2019: Cẩn trọng nợ công và thâm hụt tài khóa
Tỉ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực. Ảnh: Quý Hòa
Năm 2018 đã qua đi với hàng loạt kỷ lục dành cho kinh tế Việt Nam. GDP đạt mức tăng trưởng cao nhất 10 năm, CPI kiểm soát dưới chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những yếu tố cần phải được cải thiện. Đặc biệt là vấn đề tài khóa. Trong khi môi trường tài chính đang dần thắt chặt trên quy mô toàn cầu trong các năm tới, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: "Mức độ ổn định tài khóa tốt sẽ là bước chuẩn bị hữu hiệu cho các thách thức trong tương lai", đặc biệt là hai yếu tố chính: gồm nợ công và thâm hụt tài khóa.
Tỉ lệ nợ công/GDP của một số quốc gia. |
Đối với nợ công, tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã tăng từ 39% lên 62% sau 10 năm và cao hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vưc. Trong suốt thời kỳ này, hàng loạt khoản nợ xấu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do các dự án đầu tư kém hiệu quả. Hiện tại, Chính phủ đang chủ động giải quyết điểm nghẽn này thông qua các chương trình kiểm soát trung và dài hạn như đầu tư công, nợ công,… Điểm tích cực gắn với việc tỷ lệ nợ công giảm nhẹ trong các năm gần đây nhờ tăng trưởng GDP cao và thoái vốn tại DNNN.
Tuy nhiên, vấn đề thâm hụt ngân sách hàng năm vẫn chưa có nhiều biến chuyển và tỉ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực. Ở khía cạnh nguồn thu, nhìn chung, thu ngân sách khá nhạy cảm với chu kỳ kinh tế khi thuế thu nhập và thuế tiêu dùng chiếm hơn 50% nguồn thu thường xuyên. Điều này hàm ý tốc độ tăng thu ngân sách có thể sẽ gặp khó khi nền kinh tế trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng và tăng trưởng GDP giảm dần.
Trong khi rất khó để tăng cơ sở thuế, Chính phủ sẽ phải cắt giảm các khoản trợ cấp và tăng tỷ lệ thuế, qua đó gia tăng áp lực lạm phát. Chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng trung bình 10% do tăng lương cơ bản. Đáng chú ý, dư địa tăng chi phí khám chữa bệnh nói riêng và chi phí dịch vụ công nói chung vẫn khá lớn, dựa theo Nghị định 16/2015/NĐ/CP. Học phí được phép tăng dần qua các năm, VDSC dự báo giá điện có thể tăng 6% ngay trong nửa đầu năm 2019. Mức thuế bảo vệ môi trường cao hơn đánh lên mặt hàng xăng dầu cũng sẽ góp phần đẩy lạm phát lên cao. Các khoản thuế tiêu dùng và thuế tài sản đang trong giai đoạn xem xét.
Trên khía cạnh chi ngân sách, khoản mục lớn nhất, chi thường xuyên, duy trì tốc độ tăng trưởng gần 8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của thu thường xuyên. Bên cạnh đó, hậu quả từ việc vay đảo nợ trước đó đẩy chi phí lãi vay lên cao. Điều tích cực liên quan tới việc phần lớn khoản nợ công là nợ trong nước.
Nợ nước ngoài nhìn chung có kỳ hạn dài. Chi trả nợ gốc các khoản nợ trong nước sẽ rất lớn trong 3 năm tới. Tốc độ tăng chi đầu tư phát triển sẽ chậm lại do quá trình giải ngân ì ạch trong các năm gần đây. Tuy nhiên, quy mô đầu tư công vẫn rất lớn.
Trong 2019-2020, VDSC kỳ vọng kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn khi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn sẽ bắt đầu triển khai. Ví dụ, 3/11 cấu phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, được tài trợ bởi Ngân sách Trung ương, sẽ khởi công trong năm tới. Các cấu phần còn lại được triển khai dưới dạng dự án hợp tác công-tư đang trong giai đoạn đấu thầu và sẽ khởi công vào 2020.
Doanh thu từ thoái vốn nhà nước tại DNNN là nguồn bổ sung quan trọng đối với sự ổn định tài khóa. Sau thành công từ thoái vốn và IPO năm 2017, quá trình này đã chậm lại trong năm 2018. Sang năm 2019, Bộ Tài chính lên kế hoạch ghi nhận 50 nghìn tỷ đồng từ thoái vốn và IPOs của DNNN, cao hơn 50% so với kết quả ghi nhận 2018. Do đó, VDSC kỳ vọng quá trình tư nhân hóa sẽ tích cực hơn trong năm 2019.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hoàng Kim