Hủy
Công Nghệ

Phần mềm lậu: Phạt nặng nhưng vi phạm vẫn cao

Hoa Hạ Thứ Hai | 24/12/2018 10:02

Tình trạng sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền tại Việt Nam vẫn cao.
 

Án phạt ngày càng nặng

Theo đánh giá của ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, đây là bước tiến quan trọng, góp phần đưa pháp luật hình sự của nước ta gần hơn với chuẩn mực pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó, tăng cường tính răn đe của pháp luật hình sự đối với tội phạm song cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức trong việc tuân thủ pháp luật.

Cụ thể,  Điều 225 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, có hiệu từ tháng 1/2018 quy định tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính, doanh nghiệp vi phạm phải đối mặt với mức phạt tiền tối đa lên tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù tối đa lên tới 3 năm. Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này có thể đối mặt với mức phạt tối đa lên tới 3 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động doanh nghiệp lên đến 2 năm.

Sau gần một năm Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc sử dụng các phần mềm hợp pháp, khuyến cáo tới người lao động không được phép cài đặt, đồng thời có phần mềm quản lý chặt chẽ, để hạn chế tối đa vi phạm”.

Phan mem lau: Phat nang nhung vi pham van cao
 

Tuy vậy, qua các đợt thanh tra năm nay vẫn còn tồn tại tình trạng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài am hiểu pháp luật nước sở tại nhưng vẫn cố tình dùng phần mềm không bản quyền, bên cạnh những phần mềm có bản quyền.

Trong số đó, phải kể đến cuộc thanh tra tại Công ty Full Ding Furniture và Công ty TNHH Rehab Italian Design đều có trụ sở tại Bình Dương, đã phát hiện số lượng phần mềm không có bản quyền lên hàng tỷ đồng.

Cho đến nay, bản quyền phần mềm máy tính vẫn là lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất. Theo kết quả của Điều tra được BSA | Liên minh phần mềm công bố vào tháng 6 vừa qua, tỉ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%.

Nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu

Theo Điều tra Phần mềm Toàn cầu 2018: Quản lý phần mềm – Đòi hỏi bắt buộc về an ninh và Cơ hội kinh doanh của BSA cho thấy, sử dụng phần mềm không bản quyền đang ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro và có chi phí cao. 

 Theo thông tin từ Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT), Việt Nam đang đứng đầu về nguy cơ an toàn thông tin mạng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận tổng cộng 6.567 sự cố tấn công vào các trang web của Việt Nam với cả 3 loại hình Malware, Deface và Phishing. Với 637.395 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính ma (Botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet. Hiện nay, loại hình hình tấn công được tin tặc sử dụng nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin, chiếm tới 70%, tiếp đó là tấn công chiếm quyền điều khiển, tấn công mã độc và tấn công ứng dụng web của các tổ chức, doanh nghiệp.

“Mã độc từ phần mềm không bản quyền gây thiệt hại cho doanh nghiệp trên toàn thế giới gần 359 tỉ USD mỗi năm. Để tránh các nguy cơ bị tấn công an ninh mạng, gây thiệt hại nặng nề về tài chính, tôi khuyến nghị các doanh nghiệp nên nâng cao năng lực quản lý phần mềm trong hệ thống doanh nghiệp”, ông Tarun Sawney, Giám đốc Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, BSA| Liên minh Phần mềm khuyến nghị.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới