Hủy
Doanh Nhân

Giám đốc Hạnh phúc

Hiệp Quyên Thứ Sáu | 14/02/2020 16:16

Ảnh: Quý Hòa.

Chức danh Chief Happiness Officer (CHO) hay còn gọi là Giám đốc Hạnh phúc đang dần hình thành và chiếm vị trí quan trọng trong công tác quản trị nhân sự...
 

Tháng 4.2018, Kristian Fischer, tác giả chuyên dòng sách quản trị doanh nghiệp, công bố dòng Twitter ấn tượng: “Cuối cùng, tôi đã có chức danh mới, một chức danh mà tôi yêu thích từ lâu: Giám đốc Hạnh phúc (CHO) của Tradeshift”. Gia nhập startup công nghệ được định giá 1,1 tỉ USD, được đầu tư bởi Goldman Sachs này từ lâu, yêu môi trường làm việc của mình, Kristian Fischer cho biết, chức danh mới sẽ giúp ông được làm rất nhiều việc tốt lành cho nhiều người.

 

Vị trí triển vọng

“Điều đó về cơ bản có nghĩa, mục tiêu chính của tôi sẽ là làm cho các đồng nghiệp hạnh phúc. Và nếu họ hạnh phúc, khách hàng của chúng tôi cũng vậy”, CHO Tradeshift nói.

Tất nhiên, Kristian Fischer cũng biết, vị trí mà ông mới được bổ nhiệm là khái niệm còn xa lạ với nhiều người. Chức danh CHO được sinh ra ở Thung lũng Silicon, Mỹ và đang dần phổ biến, nhất là ở các công ty của Pháp. Ngày càng nhiều chuyên gia quản trị bị quyến rũ bởi vị trí đầy triển vọng này. Bởi không chỉ liên quan đến công tác nhân sự và truyền thông nội bộ, công việc này thực sự rất thú vị. CHO phải chăm sóc sức khỏe của nhân viên, đảm bảo sự cân bằng giữa cuộc sống riêng tư và nghề nghiệp, làm sao mọi nhân viên đều được tôn trọng và nghiên cứu, triển khai các hoạt động để toàn thể đều có cơ hội phát triển bản thân. Nói một cách đơn giản, đây sẽ là người kiến tạo môi trường hạnh phúc cho con người và doanh nghiệp.

Theo một nghiên cứu từ Malakoff Médéric, công ty chuyên về quản lý các kế hoạch hưu trí và bảo hiểm cá nhân, 75% các nhà quản lý tin rằng trong tương lai, chất lượng cuộc sống tại nơi làm việc sẽ là mối quan tâm lớn đối với các công ty. Đối với nhân viên, 97% tin rằng chất lượng cuộc sống tại nơi làm việc góp phần tăng hiệu suất của công ty. Đó chính là lý do ngày càng có nhiều doanh nghiệp đặt mối quan tâm và sẵn sàng mở hầu bao cho các hoạt động nâng cao mức độ hạnh phúc cho nhân viên.

Lan tỏa làn sóng hạnh phúc

Dù chưa chính thức có chức danh  nhưng ở Việt Nam, việc gây dựng môi trường hạnh phúc trong doanh nghiệp cũng đã bắt đầu được chú ý. Thế Giới Di Động, Biti’s, Lotus Food Group, Traphaco... là những thương hiệu đang hướng đến giá trị này. Tiên phong trong làn sóng này, có thể kể đến Anphabe, đơn vị tư vấn giải pháp Thương hiệu nhà tuyển dụng và Nguồn nhân lực hạnh phúc. Bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe, ngay từ những ngày đầu thành lập Anphabe đã xác định, vai trò của mình là người truyền cảm hứng hạnh phúc cho Anphabe trước khi hướng đến mục tiêu cao lớn nào khác. “Khi nhân lực hạnh phúc, họ sẽ làm được những thứ tưởng chừng hơn cả khả năng của mình. Ngược lại, khi nhân viên không hạnh phúc, thiệt hại mà doanh nghiệp phải nhận là những Zombie công sở và thất thoát nhân lực”, bà Thanh nói.

Con người đều có điểm chung là sẽ hài lòng với cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc khi thỏa mãn được 3 yếu tố: an toàn, có bản sắc và có mục đích sống. Đối chiếu với các yếu tố này, theo nữ giám đốc truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe, để xây dựng được doanh nghiệp hạnh phúc, giúp nhân viên có thể gắn kết với doanh nghiệp lâu dài cũng cần 3 yếu tố, bao gồm gắn kết lý trí, gắn kết tình cảm và nỗ lực tự nguyện.

Nếu nhân viên cảm nhận được sự an toàn, thoải mái và có khả năng phát triển năng lực bản thân, họ tất yếu sẽ nỗ lực hoàn thành, thậm chí là nhiều hơn cả nhiệm vụ được giao. “Khi nhân viên kiệt quệ về mặt thể chất, mọi thứ dù đang tốt cũng sẽ tệ hơn. Lúc đó, họ chỉ muốn ra đi”, bà Thanh nói. Để tránh trường hợp thất thoát nhân lực đáng tiếc như thế, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải chủ động xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc.

 

Đồng quan điểm, bà Lê Vân Mây, Chủ tịch kiêm CEO Lotus Food Group, cho biết môi trường làm việc hạnh phúc là nơi mà tất cả nhân viên đều cảm thấy mình làm chủ, mỗi ngày đến công ty là một ngày vui vì được nỗ lực cho sự phát triển của bản thân, gia đình cũng như sự phát triển chung. Do đó, công tác kiến tạo, lan tỏa hạnh phúc trong doanh nghiệp là không thể thiếu. Trong tương lai, vai trò của những giám đốc hạnh phúc sẽ rất quan trọng.

Tuy nhiên, không quá khó để có thể tổ chức công việc kiến tạo hạnh phúc trong doanh nghiệp. Theo bà Thanh Nguyễn, ở khối SME, Giám đốc nhân sự cũng có thể là người truyền cảm hứng hạnh phúc. Giám đốc Hạnh phúc sẽ là người truyền cảm hứng hạnh phúc cho mọi thành viên, là người khởi xướng xu hướng sống tốt, làm việc tốt để thể hiện giá trị cuối cùng hướng tới là một doanh nghiệp hạnh phúc. Phức tạp hơn một chút, ở các doanh nghiệp lớn, có nhiều phòng ban thì lại cần chất keo gắn kết các bộ phận lại. Bà tư vấn: “Riêng việc kết nối, hiểu nhân viên để tạo nên một môi trường làm việc mà tất cả mọi người đều làm việc tốt và hạnh phúc thì đó là một nghề, đó là Giám đốc Hạnh phúc, hoàn toàn khác với Giám đốc Nhân sự”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới