối tốt, thay đổi cách vận hành, có cố vấn chính sách, Việt Nam sẽ là nền kinh tế thu hút vốn mạnh.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB, cũng tin tưởng vào bức tranh dài hạn ở Việt Nam.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB, cũng tin tưởng vào bức tranh dài hạn ở Việt Nam. Ảnh: Tuyến Phan

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB, cũng tin tưởng vào bức tranh dài hạn ở Việt Nam. Những khó khăn điều chỉnh hiện tại là bước cần thiết để thị trường tài chính lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững hơn trong tương lai. Chỉ cần bình tĩnh, tạm thời không chú ý vào giá cổ phiếu, nhà đầu tư có thể vượt qua thách thức.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ví MoMo, đánh giá, dù hiện tại khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn lạc quan, nhất là về bán lẻ. Những điều chỉnh hiện nay là để doanh nghiệp quay về các yếu tố cơ bản, cạnh tranh bằng những điều cơ bản như sản phẩm, tối ưu chi phí... Như vậy, doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tìm thấy các cơ hội từ đầu tư hợp tác qua M&A những tài sản rẻ, để cùng nhau tối ưu chi phí, chấn chỉnh thị trường.

Rõ ràng, dù có những chao đảo trên thị trường và khó khăn vẫn còn đó nhưng các chuyên gia  kinh tế đúc kết: “Khó khăn là ngắn hạn bởi chúng ta có khả năng điều tiết kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa. Bài học là cẩn thận trong ngắn hạn nhưng từ hè sang năm sẽ có nhiều cơ hội hơn. Các doanh nghiệp hãy làm tốt, làm bền vững thì không thiếu cơ hội”.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới