Hủy
Công Nghệ

Chờ 5G

Lam Hồng Thứ Ba | 20/08/2019 10:00

Ảnh:TL

Việt Nam đặt tham vọng rất cao khi trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thử nghiệm “đường cao tốc của kinh tế số 5G”.
 

Mới đây, Viettel đã hoàn thành tích hợp hạ tầng mạng lưới và phát sóng thử nghiệm trạm 5G (công nghệ di động thế hệ thứ 5) đầu tiên tại TP.HCM. Tiếp theo đó, VNPT tại TP.HCM cũng sẽ được triển khai thử nghiệm 5G từ tháng 9.2019 đến tháng 5.2020. Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: “Quá trình thử nghiệm lần này cũng là cơ sở để Viettel đánh giá toàn diện về băng tần, vùng phủ, ứng dụng... trên mạng 5G trước khi triển khai thương mại hóa vào năm 2020”.

Trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thử nghiệm 5G, đồng thời thiết lập hạ tầng để làm chủ công nghệ, có thể thấy Việt Nam đặt ra nhiều tham vọng trong bước nhảy vọt về viễn thông này. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn căn bản ở nhiều ngành công nghiệp (Vertical Industries), như các ngành công nghiệp sản xuất (Smart Factories), giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh. 5G cũng tạo ra một ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỉ thiết bị, cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành và tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả.

Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà cung cấp viễn thông châu Âu, việc cải thiện mạng 4G và triển khai 5G có thể tăng chi phí vốn lên 60% cho giai đoạn 2020-2025. Đây chắc chắn sẽ là bài toán của các nhà đầu tư 5G tại Việt Nam. Bởi vì dù đầu tư lớn cho 3G và 4G, nhưng doanh thu từ data của cả 3 nhà mạng chỉ chiếm dưới 30% tổng doanh thu di động. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone, hiện lưu lượng data của VinaPhone tăng gấp đôi, nhưng doanh thu chỉ chiếm 24% trong cơ cấu doanh thu di động. Trong cơ cấu tổng doanh thu di động của MobiFone, doanh thu data chiếm 27%; doanh thu data của Viettel cũng ở mức tương đương. Trong khi đó, để triển khai mạng 4G, tùy theo quy mô, chiến lược của mỗi nhà mạng, song ước tính vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD.

Cho  5G

Ước tính hiện nay cả nước có khoảng 13 triệu thuê bao di động có kết nối dữ liệu, chiếm 30% tổng số thuê bao di động. Trong đó, kết nối dữ liệu chủ yếu sử dụng cho giải trí, nhiều nhất là mạng xã hội. Ngoài ra, có thể kể đến một số ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh như đặt xe, đặt hẹn, mua sắm. Tuy nhiên, những nhu cầu này hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi hạ tầng mạng 3G hay 4G. Mặt khác, để 5G phát triển là phải có các ứng dụng đi kèm như xe tự lái, phẫu thuật từ xa hay internet vạn vật (IoT)... Nhưng thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhu cầu của các lĩnh vực này còn khá xa vời.

Có thể thấy hiệu suất khai thác mạng 3G, 4G, đặc biệt là 4G chưa cao nên 5G được nhiều người coi là “cuộc trình diễn công nghệ” của các nhà mạng, hơn là phương án kinh doanh trước mắt. Tuy nhiên, bài toán 5G đang được đặt tầm nhìn xa hơn, đặc biệt là hướng tới chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam. Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỉ USD năm 2015, tăng lên 9 tỉ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỉ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Úc), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu chuyển đổi số thành công.

Trong khi đó, 5G được ví như đường cao tốc của nền kinh tế số khi thúc đẩy phát triển AI, IoT, blockchain... Ngoài ra, 5G còn thúc đẩy tích hợp dữ liệu, dịch vụ, kết nối nhiều giải pháp khác nhau từ các doanh nghiệp, startup trong mạng lưới chính phủ số. Hiện có 3 đơn vị đang làm hạ tầng của 5G là Viettel, Vingroup và FPT. Trong đó, FPT được giao nhiệm vụ tập trung làm chip, Viettel và Vingroup làm hạ tầng, thiết bị. Trong đó, Vingroup sẽ khánh thành nhà máy sản xuất smartphone sử dụng công nghệ 5G tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Viettel đang hợp tác với một số công ty của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ để triển khai chế tạo thiết bị 5G và tập đoàn này đang đầu tư 200 tỉ đồng xây dựng phòng Lab 5G. Toàn bộ sản phẩm 5G về phần cứng và phần mềm được Viettel nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam.

Hiện nay, trên thế giới chỉ vài doanh nghiệp đã có sản phẩm 5G thương mại là Huawei, Ericsson, Nokia và ZTE. Vì vậy, chiến lược của Viettel rất tham vọng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đã có khá nhiều công ty của Mỹ chính thức đặt vấn đề với Việt Nam. “Nếu như Việt Nam sản xuất được thiết bị 5G, chúng ta có thể bán sang Mỹ”, ông Hùng nói.

Cho  5G

Về giải pháp triển khai, chuyên gia của Qualcomm cho rằng, 5G tại Việt Nam cần phát triển theo từng giai đoạn. Theo đó, trước mắt, 4G vẫn là nền tảng rộng để cung cấp dịch vụ di động. 5G chỉ nên tập trung vào một số lĩnh vực như thành phố thông minh, hoặc những ứng dụng mới như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), ô tô tự lái. Khi công nghệ đã chín muồi, giá thành của thiết bị 5G giảm, nhà mạng mới mở rộng đầu tư vào các giai đoạn sau để cung cấp cho người dùng.

Ông ST Liew, Chủ tịch Qualcomm tại Đông Nam Á và Đài Loan, cho rằng Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phát triển 5G và cũng là một trong những nước đầu tư, ứng dụng 5G sớm nhất, nhanh nhất, thông qua kế hoạch chia băng tần cho các nhà mạng, phát triển nền kinh tế số, chuyển đổi số... “Việc quan tâm và sớm đầu tư 5G sẽ tối ưu hóa trong ứng dụng 5G tại Việt Nam, giúp nền kinh tế có sức bật tốt”, ông ST Liew nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới