Hủy
Kinh Doanh

Bật nắp cùng Dừa Cười

Minh Anh Thứ Tư | 11/03/2020 09:53

Ảnh: TL.

Ý tưởng nhỏ nhưng trở thành niềm tự hào cũng như tạo thêm nguồn thu cho “thủ phủ” dừa tại Việt Nam...
 

Trong một lần đến Úc, Phạm Thị Vân, hướng dẫn viên du lịch, bị thu hút bởi trái dừa có khoen nắp có thể mở dễ dàng. Điều khiến cô quan tâm là giá trái dừa này đến 5 đô la Úc nhưng lại không ngon bằng trái dừa xiêm Việt Nam. Trong khi đó, Vân cũng biết nhiều doanh nghiệp của Thái Lan và Trung Quốc sang Việt Nam nhập khẩu dừa về và gắn nhãn mác của họ. Vì thế, cô gái quê Hưng Yên quyết định nghỉ việc, khăn gói vào Bến Tre khởi nghiệp với dừa nắp khoen.

Vân đi gần hết tỉnh Bến Tre để tìm hiểu thị trường, khả năng cung ứng nguyên liệu... Rồi khoảng 1 năm sau, Vân được giới thiệu với một nhóm bạn trẻ đang thực hiện dự án dừa nắp khoen. Vân chịu trách nhiệm tìm đầu ra cho sản phẩm, còn nhóm tập trung sản xuất. Những ngày đầu lập nghiệp, mọi sự khó khăn hơn Vân tưởng. Dừa không được chọn lọc kỹ càng, quá trình đóng nắp khoen không khớp, trái dừa không thể bật nắp như dự tính. Cộng thêm quá trình bảo quản không đúng quy trình khiến sản phẩm bị hỏng hoặc không giữ được lâu. Sau 3 tháng, hàng ngàn trái dừa bị đập bỏ, Vân sang Thái học cách làm dừa. Sau một thời gian dài, sản phẩm dừa nắp khoen mới hoàn thiện và được khách hàng đón nhận. 

 

Sản phẩm bắt đầu có doanh thu thì các thành viên trong nhóm bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, Vân rời nhóm và mất 800 triệu đồng đầu tư. Bạn bè, gia đình và người thân khuyên Vân trở lại công việc cũ và lập gia đình yên phận. “Tôi nghĩ mình phải lập nghiệp để tích lũy để ngoài 40 tuổi có thể nghỉ hưu. Vì thế, tôi quyết định vay mượn tiền mở xưởng và được bạn bè giới thiệu một nhà máy đang bỏ không, chuyên sản xuất dừa xuất khẩu có đầy đủ các chứng nhận Bio Organic, USDA Organic, vệ sinh an toàn thực phẩm”, cô gái 8x kể lại. 

 

Đến tháng 11.2017, cô thành lập Công ty Dừa Cười. Sản phẩm mới của Công ty được tạo hình miệng cười và gắn lắp khoen tạo hình mặt cười nên được gọi là Coco Smile. Sau 2 tháng, Dừa Cười cho ra thị trường hơn 1.000 sản phẩm, bán cho các tiệm cà phê, các hội nghị hay cửa hàng thực phẩm sạch đến các khu resort... 

Giỏi ngoại ngữ nên Vân khá thuận lợi khi tiếp cận và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Hiện sản phẩm đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật, Úc, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu. Tùy từng thị trường, Vân sẽ cung cấp, thiết kế sản phẩm theo đúng yêu cầu về ngoại hình, màu sắc, độ ngọt… Hiện mỗi tháng, Dừa Cười sản xuất khoảng 250.000 trái, trong đó có 50.000 trái xuất khẩu. Hiện mỗi trái dừa xiêm ở Bến Tre bán từ 8.000-10.000 đồng/trái, thì dừa cười mang thương hiệu Coco Smile bán với giá 35.000 - 40.000 đồng/trái. 

Dừa Cười có khách hàng xuất khẩu và khách hàng liên tục yêu cầu sản phẩm ráo riết, nhưng Vân lại thiếu nguồn cung đầu vào vì muốn đảm bảo chất lượng. Vân không mua dừa đại trà mà chọn lựa những vùng, những loại dừa xiêm xanh rặt có độ ngọt đúng quy chuẩn, nếu như độ ngọt để xuất khẩu là 7 thì Coco Smile luôn chọn độ ngọt ở mức 7,5 trở lên. “Dừa xiêm xanh ngon nhất từ huyện Giồng Trôm và huyện Châu Thành và vùng lân cận Thành phố Bến Tre”, Vân cho biết. 

Nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển dừa và tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân địa phương, Vân thuê người cắt gọt trái dừa tại chỗ, cho họ lấy phần vỏ dừa phơi khô làm chất đốt hoặc nghiền làm phân bón hữu cơ. Những trái dừa đạt độ ngọt chuẩn ổn định được tìm thấy ở những vùng có điểm chung về thổ nhưỡng, giống thống nhất trong một vườn, vườn chuyên canh chất lượng tốt hơn xen canh, đê bao ngăn mặn tốt, không nhiễm lợ. “Một hệ thống siêu thị nước ngoài đặt mỗi năm cung cấp cho họ 100 triệu trái dừa nhưng rất tiếc là chúng tôi không biết tìm đâu ra cho đủ nguyên liệu để cung cấp!”, Vân nói.

Dừa tiêu chuẩn uống nước ở Việt Nam thường được cắt khi còn rất non, được thu hoạch chỉ sau 25 ngày ra trái. Những loại dừa này cơm nhão, mỏng và không đạt được độ ngọt như mong muốn, thậm chí non quá dễ bị chua. Khi đưa dừa non vào chế biến, ngoài việc không đảm bảo độ ngọt của nước, việc xử lý khó khăn, bị bể gáo… Vì vậy, dừa nguyên liệu để làm dừa cười phải đạt từ 33-35 ngày mới thu hoạch. Khi đó, gáo dừa đã có độ chắc chắn, việc cắt gọt, tạo hình dễ và đặc biệt là chất lượng nước, độ ngọt đảm bảo yêu cầu.

Bến Tre là thủ phủ của trái dừa. Dừa Cười đã tạo được ấn tượng mạnh và trở thành niềm tự hào của địa phương, nên sản phẩm thường xuyên được các cơ quan ban ngành của tỉnh sử dụng trong các sự kiện, hội nghị, tiếp khách, làm quà tặng…

Đối với cô chủ sản phẩm Dừa Cười, đối thủ lớn nhất chính là Thái Lan, vì họ đi trước khá xa về công nghệ chế biến sau thu hoạch. Dừa Thái Lan đã xuất khẩu đến 93 quốc gia trên thế giới, nên Việt Nam khó cạnh tranh trực tiếp mà chỉ giành thị phần nhỏ. Còn Philippines và Indonesia dù nhiều dừa nhưng chỉ chủ yếu tập trung vào sản xuất nước dừa đóng hộp.

Ngoài dừa, Công ty cũng phát triển một số sản phẩm khác từ trái dừa như thạch dừa CocoMom vị lá nếp, lá cẩm và được giới văn phòng ưa chuộng và sản xuất gần như không đủ bán vào mùa cao điểm. Vân thường tặng cho khách nước ngoài trái vải, nhãn, bơ và cả cà phê Việt Nam, những món quà nhận được nhiều lời khen. “Cũng như nhiều người phát triển sản phẩm nông nghiệp khác, chúng tôi mong muốn phát triển được thị trường trên thế giới. Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc sẽ là 3 thị trường chính mà các sản phẩm của Dừa Cười hướng đến”, Vân tiết lộ.


 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới