Bizzi bước nhỏ, nghĩ lớn
Do Ventures, Qualgro và Money Forward đã đầu tư 3 triệu USD vào Bizzi trong vòng gọi vốn Pre-A. Ảnh: TL.
Chọn cung cấp giải pháp số hóa phòng kế toán của các doanh nghiệp, Bizzi, đơn vị cung cấp dịch vụ SaaS (phần mềm như một dịch vụ), đã nhận đầu tư sau hơn 1 năm thành lập.
Sao mới nổi
Cụ thể, Do Ventures, Qualgro và Money Forward đã đầu tư 3 triệu USD vào Bizzi trong vòng gọi vốn Pre-A. Đây là khoản đầu tư khá lớn đối với một doanh nghiệp startup chỉ mới hơn 1 năm tuổi ở vòng này. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty có hơn 100 khách hàng lớn bao gồm Grab, GS25, Circle K, Tiki... và hơn 4.000 nhà cung cấp sử dụng dịch vụ sau 2 năm thành lập. Tổng giá trị hóa đơn hằng tháng thông qua Bizi hơn 300 triệu USD.
Có 2 lý do giúp Bizzi hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Thứ nhất là lượng khách hàng. Theo website Sifted, các doanh nghiệp SaaS chỉ được đầu tư khi có một lượng khách hàng ổn định. Thứ 2, theo dự báo của Golden Gate Ventures, quy mô đầu tư vào các startup SaaS ở Đông Nam Á là nơi thu hút vốn nhiều nhất trong 5 năm tới. Theo đó, mức huy động vốn sẽ tăng từ 600 triệu USD năm 2021 lên 1,9 tỉ USD vào năm 2023.
Việc quản lý các hóa đơn điện tử ở định dạng file XML cũng phức tạp không kém. Ảnh: TL. |
Trao đổi với NCĐT, ông Vũ Trọng Nghĩa, đồng sáng lập Bizzi, cho biết, năm 2019 hóa đơn điện tử trở nên phổ biến, các doanh nghiệp bắt đầu có lộ trình chuyển đổi và hạn chót là tháng 7/2022. Đây là động lực để Bizzi được thành lập.
Vào thời điểm đó, đa phần các công ty lớn như FPT, Viettel hay BKAV đều đầu tư mạnh vào các dịch vụ xuất hóa đơn điện tử đầu ra, trong khi chưa có công ty cung cấp xử lý hóa đơn đầu vào. Theo ông Nghĩa quan sát, kế toán các công ty gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian khi vừa tải hóa đơn, kiểm tra hóa đơn và nhập liệu vào phần mềm kế toán hoặc phần mềm ERP.
Việc quản lý các hóa đơn điện tử ở định dạng file XML cũng phức tạp không kém. Về mặt quản lý, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có thói quen lưu các hóa đơn trong mail nên khi cần truy xuất cũng rất mất thời gian. “Có một khoảng trống từ việc vận chuyển các hóa đơn điện tử vào hệ thống hiện hành của doanh nghiệp. Chúng tôi cung cấp các công cụ vận chuyển tự động”, ông Nghĩa nói.
Theo đó, giải pháp của Bizzi hiện tự động hóa khoảng 90% quy trình xử lý hóa đơn đầu vào từ nhà cung cấp như tải hóa đơn, kiểm tra thông tin hóa đơn hay xác định quá trình hoạt động của bên bán... giúp giảm 80% thời gian và giảm chi phí xử lý còn khoảng 1.000 đồng/hóa đơn.
Cách làm này giúp Công ty không bị nhầm lẫn với các giải pháp phần mềm kế toán đã có trên thị trường. Doanh thu của Bizzi đến từ phí thuê bao dựa trên lượng hóa đơn xử lý hằng tháng của mỗi doanh nghiệp nên có thể tiếp cận từ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến quy mô lớn.
Cơ hội mới
Dịch bệnh cũng giúp dịch vụ Bizzi được quan tâm nhiều hơn, khi các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số để thích nghi với môi trường làm việc mới.
Với số vốn huy động được, Bizzi sẽ tiếp tục mở rộng thị phần trong thời gian tới. Ông Nghĩa cho biết, cho đến hiện tại vẫn còn các quy trình kế toán thủ công và có thể ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. “Chúng tôi vẫn trung thành với sứ mệnh dùng công nghệ để tự động hóa vận hành của bộ phận kế toán - tài chính”, ông Nghĩa nói.
Thực tế, một nhà đầu tư của Bizzi là Money Forward (Nhật) đã rất thành công với việc cung cấp dịch vụ như Bizzi. Sau khi có được chỗ đứng trong việc cung cấp quá trình tự động hóa bộ phận kế toán cho doanh nghiệp ở Nhật, đơn vị này bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyên sâu hơn cho nghiệp vụ kế toán.
Điển hình như Money Forward Early Payment, dịch vụ chuyển tiền trước cho các đơn hàng và hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp; hay Money Forward Kessai, cung cấp toàn bộ quy trình lập hóa đơn, bao gồm sàng lọc tín dụng, phát hành và phân phối hóa đơn... Các dịch vụ chuyên sâu hơn giúp khách hàng khó “dứt khỏi” Money Forward. Công ty gọi được 43 triệu USD trước khi lên sàn chứng khoán Tokyo vào năm 2017, chỉ 5 năm kể từ khi thành lập.
Còn khá sớm để Bizzi có thể đạt được các thành tựu như Money Forward. Theo đồng sáng lập Bizzi, là một startup SaaS, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tập trung vào phát triển sản phẩm, giải quyết “nỗi đau” của khách hàng mục tiêu. “Việc mở rộng sẽ đến một cách tự nhiên khi sản phẩm đã chứng minh được giá trị”, ông Nghĩa nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh