Hủy
Kinh Doanh

'Ép ngân hàng hạ lãi suất vay, ai chịu trách nhiệm?'

Thứ Ba | 21/05/2013 11:24

Vấn đề lãi suất huy động hạ nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa như kỳ vọng, gây thiệt thòi cho người gửi tiền; và các thắc mắc liên quan tới những ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII ngày 20/5.
 

Tiết kiệm không phải là kênh duy nhất

- Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã liên tục hạ lãi suất huy động, tuy nhiên các doanh nghiệp lại chưa nhận được mức hạ của lãi suất cho vay ra như kỳ vọng, theo ông lý do là gì?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Lãi suất là một vấn đề nằm trong tổng thể nền kinh tế. Không thể cứ nói hạ là ép xuống ngay mức mình mong muốn. Lý do quan trọng nhất là sức khỏe hệ thống các tổ chức tín dụng, chừng nào chưa được xử lý thì lãi suất khó hạ.

Mặt khác, cũng phải cân nhắc tới yếu tố thị trường. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều là các tổ chức kinh doanh, tác động tới nhau theo quan hệ cung cầu. Nếu ép ngân hàng hạ lãi suất cho vay với dự án này dự án kia, nhưng ai đứng ra khẳng định và chịu trách nhiệm dự án đó tốt, hiệu quả? Tới một lúc nào đó, các ngân hàng thấy rằng cứ để thế này, doanh nghiệp không thể vay được thì họ sẽ hạ.

Nhưng cũng có vấn đề khi lãi suất của ngân hàng giảm xuống thì lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn cao, các tổ chức tín dụng đi mua trái phiếu Chính phủ, 90% trái phiếu là do các ngân hàng mua. Thực tế này cần được nhìn nhận, đánh giá lại.

- Trong khi không thể buộc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay như mong muốn, thì lãi suất huy động lại liên tục giảm mạnh, như vậy có thỏa đáng với người gửi tiền?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Ở đây chúng ta phải nhìn hạ lãi suất ở tầm vĩ mô. Bằng các chính sách vĩ mô, Nhà nước khuyến khích người dân đem tiền đi đầu tư cho xã hội, cho sản xuất kinh doanh. Gửi tiền tiết kiệm không phải kênh duy nhất của người dân. Chúng ta đã mở ra các thị trường tài chính, khuyến khích sản xuất kinh doanh, đó là nhiều lựa chọn cho người có tiền.

- Với lãi suất huy động xuống thấp hiện nay, liệu dòng tiền có đi vào thị trường chứng khoán không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Dòng tiền chỉ quay trở lại thị trường chứng khoán khi tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển trở lại. Với tình hình thị trường như thế này những người làm vĩ mô hy vọng các doanh nghiệp trên cơ sở phân tích tình hình trong nước cũng như thế giới, họ có thể phân tích để chọn dự án, phương án phát triển tốt cho mình. Khi họ phát triển thì các thị trường tài chính cũng sẽ phục hồi.

- Lãi suất chưa thể giảm, vậy để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông chúng ta cần có giải pháp gì thêm?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Từ đầu năm đến nay, phần lớn các giải pháp đề ra theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, Chính phủ đều chưa được thực hiện. Gói 30.000 tỷ đồng cũng mới được thông qua. Các giải pháp khác cũng chưa bắt đầu. Cứ thực hiện đã, xem hiệu quả tới đâu rồi hãy nói tới chuyện điều chỉnh.

Lãi suất ưu đãi mua nhà nên ở mức 3%

- Nói đến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, ông đánh giá như thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức lãi suất ưu đãi 6% cho người mua nhà trong thời điểm này?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước khi đưa ra mức 6%, thấp hơn mặt bằng hiện nay, tuy nhiên, tôi cho rằng gói hỗ trợ này sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa nếu lãi suất ổn định ngay 3% trong một chu kỳ vòng đời của doanh nghiệp xây cái nhà đó.

Ví dụ vòng đời của cái nhà đó lãi suất, chỉ số hoàn vốn trong vòng 12 năm thì phải cho người mua nhà vay trong vòng 7 hoặc 9 năm với lãi suất 3% để người ta mua cái nhà đó. Chúng ta phải thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm. Tại sao chỉ có 7 năm vì anh đã phải có một khoản tiền đặt cọc ban đầu, sau mới nghĩ tới chuyện vay ngân hàng.

Tôi hiểu Ngân hàng Nhà nước đã tính toán kỹ lưỡng, so sánh với mặt bằng cho vay hiện nay, cũng như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu cho các ngân hàng thương mại. Nhưng đó là góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước.

Còn từ góc độ người làm nghiên cứu, tôi thấy trên thế giới không ai cho vay mua nhà, mà lại là vay ưu đãi, với lãi suất cao như vậy. Về nguyên tắc, lãi suất vay tiền mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều mặt bằng chung, bởi khoản vay này có tài sản đảm bảo. Tôi cho rằng, 3% là mức hợp lý, giúp tăng hiệu quả của gói hỗ trợ, tạo được dòng chảy mới cho thị trường bất động sản.

- Mức lãi suất 3% nên duy trì bao lâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Nên cố định trong vòng 7 năm.

- Theo ông, đối tượng hiện tại để mua được nhà trong gói 30.000 tỷ đã phù hợp chưa?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, nên cho phép bất cứ ai thu nhập ổn định, có nhu cầu chính đáng về nhà ở đều được vay. Giá nhà thuộc diện vay ưu đãi là bao nhiêu, tôi cũng cho rằng không nên cứng nhắc quy định ở mức bao nhiêu, dưới 15 triệu đồng như quy định hiện nay chẳng hạn. Giá cả là do thị trường quyết định, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự cân nhắc, họ để giá quá cao không ai mua rồi cũng phải giảm.

- Theo ông, liệu gói 30.000 tỷ này có mang lại hiệu quả thiết thực cho thị trường bất động sản?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Chắc chắn phải có. Chúng ta không thể yêu cầu nhà nước phải cứu mọi phân khúc trên thị trường, kể cả nhà nghỉ, resort, khách sạn, bất động sản cao cấp… mà phải chọn lựa những phân khúc phù hợp, có tác động lan tỏa.

- Ông thấy sao khi cơ quan quản lý nhà nước một mặt tham gia hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn muốn “nắm đằng chuôi”?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Điều đó thể hiện dự báo của các cơ quan quản lý nhà nước với ổn định vĩ mô chưa được bền vững như mong muốn. Họ vẫn dự báo với lãi suất 6% thì với mặt bằng lạm phát như thế sẽ cân đối được chi phí của nguồn vốn. Cũng giống như lãi suất trái phiếu Chính phủ vậy, trong khi lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước chỉ 6-7% thì lãi suất đấu thầu của trái phiếu Chính phủ vẫn cao hơn.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Vietnam+)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới