Hủy
Công Nghệ

Sôi động cuộc đua truyền hình trả tiền

Thứ Ba | 13/05/2014 23:58

Trong nhiều dạng truyền hình trả tiền như: truyền hình cáp, truyền hình số, Mobile TV…, cuộc đua đang tập trung ở phân khúc truyền hình cáp.
 

Đua giá

Sách trắng về công nghệ thông tin năm 2012 chỉ ra rằng, chỉ sau 1 năm phát triển đã có gần 1/2 số doanh nghiệp phải bỏ chạy khỏi thị trường truyền hình trả tiền. Cụ thể năm 2011, cả nước có 47 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, đến năm 2012 con số này chỉ còn 27. Trong đó, thị phần chủ yếu vẫn nằm trong tay những doanh nghiệp lớn như SCTV với 40%, VTVCab với 30% và thứ 3 là HTVC với 15%. Các doanh nghiệp khác chia đều con số 15% ít ỏi còn lại (theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương).

Có một điểm đáng lưu ý là đã nhiều lần Hiệp hội Truyền hình trả tiền trình đơn xin Quốc hội và Chính phủ ngăn cản các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, FPT tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền, nhưng không được đáp ứng. Do vậy, các doanh nghiệp hiện có đang gồng mình cho cuộc đua mới khi có nhiều người chơi tham gia.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom cho biết, FPT đã chính thức ra quân vào tháng 10/2013, thử nghiệm truyền hình trả tiền tại tỉnh Bình Dương và dự kiến trong quý 2/2014 đơn vị này sẽ triển khai dịch vụ này đến các tỉnh thành khác.

Chuyên gia công nghệ Hoàng Mạnh Cường, nguyên Tổng Giám đốc CMC Telecom cho biết, hiện tại một đối thủ khá mạnh của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền chính là Viettel. Đây là doanh nghiệp có truyền thống cạnh tranh bằng giá rẻ, do đó họ đang bắt đầu chào sân bằng những gói cước siêu rẻ, khoảng 30-40.000 đồng/tháng ở Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam… Chính đại diện của hãng này cũng xác nhận sẽ áp dụng chiến lược “lấy nhiều bù ít” cho truyền hình trả tiền như cách họ đã chiến thắng trên thị trường viễn thông di động.

Với việc khơi mào cuộc chơi về giá của Viettel, hàng loạt nhà cung cấp khác cũng không thể không tung chiêu giảm giá. Hiện nay, các hãng truyền hình cáp đều tung ra những gói cước giá chỉ trên dưới 60.000 đồng/tháng như SCTV, VTVcab… Không đứng ngoài cuộc, các hãng truyền hình vệ tinh như An Viên (AVG), VTC cũng tung ra gói khuyến mãi tặng một năm thuê bao cho khách hàng mua bộ giải mã tín hiệu và khuyến mãi thẻ gia hạn cho các thuê bao cũ.

Kể cả một doanh nghiệp không có chiến lược giảm giá như K+ cũng không thể đứng ngoài cuộc chạy đua này. K+ đã cơ cấu lại các gói cước của mình, ba gói Access+, Premium+ và HD+ trước đây sẽ được cơ cấu lại thành 2 gói mới là Access+ và PremiumHD+. Gói Access+ sau khi được bổ sung thêm 9 kênh truyền hình sẽ có giá mới là 85.000 đồng/tháng. K+ là nhà đài đầu tiên trên thị trường không phân biệt dịch vụ HD hay SD, cùng giá cước thuê bao 220.000 đồng/tháng, các thuê bao lựa chọn đầu thu tín hiệu HD hay SD là được xem chất lượng tương ứng. Như vậy, các thuê bao HD của K+ cũng được giảm tới 20% cước phí hàng tháng.

Đua nội dung và công nghệ

Cuộc đua giá không phải là yếu tố tiên quyết trong cạnh tranh ở lĩnh vực truyền hình trả tiền, mà chính nội dung mới là yếu tố quyết định. “Đây là điểm yếu của Viettel, FPT, VNPT vì họ chưa có kinh nghiệm làm nội dung. Trong khi nội dung mới chính là điểm thu hút người sử dụng, “bảo bối” để chiến thắng trên thị trường có quá nhiều ông lớn”, ông Cường nhấn mạnh.

K+ khi mới xuất hiện đã lập tức gây xôn xao trước một nội dung độc quyền, chính là giải bóng đá ngoại hạng Anh. Điều này đã làm cho K+ có mức tăng trưởng mạnh mẽ, hiện có khoảng 600.000 thuê bao. Những doanh nghiệp đang đứng đầu thị trường này như VTV hay HTV cũng được biết đến với ưu thế về nội dung. Cuộc chiến nội dung hiện tại đang gây xôn xao là về bản quyền phát sóng World Cup. Nhà cung cấp nào đạt được thỏa thuận phát sóng chắc chắn sẽ thu hút một lượng thuê bao đáng kể.

Một cuộc chạy đua nữa là về công nghệ. Có 2 xu hướng thay đổi trong truyền hình kỹ thuật số đáng chú ý trong năm nay. Thứ nhất là lộ trình chuyển đổi từ truyền hình analog sang kỹ thuật số (digital). Thứ hai là các đài truyền hình trên cả nước cũng sẽ phải hoàn tất việc chuyển đổi kỹ thuật số mặt đất theo tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn DVB-T2. Đây là tiêu chuẩn truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ thứ 2. Cái lợi của chuẩn kỹ thuật số mới, theo người phụ trách kỹ thuật đài Truyền hình An Viên, đó là tiết kiệm được tần số. Trước đây mỗi tần số chỉ phát sóng được 1 kênh. Nhưng ngày nay, một tần số có thể phát lên đến 25 -30 kênh truyền hình, trong đó có một vài kênh là HD. Mặt khác, chất lượng hình ảnh cũng sẽ vượt trội hơn, không còn xuất hiện hiện tượng nhiễu.

Hiện tại, các đài truyền hình như VTV, VTC và SCTV đang chuyển dần sang chuẩn mới này và phát sóng ở một vài khu vực, riêng AVG thì đã sử dụng tiêu chuẩn này từ trước đến nay. Việc các nhà kinh doanh viễn thông gia nhập vào thị trường truyền hình trả tiền cũng sẽ tạo một cuộc cạnh tranh mới về công nghệ.

Chỉ mới khai thác 1/5 thị trường

Ông Hoàng Mạnh Cường cho biết, Việt Nam có tối đa khoảng 20 triệu thuê bao có thể khai thác dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong đó đã có khoảng 4 triệu thuê bao đã sử dụng dịch vụ, con số còn lại khá lớn cho những ai có tham vọng tấn công thị trường này.

Đây là thị trường “tỷ đô” và còn tiềm năng rất lớn trong tương lai. Tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam năm 2012 đạt 2,5 tỷ USD và được dự báo sẽ có tốc độ phát triển nhanh, bình quân 20-25% mỗi năm ở giai đoạn 2011- 2015. Rõ ràng đây là một con số hấp dẫn đối với những nhà kinh doanh.

Tiềm năng là như vậy nhưng không phải ai tham gia cũng có phần. Dẫn chứng là 20 doanh nghiệp đã phải dừng giữa chừng vì không cạnh tranh nổi. Cuối cùng, hơn 70% thị phần vẫn nằm trong tay VTV và các công ty con.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng, tuy thị trường truyền hình trả tiền có nhiều doanh nghiệp, nhưng VTV lại chiếm tới hơn 70% thị phần nên theo Luật Cạnh tranh thị trường này đang bị độc quyền. Ông Trực cũng hy vọng sau khi có nhiều doanh nghiệp viễn thông tham gia khai thác thì thị trường sẽ được phân chia lại, giá cước giảm và người dân sẽ được hưởng lợi.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới